Thứ ba, 24/03/2015 - 01:52 AM (GMT+7)
Những ngày qua, trên mạng in-tơ-nét, xuất hiện vi-đê-ô cờ-líp ghi lại cảnh nhiều học sinh dùng ghế nhựa đánh một học sinh khác dẫn đến bị thương ngay tại lớp học ở Trà Vinh. Sự việc cho thấy ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) cũng như gia đình cần quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống và có các giải pháp ngăn chặn quyết liệt hơn đối với học sinh.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc học sinh đánh nhau không phải thời nay mới có; và không chỉ học sinh Việt Nam mới đánh nhau. Ở Anh đã có hiệp hội "Chống bắt nạt trong trường học"; châu Âu có "Hiến chương châu Âu vì trường học dân chủ không có bạo lực". Thực tế, lứa tuổi học sinh mới lớn và đang lớn (THCS và THPT) có tính cách, suy nghĩ, hành vi chưa được chín chắn, ổn định. Do đó, chỉ cần bạn "nhìn đểu", trên đùa dai hoặc những lý do lãng xẹt tương tự là có thể dẫn đến bạo lực chân, tay hoặc bạo lực bằng hành vi xúc phạm nhân phẩm. Vì vậy, việc học sinh đánh nhau như ở Trà Vinh nói riêng, các địa phương khác nói chung không thể coi là "chuyện nhỏ".
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, tác hại của bạo lực học đường là rất lớn khiến các em bị đánh không chỉ tổn thương về thân thể, mà ảnh hưởng lâu dài đến tinh thần. Những học sinh đó dễ bị trầm cảm, tự ti, nhút nhát. Bạo lực học đường sẽ làm gia tăng sự bất ổn trong xã hội, thiếu niềm tin vào giáo dục. Tác hại đó cần phải chấm dứt, nhưng chấm dứt bằng cách nào thì phải nhìn nhận cho rõ nguyên nhân. Trước hết, cách giáo dục của gia đình và nhà trường hiện nay còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả. Những mong muốn tốt đẹp của bố mẹ, thầy giáo, cô giáo chưa đến được học sinh. Những giá trị bình an, yêu thương, tôn trọng, khoan dung, đoàn kết cũng như kỹ năng sống: thương lượng, giao tiếp thuyết phục không có. Hễ xảy ra tranh cãi, xung đột, chỉ có một cách ứng xử là bạo lực. Chuyện bạo lực trong khuôn viên nhà trường không chỉ thể hiện công tác giáo dục của trường đó thiếu hiệu quả mà còn cho thấy công tác quản lý thiếu tính chuyên nghiệp, nhiều lỗ hổng. Vì vậy, cần một chế tài đủ mạnh để bản thân những học sinh "biến thái" về nhân cách phải thay đổi hành vi; các học sinh khác phải lấy đó làm gương. Học sinh ở tuổi vị thành niên có thể được miễn nhiều hình phạt khác, nhưng gia đình các em phải cùng "gánh" trách nhiệm nhằm ngăn chặn bạo lực "từ xa".
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, để nâng cao nhận thức cho học sinh, giúp các em thêm gắn bó, đoàn kết, thương yêu nhau trong học tập cũng như cuộc sống, không có biện pháp nào quan trọng bằng giáo dục. Gia đình và nhà trường phải tạo cho các em một nhân cách phát triển hài hòa, luôn tôn vinh những giá trị phẩm giá tốt đẹp, có đủ kỹ năng sống để thể hiện những phẩm giá tốt đẹp đó. Ở các nước tiên tiến, trước mọi hành vi của trẻ vị thành niên, cha mẹ đều phải chịu trách nhiệm theo những điều luật cụ thể, buộc cha mẹ học sinh phải tìm cách phối hợp trường học, nhà tâm lý để giải quyết. Nếu luật pháp bổ sung được những vấn đề cụ thể thì chắc chắn bạo lực học đường sẽ không có "đất" để diễn và phát triển. Mặt khác, việc giáo dục các học sinh chưa ngoan lúc này chính là để các em tự giáo dục, tự nhận thức và rút ra bài học cho bản thân.
Ðáng chú ý, nếu bạo lực học đường có nguyên nhân từ các trò chơi điện tử thì nhà trường, gia đình cần có cơ chế cấm trẻ vị thành niên trong giờ học (cả sáng và chiều) đến quán "game"; cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, nếu bắt được phải đóng cửa quán. Tất cả các vụ bạo lực nơi công cộng đều bị giam giữ và phải phạt hành chính, phạt giam giữ. Các xã, phường, quận, huyện cần có điểm vui chơi sinh hoạt cho người già và trẻ em. Nhà nước cần làm rõ trách nhiệm của các lực lượng xã hội trong việc hỗ trợ các điều kiện để nhà trường làm tốt công tác giáo dục. Nhà nước cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cha mẹ với con cái vào Luật Gia đình. Mặt khác, Luật Bảo vệ trẻ em cũng phải bổ sung quy định khi trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi bạo lực thì phải chịu trách nhiệm, phải phạt như thế nào...?
Dưới góc độ quản lý nhà nước về giáo dục, Vụ trưởng Công tác Học sinh, Sinh viên (Bộ GD và ÐT) Ngũ Duy Anh cho biết: Phần lớn học sinh bị đánh không dám chia sẻ với gia đình, bạn bè. Vì vậy, gia đình cần thật sự là tổ ấm, nơi các em có thể chia sẻ với bố mẹ cả những điều thầm kín, khó nói nhất. Qua đây cũng thấy công tác tư vấn tâm lý học đường bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn. Nếu làm tốt công tác này sẽ giải tỏa tâm lý cho học sinh ở độ tuổi mới lớn. Bộ GD và ÐT luôn quan tâm và thường xuyên chỉ đạo việc giáo dục, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, ban hành các quy định về quản lý học sinh, sinh viên, điều lệ nhà trường... Hằng năm, Bộ GD và ÐT đều có chỉ đạo các nhà trường tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức lối sống, phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động chính khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ðồng thời, chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao lành mạnh nhằm thu hút học sinh tham gia. Tuy nhiên, học sinh là lứa tuổi mới lớn, có nhiều thay đổi về tâm, sinh lý cho nên rất cần sự phối hợp tích cực giữa nhà trường, gia đình và xã hội để có biện pháp giáo dục kịp thời.
Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trường học
Ngày 23-3, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) ban hành văn bản đề nghị các Sở GD và ÐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trường học. Theo đó, tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh trong việc "nói không với hành vi bạo lực và tệ nạn xã hội". Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
PV
|
QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét