1 thg 10, 2014

Xây dựng xã hội học tập: Tầm nhìn đến hành động

Thứ tư, 01/10/2014 - 12:20 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Đại biểu các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc thảo luận sôi nổi.
Đại biểu các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc thảo luận sôi nổi.

NDĐT- Từ ngày 1 đến 2-10, tại TP Việt Trì (Phú Thọ), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam: Từ tầm nhìn đến hành động” khu vực phía bắc.
Nội dung chính của Hội thảo là "Xây dựng xã hội học tập cần bảo đảm tính hòa nhập, sáng tạo, linh hoạt và bền vững; đồng thời, cho phép mọi công dân được tham gia và hưởng lợi từ việc học tập. Mặc dù cách thức xây dựng xã hội học tập có thể hướng tới việc đáp ứng nhu cầu đặc trưng của các nhóm người cụ thể, nhưng một xã hội học tập cần bảo đảm sự tham gia của tất cả các đối tượng mà không loại trừ một ai...".
Hiện nay, nước ta chưa có định nghĩa "chung" được thống nhất về xã hội học tập. Do đó, hội thảo lần này là dịp để nhóm công tác, các thành viên Ban chỉ đạo Đề án Xây dựng xã hội học tập chia sẻ, thảo luận các khái niệm và thực tiễn quốc tế trong khu vực cũng như các hành động quốc gia hướng tới sự đổi mới này theo nhu cầu, điều kiện từng địa phương.
Trao đổi ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Qua gần hai năm thực hiện, đề án nói trên đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là, cùng với việc đổi mới giáo dục phổ thông, mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển, đặc biệt là mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng phát triển mạng mẽ, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Xã hội học tập là một xã hội trong đó mọi cá nhân đều phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời và biết tận dụng triệt để các cơ hội học tập do xã hội mang lại.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Theo lộ trình, từ tháng 10-2014 đến tháng 12-2015, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam sẽ chỉ đạo thí điểm xây dựng các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng học học tập", "Cộng đồng học tập". Theo đó, tất cả các tỉnh, thành phố lớn sẽ tham gia thí điểm.
Kế hoạch tiếp theo, đến giữa năm 2015, sẽ có đợt khảo sát kết quả bước đầu của thí điểm. Cuối năm 2015, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tổ chức tổng kết thí điểm, hoàn chỉnh bộ tiêu chí về các mô hình học tập để báo cáo Ủy ban Quốc gia đổi mới GD-ĐT và trình Thủ tướng Chính phủ duyệt các bộ tiêu chí học tập để từ năm 2016 có thể triển khai đại trà các mô hình học tập trong toàn quốc.
MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét