2 thg 7, 2014

Cả nước hướng về kỳ thi đại học, cao đẳng

Thứ năm, 03/07/2014 - 03:42 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn thí sinh và người nhà tìm nhà trọ, địa điểm thi trước cổng Ðại học Quốc gia Hà Nội.
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn thí sinh và người nhà tìm nhà trọ, địa điểm thi trước cổng Ðại học Quốc gia Hà Nội.

Ngày 4-7, thí sinh dự thi đại học năm 2014 khối A, A1 và khối V bước vào ngày thi đầu. Ngày 2-7 và các ngày trước đó, thí sinh ở các địa phương trên cả nước đã tập trung về các thành phố lớn, những khu vực có địa điểm thi với sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều tổ chức, cá nhân. 
Tại Bến xe khách Mỹ Ðình, những ngày này, mặc dù số lượng hành khách đông, xe ra vào tấp nập nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, an ninh trật tự được bảo đảm. Khu vực chung quanh bến xe được bố trí các lực lượng công an, bảo vệ, các đội thanh niên tình nguyện (TNTN). Sau khi đội TNTN tư vấn về nhà trọ, địa điểm thi, nhiều thí sinh được đi xe ôm miễn phí do Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải Văn Minh hỗ trợ. Trước đó, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của thí sinh, Bến xe khách Mỹ Ðình đã tăng cường từ 100 đến 150 xe dự phòng. Các tuyến: Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ninh tăng bình quân 15 chuyến/đợt thi. Tại Bến xe khách Giáp Bát, khi xe vừa dừng bánh, các bạn TNTN đã trực sẵn ở cửa xe để đón tiếp và hướng dẫn thí sinh và người nhà thí sinh (TS, NNTS). Giám đốc Xí nghiệp quản lý Bến xe phía Nam Nguyễn Tất Thành cho biết: Ðể phục vụ tốt nhu cầu đi lại của thí sinh, xí nghiệp phối hợp các đơn vị vận tải trực thuộc tăng cường từ 70 đến 100 xe. Cùng với đó, lãnh đạo Bến xe khách Giáp Bát, Bến xe khách Mỹ Ðình yêu cầu các nhà xe khi điều khiển phương tiện tuyệt đối không uống rượu, bia; dừng, đỗ, trả khách đúng vị trí; không thu tiền vé vượt mức so với quy định.
Ðầu tháng 7, tại Bến xe khách Miền Ðông (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) thời tiết nắng nóng, đôi khi lại có những cơn mưa bất chợt. Tuy nhiên, với tinh thần tình nguyện, hơn 800 tình nguyện viên (TNV) tiếp sức mùa thi có mặt tại đây luôn cố gắng len lỏi vào đám đông tìm thí sinh đến dự thi để làm nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ. Vừa bước xuống xe, em Nguyễn Hùng Thanh, quê Bình Ðịnh cùng người nhà đến TP Hồ Chí Minh dự thi được các TNV tư vấn rất tận tình. Em Thanh xúc động cho biết: Bố con em từ xa đến, chưa biết phải đi lại, tìm nơi trọ thế nào thì may mắn gặp các "anh chị áo xanh". Sau đó, em và bố được các TNV đưa tới nơi trọ. Cạnh đó, hai bạn Nguyễn Hữu Trí và Hồ Ðức Ðông (Ðà Nẵng) cũng bớt đi sự hồi hộp, lo lắng nơi "xứ lạ" khi được các TNV tiếp cận bằng những nụ cười và sự ân cần sẻ chia.
Trong cái nắng oi ả, Trung úy Vũ Minh Thắng, Cảnh sát giao thông Ðội 6 đang làm nhiệm vụ tại đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Trước và trong các ngày thi, cán bộ, chiến sĩ được bố trí ở tất cả các điểm thi, bến xe thuộc khu vực quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm từ 6 giờ sáng đến 23 giờ đêm để làm công tác phân luồng giao thông, đưa thí sinh đến các điểm thi trong các trường hợp đặc biệt. Dẫn chúng tôi đi thăm những dãy phòng được bố trí ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, Trưởng ban Quản lý Ký túc xá (KTX) Mễ Trì (Trung tâm Hỗ trợ sinh viên) Trần Nhật Thơ cho biết: Ở đây, mỗi phòng có từ sáu đến tám thí sinh. Trong các đợt thi, mỗi thí sinh chỉ phải đóng 120 nghìn đồng. Thí sinh thuộc diện gia đình chính sách, gia đình khó khăn được ở miễn phí. Bên cạnh việc bố trí phòng trọ, ban quan lý phối hợp các cơ quan y tế đóng trên địa bàn tăng cường kiểm tra tại các bếp ăn trong KTX về vệ sinh an toàn thực phẩm, trực cấp cứu để bảo đảm sức khỏe cho TS, NNTS. Trong khi đó, Trường đại học Sư phạm Hà Nội đã chuẩn bị hai nghìn chỗ ở phục vụ thí sinh với giá từ 90 đến 120 nghìn đồng/người/đợt thi. Ở đây, các phòng được trang bị quạt trần, bình nóng lạnh, truyền hình cáp và nhiều đồ dùng thiết yếu khác. Các thí sinh là con liệt sĩ, thương binh, bộ đội xuất ngũ, người mồ côi cả cha lẫn mẹ, người khuyết tật, người trong vùng đang bị thiên tai được giảm 50% giá phòng. Cũng như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có số lượng lớn thí sinh dự thi đại học. Phó Giám đốc Ban quản lý KTX, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Phùng Thị Hương Lan cho biết: Năm nay, KTX nhà trường có thể bố trí được khoảng năm nghìn chỗ trọ. Theo đó, mỗi "sĩ tử" ở đây đóng lệ phí là 10 nghìn đồng/người/ngày, phụ huynh 30 nghìn đồng.
Việc tìm được nhà trọ giá rẻ, miễn phí ở các điểm thi đối với thí sinh ở nông thôn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn là điều vô cùng ý nghĩa. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, TNV Lê Bảo Long, Ðội trưởng Ðội hình Ngã Ba 621 (Làng đại học Thủ Ðức, TP Hồ Chí Minh) tâm sự: Qua tư vấn, được biết, kinh tế gia đình thí sinh Nguyễn Trường Hậu nhà ở Quảng Nam (thi tại Trường đại học An ninh Nhân dân) có hoàn cảnh rất khó khăn. Bố, mẹ Hậu đã vay mượn khắp nơi, cùng với số tiền của gia đình được hơn một triệu đồng để đưa em đi thi. Trước tình huống này, đội tình nguyện thống nhất đưa hai bố con Hậu đến ở miễn phí tại một gia đình ở đường Vành Ðai, Tân Lập, Dĩ An, Bình Dương.
Trước kỳ thi, nhiều tổ chức, đoàn thể đã có các hoạt động thiết thực giúp các em yên tâm dự thi. Trưởng ban Trường học (Thành đoàn Hà Nội) Nguyễn Thiên Tú cho biết: Ðây là năm thứ 13 Thành đoàn Hà Nội, Hội Sinh viên thành phố triển khai Chương trình tiếp sức mùa thi, với phương châm "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội". Năm 2014, trên địa bàn TP Hà Nội có gần 12 nghìn TNV tham gia, trong đó có 1.200 TNV của 18 đội hình cấp thành phố, hoạt động tại các bến xe, nhà ga, điểm trung chuyển xe buýt. Chương trình dự kiến hỗ trợ cho khoảng 200 nghìn lượt TS, NNTS. Cùng với sự phối hợp của Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ các cấp, Thành đoàn Hà Nội, Hội Sinh viên thành phố còn triển khai thí điểm mô hình: "Gia đình tình nguyện, cộng đồng tình nguyện". Theo kế hoạch, mô hình tìm kiếm, giới thiệu khoảng 30 nghìn chỗ trọ giá rẻ, trong đó có ba nghìn chỗ trọ miễn phí.
Ngoài ra, Thành đoàn Hà Nội, Hội Sinh viên thành phố tiếp tục triển khai một số đội hình, mô hình, hoạt động hiệu quả từ mùa thi trước, điển hình là Ðội tiếp sức mùa thi "Quầy dịch vụ cộng đồng miễn phí". Hình thức này được triển khai tại 50 điểm thi, bến xe, nhà ga. Qua đó, có khoảng 50 nghìn bản đồ và tài liệu tư vấn, 100 nghìn suất ăn nhẹ, 20 nghìn chai nước, 10 nghìn quạt giấy và 10 nghìn chiếc bút bi được cấp miễn phí. Ðồng thời, Thành đoàn Hà Nội còn phối hợp với 28 tỉnh, thành đoàn tổ chức chương trình "Cùng bạn đi thi". Ðây là chương trình dành cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, con em gia đình chính sách với phương châm "Một tình nguyện viên hỗ trợ một thí sinh". Có khoảng 400 thí sinh được thụ hưởng thông qua chương trình này.
Theo khuyến cáo của các trường đại học, thí sinh thi ở trường nào thì nên ở trọ trong KTX trường đó. Trong trường hợp KTX hết phòng thì nên ở khu vực chung quanh trường để thuận tiện cho việc đi thi. Tính tới thời điểm này, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ hơn 70 nghìn chỗ trọ miễn phí, hàng trăm nghìn suất ăn (chay, mặn) giúp thí sinh. Ngoài ra, một số nhà thờ, giáo xứ: Vườn Xoài (quận 10), Xây Dựng (quận Tân Bình), Phú Trung (quận Tân Phú) giúp thí sinh chỗ ăn, ở miễn phí và đưa đến địa điểm thi. Cũng như TP Hồ Chí Minh, năm nay, Chùa Bằng ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã có kế hoạch hỗ trợ chỗ ăn, ở miễn phí cho thí sinh. Nhà chùa bố trí một nhà ba tầng, mỗi tầng đáp ứng được 50 chỗ ngủ, học tập, có đầy đủ các đồ dùng thiết yếu. Có thể nói, mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng đều mang đến những khó khăn, trăn trở không chỉ đối với thí sinh, các phụ huynh, ngành giáo dục và đào tạo mà cả chính quyền các địa phương. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, đoàn thể và cá nhân, nhiều TS, NNTS đã giảm bớt khó khăn, vất vả trong việc đi lại, tìm kiếm chỗ ăn, chỗ ở. Ðiều đó, giúp thí sinh có tâm lý tốt nhất bước vào kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014.
Hàng nghìn thí sinh tham quan Văn miếu Quốc Tử Giám
Ngày 2-7, chúng tôi có mặt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Trường đại học quốc gia đầu tiên của Việt Nam từ rất sớm. Cũng như mọi năm, vào những ngày này, thí sinh Thủ đô Hà Nội và các địa phương đều tập trung về đây để thắp hương, cầu may mọi điều tốt lành, nhất là trong đợt thi đại học. Ở khu vực chung quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám, có nhiều thanh niên tình nguyện làm công việc hướng dẫn. Khác với mọi năm, ở Nhà bia Tiến sĩ không xảy ra hiện tượng thí sinh và du khách "sờ đầu rùa". Các em được TNV hướng dẫn đi thăm các công trình của Văn Miếu - Quốc Tử Giám một cách trật tự. Khi được hỏi, nhiều thí sinh ở Hà Nội, Lào Cai, Hòa Bình cho biết, đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám lần đầu, mong muốn được thắp nén hương trước ngày thi. Ở đây, các em cảm thấy yên bình, tinh thần thoải mái. Ước tính, mỗi ngày ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám có vài nghìn người tới tham quan, cầu may, trong đó phần lớn là thí sinh thi đại học, cao đẳng.
Bảo đảm an toàn thực phẩm trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết: Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014, TP Hà Nội dự kiến đón hơn 300 nghìn thí sinh từ các tỉnh, thành phố về dự thi. Ðể bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong thời gian này, ngành y tế Hà Nội đã phối hợp các cơ quan chức năng, các nhà trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể, các điểm bán thức ăn đường phố, nhất là tại các khu vực có điểm thi. Trong đó, các đoàn sẽ tập trung kiểm tra, giám sát nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm; vệ sinh môi trường khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm; giấy chứng nhận khám sức khỏe; kiến thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; bảo hộ lao động...
Ðồng thời, yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang thiết bị, hóa chất, thuốc men, phương tiện để tổ chức cấp cứu, điều trị và xử lý kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
QUÝ TÙNG, TRUNG TUYẾN VÀ MINH ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét