20 thg 6, 2018

Bảo đảm các điều kiện phục vụ kỳ thi THPT quốc gia

Thứ Năm, 21/06/2018, 02:37:07
 

Kiểm tra công tác thi THPT quốc gia tại điểm thi Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Mường Khương (Lào Cai).
Chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Để kỳ thi đạt kết quả cao, bên cạnh công tác tổ chức ôn tập “nước rút” cho học sinh, phổ biến quy chế thi, các địa phương đã và đang tăng cường kiểm tra, bổ sung cơ sở vật chất, triển khai các giải pháp để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, nhất là kiểm soát các thiết bị công nghệ cao...
Ôn tập “nước rút”

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27-6. Cả nước có 2.144 điểm thi với 925.792 thí sinh đăng ký dự thi. So với năm 2017, kỳ thi năm nay tăng cả về số thí sinh đăng ký dự thi, số điểm thi, phòng thi, cho nên công tác chuẩn bị, phối hợp cần thực hiện chu đáo, khẩn trương. Về cơ bản, kỳ thi được giữ ổn định như năm 2017. Nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 (chủ yếu là lớp 12). Tại Trường THPT Cẩm Lý (huyện Lục Nam, Bắc Giang), thầy giáo Nguyễn Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng cho biết, nhà trường đang tổ chức ôn tập “nước rút” cho học sinh, hướng dẫn học sinh cách phân tích đề thi, cách trình bày bài thi, trong đó, học sinh có học lực khá, giỏi được ôn tập ở mức độ cao để đáp ứng yêu cầu xét tuyển đại học. Theo cô giáo Vũ Thúy Hằng, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Cẩm Lý, thời điểm gần diễn ra kỳ thi chính thức, giáo viên chú trọng dạy kỹ năng đọc hiểu văn bản cho học sinh. Trong khi đó, cô giáo Hà Thị Hiền, giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Phương Sơn (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) nêu thực trạng: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có thêm kiến thức chương trình lớp 11, nhưng thực tế học sinh quên khá nhiều, cho nên giáo viên khá vất vả trong củng cố kiến thức. Hiện nay, giáo viên đang tập trung ôn tập lại các kiến thức lớp 12 cho học sinh, nếu còn thời gian sẽ ôn thêm phần kiến thức lớp 11.

Cô giáo Tô Thị Trà Ly, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, trung tâm có 173 học sinh lớp 12, trong đó, 76 em đăng ký dự thi với mục đích xét tuyển đại học. Hằng ngày, trung tâm tổ chức ba lớp ôn tập vào buổi sáng, chiều và hai lớp buổi tối với mong muốn tất cả học sinh đỗ tốt nghiệp. Tại tỉnh Thanh Hóa, thầy giáo Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương) cho biết, từ năm 2017, nhà trường nắm được tinh thần của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ có khoảng 20% chương trình lớp 11 và 80% chương trình lớp 12. Do đó, khi học sinh học lớp 11, nhà trường có chương trình ôn luyện phù hợp. Đầu năm học lớp 12, các thầy giáo, cô giáo chủ nhiệm phối hợp giáo viên bộ môn trao đổi với phụ huynh cùng tư vấn, định hướng để các em lựa chọn bài thi tổ hợp phù hợp năng lực. Từ đó, nhà trường sắp xếp các lớp ôn tập theo đúng nguyện vọng đăng ký của học sinh. Sau khi phân loại học sinh, nhà trường có chương trình ôn tập phù hợp từng lớp như: Lớp ôn dành cho học sinh chỉ xét tốt nghiệp, lớp ôn cho học sinh xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, lớp ôn dành cho học sinh có mục tiêu đạt 27 điểm trở lên ở ba môn xét đại học. Tại tỉnh Lào Cai, các trường THPT dự kiến sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh đến sát ngày thi THPT quốc gia. Đối với những học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp, các trường đều có phương án tổ chức thêm các lớp ôn tập vào buổi tối; tăng cường trách nhiệm quản lý, giám sát của cán bộ, giáo viên và cha mẹ học sinh trong quá trình ôn tập “nước rút” cho học sinh…

Hỗ trợ tối đa thí sinh dự thi

Ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, đến nay, các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh; một số địa phương thành lập thêm ban chỉ đạo thi cấp huyện bảo đảm công tác thi an toàn, nghiêm túc. Theo Giám đốc Sở GD và ĐT Lào Cai Nguyễn Anh Ninh, các huyện, thành phố trên địa bàn đều thành lập ban chỉ đạo thi để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, an ninh, trật tự, giao thông, an toàn thực phẩm… Toàn tỉnh có 6.240 thí sinh đủ điều kiện dự thi, trong đó học sinh dân tộc thiểu số là 3.548 em. Với đặc thù như vậy, tỉnh Lào Cai đã có phương án hỗ trợ 165 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn đi thi, mỗi em 300 nghìn đồng. Cán bộ coi thi ở xa điểm thi hơn 300 m được bố trí phương tiện đưa đón trong các buổi thi… Trong khi đó, thầy giáo Nguyễn Quỳnh Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái) cho biết: Trường có gần 600 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở 11 xã (bảy xã diện đặc biệt khó khăn). Chuẩn bị kỳ thi, ngoài việc sửa chữa, lắp mới điện sáng, quạt trần cho tám phòng thi; sắp xếp 12 phòng công vụ ngay trong khuôn viên trường để làm chỗ ăn, ở cho cán bộ coi thi. Điểm thi có 178 thí sinh thì 35 em có hoàn cảnh khó khăn, được nhà trường và các tổ chức xã hội hỗ trợ mỗi em 200 nghìn đồng.

Theo quy chế thi THPT quốc gia, bên cạnh giáo viên phổ thông làm công tác coi thi, tại mỗi điểm thi, đều có sự tham gia của cán bộ coi thi đến từ trường đại học (với tỷ lệ 50-50) nhằm tăng cường sự giám sát, minh bạch, khách quan cho kỳ thi. Tại tỉnh Thanh Hóa, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hoàng Văn Thi cho biết, quy chế thi chỉ quy định mỗi điểm thi phải bảo đảm có cán bộ trường đại học chứ không yêu cầu có cán bộ đến từ nhiều trường đại học. Tuy nhiên, địa phương xác định, để tăng tính nghiêm túc, tạo sự khách quan, minh bạch kỳ thi, những năm gần đây, tại mỗi điểm thi ở Thanh Hóa đều có ít nhất cán bộ của hai trường đại học và hai trường THPT khác nhau làm nhiệm vụ coi thi.

Cục trưởng Quản lý Chất lượng (Bộ GD và ĐT) Mai Văn Trinh đánh giá, kiểm tra thực tế tại một số tỉnh, thành phố cho thấy, các điểm thi thực hiện tốt công tác chuẩn bị, phối hợp, tuy nhiên, cần lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối đề thi, bài thi, coi thi. Tại mỗi buổi thi, phải có biên bản về việc bàn giao túi đựng đề thi, bảo đảm túi đựng đề thi có tem niêm phong, có đủ chữ ký của trưởng điểm thi, công an và thanh tra thi. Mỗi phòng thi phải đủ 24 chỗ ngồi, sắp xếp thành bốn hàng ngang, phát đề thi không bị trùng mã đề thi. Đối với các phòng thi có gắn ca-mê-ra, phát wifi cần thực hiện vô hiệu hóa; tăng cường lực lượng công an tại các điểm thi sát khu vực nhà dân; bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, an toàn thực phẩm.

Bộ GD và ĐT đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh và người thân ở các địa điểm thi; tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh là con em dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, học sinh khuyết tật, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa và thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự kỳ thi, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại. Các hội đồng thi xây dựng phương án phù hợp để kịp thời khắc phục khó khăn, bất cập và xử lý sự cố bất thường để tạo thuận lợi cho việc dự thi của thí sinh và an toàn tuyệt đối cho cán bộ tham gia tổ chức thi.
Quý Tùng, Đặng Giang và Thanh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét