Thứ ba, 03/03/2015 - 04:16 AM (GMT+7)
Với truyền thống hiếu học và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, liên tục 18 năm qua, giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Nam Định luôn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Đóng góp không nhỏ vào kết quả trên là phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) thông qua việc huy động các nguồn lực xã hội của tỉnh Nam Định đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Thực tế cho thấy, khi các địa phương tiến hành xây dựng trường đạt CQG thường gặp khó ở tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị trường học do phải huy động nguồn kinh phí lớn, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cũng như các tổ chức xã hội. Đối với tỉnh đồng bằng như Nam Định, để xây dựng một trường đạt CQG thường phải đầu tư từ tám đến mười tỷ đồng, trong khi đó, ngân sách địa phương luôn trong tình trạng "thu không đủ chi". Vì vậy, "cái khó" của Nam Định là nguồn vốn khá eo hẹp cho xây dựng trường đạt CQG.Từ thực tế đó, tỉnh Nam Định đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo ở khắp các huyện, thành phố trên địa bàn. Trong đó, huyện Hải Hậu được ghi nhận là đơn vị tiêu biểu nhất. Đến thăm Trường THCS Hải Hà (Hải Hậu) vừa được công nhận đạt CQG, chúng tôi khá ấn tượng bởi sự hiện đại, tiện nghi của ngôi trường. Trường có 15 phòng học, sân chơi thoáng mát, tường bao quanh... Dẫn chúng tôi đi thăm trường, Hiệu trưởng Trần Phương Lan tâm sự: Từ ngôi trường cấp bốn sập xệ, không đáp ứng được yêu cầu dạy và học, giờ đây các phòng học của trường được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, có đủ bàn, ghế, bảng từ chống lóa, quạt... Các phòng bộ môn như: Tin học, Nghe nhìn, Vật lý, Hóa học, Sinh học được trang bị máy tính nối mạng in-tơ-nét; bảo đảm hệ thống âm thanh, máy chiếu cũng như thiết bị thí nghiệm, thực hành cho giáo viên, học sinh... Có được cơ sở khang trang như vậy, một phần lớn kinh phí là sự đóng góp, ủng hộ của các thế hệ học sinh cũ, hội cha mẹ học sinh với tổng số tiền hơn một tỷ đồng.
Đề cập vai trò của chính quyền địa phương và nhân dân trong xây dựng trường đạt CQG, Chủ tịch UBND xã Hải Hà Vũ Viết Văn khẳng định: Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, cách đây tám năm, xã có kế hoạch xây dựng trường đạt CQG.Để tạo sự đồng thuận, ủng hộ, lãnh đạo xã Hải Hà tổ chức bàn bạc dân chủ, công khai với nhân dân và ra nghị quyết về xây dựng trường đạt CQG.Theo đó, hằng năm, mỗi khẩu đóng góp hai lần, mỗi lần 70 nghìn đồng trong thời gian mười năm. Không chỉ vậy, vào những dịp xã có sự kiện lớn về giáo dục, đích thân các đồng chí lãnh đạo xã Hải Hà tìm đến "hội đồng hương" là con em người Nam Định đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh, thành phố mời về tham dự, đồng thời, kêu gọi đóng góp, tài trợ. Thống kê cho thấy, ngoài kinh phí đầu tư xây dựng của nhà nước, nhân dân tại xã và con em là người xã Hải Hà đang sinh sống, làm việc ở các tỉnh, thành phố đã đóng góp được hơn một tỷ đồng xây trường, trong đó, nhiều cá nhân đóng góp từ 50 đến 158 triệu đồng.
Không chỉ ở Hải Hậu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Mỹ (huyện Nam Trực) Nguyễn Thị Hoa cũng cho biết: Năm học 2014-2015 có ý nghĩa bước ngoặt vì nhà trường vừa được công nhận đạt CQG mức độ II, đồng thời thực hiện mô hình trường tiểu học mới. Từ năm học 2012 -2013, địa phương khởi công xây dựng 12 phòng học cao tầng đã đưa vào sử dụng, tạo môi trường học tập khang trang, sạch sẽ cho học sinh. Ngoài ra, Hội cha mẹ học sinh cũng thường xuyên quan tâm đến các hoạt động giáo dục của nhà trường, đặc biệt hỗ trợ đầu tư xây dựng khu nhà bán trú và khu bếp ăn. Được sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân, thời gian tới, nhà trường có kế hoạch xin thêm đất để chủ động mở thêm phòng học khi số lượng học sinh tăng; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Với sự cố gắng nỗ lực đó, chất lượng dạy và học nhà trường được cải tiến và nâng lên rõ rệt, liên tục 12 năm nhà trường đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc trong phong trào giáo dục huyện Nam Trực.
Thực tế cho thấy, khi xây dựng trường đạt CQG cần bảo đảm ba yếu tố: Thầy, trò và cơ sở vật chất. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Sở GD và ĐT Nam Định Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Ngành giáo dục Nam Định đã rút ra được năm bài học kinh nghiệm trong xây dựng trường đạt CQG, đó là: Làm tốt công tác tham mưu; tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân; xây dựng kế hoạch, lộ trình bảo đảm tính ổn định và lâu dài; đầu tư xây dựng các trường trọng điểm; ở các địa phương đều có Nghị quyết chuyên đề xây dựng trường đạt CQG.Cách làm hay của Nam Định trong xây dựng trường đạt CQG là thực hiện tốt công tác tham mưu. Qua tham mưu, lãnh đạo, nhân dân đã hiểu và tin rằng, trường đạt CQG không phải chạy theo phong trào, mà hội tụ đầy đủ các điều kiện về dạy tốt và học tốt. "Nhiều người dân nói rằng, tiền không đủ, nhưng nếu các đồng chí lãnh đạo đi vay được họ cam kết sẽ đóng góp đủ trong một năm, hai năm miễn là việc đầu tư xây dựng phải có ý nghĩa. Thêm một mét vuông đất không làm xã giàu lên, bớt một mét vuông đất không làm xã nghèo đi, vấn đề là việc quy hoạch, sử dụng đất của nhà trường phải hiệu quả", Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.
Theo quy định, trường đạt CQG có thời hạn năm năm, sau đó phải tiến hành kiểm tra công nhận lại. Để giữ "danh hiệu", hằng năm, các trường đạt CQG và các trường chưa đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh Nam Định đều được cấp kinh phí và tổ chức tốt xã hội hóa mua sắm trang thiết bị dạy học, nâng cấp, sửa chữa phòng học. Nhờ vậy, cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học, cảnh quan sư phạm các nhà trường ngày càng khang trang, từng bước chuẩn hóa và hiện đại; chất lượng học sinh đại trà, mũi nhọn có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần đưa GD và ĐT Nam Định luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước.
"Mục tiêu đến hết năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 100% trường tiểu học đạt CQG (mức độ II là 35%); giáo dục mầm non, THCS và THPT phấn đấu có 50% trường đạt CQG".
(Nguồn: Sở GD và ĐT Nam Định)
QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét