29 thg 6, 2018

Bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu đặt ra

Thứ Năm, 28/06/2018, 03:37:20
 

Thí sinh trước giờ làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội tại điểm thi Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế). Ảnh: CÔNG HẬU
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được tổ chức từ ngày 25 đến 27-6 đã kết thúc. Kỳ thi năm nay tiếp tục được tổ chức tại trường phổ thông nơi học sinh theo học hoặc liên trường phổ thông, do sở giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) chủ trì, phối hợp trường đại học, đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, giảm chi phí tốn kém, áp lực thi cử.
Tăng cường giám sát
Bộ GD và ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được giữ ổn định như năm 2017. Nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12, chủ yếu là lớp 12. Đề thi phù hợp hình thức thi đã công bố, tiếp tục theo định hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức. Một trong những yêu cầu được Bộ GD và ĐT đặt ra trong kỳ thi năm nay là siết chặt kỷ luật phòng thi, bảo mật đề thi, bài thi; tăng cường thanh tra, giám sát, phòng, chống thiết bị công nghệ cao. Trước khi kỳ thi diễn ra, Bộ GD và ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 thực hiện kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi tại các địa phương, nhất là công tác chuẩn bị thi, coi thi, kịp thời phát hiện và xử lý hạn chế, bất cập; hỗ trợ các hội đồng thi tổ chức thi nghiêm túc, an toàn.
PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ĐT) cho biết, việc siết chặt kỷ luật phòng thi, không chỉ riêng với môn trắc nghiệm, mà cả với môn tự luận. Trong các phòng thi, đều có cán bộ của trường đại học và của trường phổ thông giám sát lẫn nhau. Điển hình như tại Thanh Hóa, tại mỗi điểm thi ở Thanh Hóa đều có ít nhất cán bộ của hai trường đại học và hai trường THPT làm nhiệm vụ coi thi để tăng tính nghiêm túc, tạo sự khách quan, minh bạch kỳ thi. Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 đã tăng cường cán bộ giám sát ngoài phòng thi, với yêu cầu một cán bộ sẽ giám sát không quá bảy phòng thi, nhưng qua kiểm tra thực tế, tại Bắc Ninh và một số địa phương, có những điểm thi, một cán bộ chỉ giám sát ba phòng thi…
Cả nước đã thành lập năm đoàn công tác của lãnh đạo Bộ thường trực chỉ đạo công tác tổ chức thi tại năm vùng trên cả nước, nhằm chỉ đạo giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra; huy động hơn bốn nghìn cán bộ thanh tra cắm chốt ở 2.144 điểm thi trên toàn quốc; thanh tra Bộ đã thành lập 11 đoàn thanh tra thi lưu động, nhằm tăng cường giám sát công tác tổ chức thi tại các hội đồng thi.

Qua đó, một số hiện tượng vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi; không ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận thi có tổ chức...
Tạo thuận lợi cho thí sinh
Một điều đáng ghi nhận trong tổ chức kỳ thi là sự vào cuộc hỗ trợ thí sinh của các cấp, ban, ngành, đoàn thể. Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng được các Hội đồng thi tạo điều kiện thuận lợi để tham dự kỳ thi. Các Hội đồng thi đều hỗ trợ tối đa, bảo đảm không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Các địa phương đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, huy động nguồn lực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.
Với đặc thù là địa phương có nhiều thí sinh dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ 165 thí sinh đi thi, mỗi em 300 nghìn đồng. Đối với thí sinh ở xa, các điểm thi đều bố trí chỗ ăn, ở và bảo đảm an ninh trật tự cho các em trong những ngày diễn ra kỳ thi. Địa phương còn hỗ trợ phương tiện đi lại cho thí sinh và cán bộ coi thi. Tại một số địa phương còn có hoạt động tiếp sức mùa thi như: Chi đoàn ngành giáo dục Cà Mau cùng các đơn vị liên quan đã tiếp nhận và cấp phát miễn phí cho các thí sinh và người nhà thí sinh có hoàn cảnh khó khăn 1.600 suất cơm. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Tuyên Quang phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh cung cấp khoảng 4.300 suất ăn miễn phí cho các thí sinh… Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở các địa phương đã tích cực hoạt động của chương trình “Tiếp sức mùa thi” với các nội dung: công tác tuyên truyền; công tác tư vấn, hỗ trợ; công tác bảo đảm an ninh, an toàn; hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh về tư vấn mùa thi; giới thiệu nhà trọ miễn phí và giá rẻ…

Mặc dù kỳ thi đạt được mục tiêu đề ra nhưng việc giao cho các địa phương chủ trì tổ chức, có sự phối hợp của trường đại học làm công tác coi thi “theo tỷ lệ 50-50” còn bất cập. Thầy giáo Đặng Xuân Cát, Hiệu trưởng Trường THPT Phương Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cho rằng, ở những nơi cơ sở vật chất không bảo đảm, việc đưa đón không thuận lợi thì nên giảm số lượng cán bộ, giảng viên đại học làm nhiệm vụ coi thi, đồng thời tăng giáo viên THPT. Giám đốc Sở GD và ĐT Bắc Giang Trần Tuấn Nam thừa nhận, trong quá trình tổ chức thi, trên địa bàn gặp một số khó khăn trong việc bố trí chỗ ăn, ở, đưa đón cán bộ coi thi của trường đại học làm nhiệm vụ trong các ngày thi. Cùng quan điểm, Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Thái Bình Đặng Phương Bắc cho rằng, việc bố trí chỗ ăn, ở, đưa đón các thầy cô đến từ trường đại học còn gặp khó khăn, chưa được chu đáo. Vì vậy, Bộ GD và ĐT cần điều chỉnh phương án phối hợp để hiệu quả hơn.
QUÝ TÙNG VÀ THÀNH LONG

Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét