24 thg 3, 2015

Dạy và học với di sản văn hóa phi vật thể vì một tương lai bền vững

Thứ ba, 24/03/2015 - 02:19 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

NDĐT - Ngày 24-3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo "Tăng cường sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong giáo dục vì sự phát triển bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Việc giáo dục di sản - đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường là một trong những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thường được các nhà quản lý văn hóa đề cập đến trong nhiều năm qua.
Theo các chuyên gia, di sản văn hóa là tài sản vô giá, góp phần làm nên bản sắc riêng của từng địa phương, từng nước; là chất liệu gắn kết cộng đồng, dân tộc; là cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới và giao lưu, hội nhập giữa cộng đồng dân tộc và các quốc gia. Trong di sản văn hóa có di sản văn hóa phi vật thể, điều này có ý nghĩa to lớn trong hành trình phát triển của mỗi địa phương, dân tộc. Trước nguy cơ một số di sản bị mai một, mất đi; có trường hợp bị biến dạng, không giữ được các giá trị nguyên bản, đòi hỏi các nhà hoạt động giáo dục, văn hóa phải tìm cách tháo gỡ.
Để hiện thực hóa chính sách nói trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản (năm 2013) hướng dẫn sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên. Mục đích, giúp học sinh hiểu được những giá trị của di sản, qua đó có ý thức giữ gìn, bảo vệ các di sản văn hóa.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Năm 2013, Việt Nam được UNESCO chọn là một trong bốn quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương triển khai thí điểm việc xây dựng bài giảng minh họa sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong dạy học.
Việc sử dụng di sản văn hóa để dạy học đã mang lại những kết quả tích cực, bởi vậy, chương trình được xây dựng cần có sự linh hoạt và phải phù hợp với văn hóa địa phương và dân tộc, phù hợp với mọi điều kiện của nhà trường.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên khẳng định, việc đưa di sản văn hóa vào dạy trong các nhà trường cũng là cách để người địa phương biết quý trọng và bảo vệ di sản, phát huy giá trị của di sản, tạo ra nguồn lực cho địa phương.
Thời gian qua, đã có nhiều địa phương chủ động đưa di sản vào trường học khá thành công, được các cấp, các ngành quan tâm. Thực tế cho thấy, tỉnh Bắc Ninh, Nghệ An có phong trào đưa Dân ca vào trường học; tỉnh Phú Thọ có phong trào hát Xoan; Lạng Sơn đưa đàn Tính, hát Then...
Nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đã đưa học sinh tham gia Câu lạc bộ "Em yêu Lịch sử" tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để giúp học sinh học lịch sử thông qua bảo tàng. Phương thức tổ chức dạy học giáo dục di sản văn hóa được thực hiện lồng ghép vào các môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ thuật... mang lại những kết quả thiết thực.
- Đến nay, Việt Nam có tổng số chín di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ, Họi Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca tài tử và mới đây là Ví Giặm Nghệ Tĩnh.
Kết quả khảo sát tại một số trường THCS cho thấy, có khoảng 21% học sinh biết được hơn 10 bài Dân ca Việt Nam, 73,4% học sinh chưa biết đến 10 bài Dân ca và khoảng 5% học sinh không biết một bài Dân ca nào.
- Đầu năm 2013, liên Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản hướng dẫn về việc sử dụng di sản văn hóa vào dạy học, được thực hiện thí điểm tại 7 địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam với ba môn Lịch sử, Địa lý và Âm nhạc. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã áp dụng thí điểm mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo chọn 2 trường THCS, 2 trường THPT đưa vào giảng dạy lồng ghép ở các môn học đã được thống nhất trong học kỳ 2. Trong thời gian này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Văn phòng UNESCO tại Hà Nội kiểm tra, khảo sát và dự một số tiết học môn Lịch sử, Địa lý và Âm nhạc.
MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét