29 thg 6, 2018

Giáo viên đánh giá đề thi thành phần Vật lý

Thứ Ba, 26/06/2018, 13:30:00
 

Thí sinh Kỳ thi quốc gia 2018 (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
NDĐT- Một số thầy cô đưa ra nhận xét về đề thi thành phần môn Vật lý trong bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên của Kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Thầy Nguyễn Hoài Anh, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội: Đề Vật lý năm nay không đánh đố học sinh, không có kiến thức lạ, nằm trong chương trình phổ thông (lớp 11 chiếm 20%; lớp 12 chiếm 80%), số lượng câu vận dụng cao (câu khó) khoảng ba câu (điện xoay chiều, dao động cơ, sóng cơ). Với đề Vật lý năm nay, tôi cho rằng học sinh không thể học tủ, vì kiến thức rất rộng và trải dài chương trình lớp 11, lớp 12.
Thầy Nguyễn Hoài Anh (Ảnh: MAI MAI)
So với những đề năm trước, đề năm nay đòi hòi học sinh phải tính toán nhiều hơn, chỉ có 12 câu không phải tính toán. Đặc biệt có 20 câu phải tính toán nhiều. Học sinh có học lực trung bình thì khả thi nhất sẽ đạt điểm 5, đỉnh của phổ điểm có thể nằm trong khoảng 6 đến 7 điểm, lượng trên 8 điểm sẽ ít hơn năm trước.
Mức độ phân hoá phụ thuộc vào tốc độ làm bài của học sinh là chính, vì các câu đều có hiện tượng vật lý quen thuộc, chủ yếu đòi hỏi tính toán dài. Do đó khả năng để có thể làm hết đề là rất khó.
Tôi thích đề có hiện tượng vật lý khó, tính toán vừa phải, phân loại học sinh bằng vật lý chứ không phải bằng tốc độ tính toán. Và có thể đề cần nhiều câu hỏi khai thác lý thuyết ở trình độ cao hơn, nhiều câu hỏi liên quan tới thực tế hơn.
Thầy Nguyễn Văn Thắng, giáo viên Trường THPT Trần Phú (Hà Nội): Đề thi về cơ bản đã bám sát nội dung chương trình, trong đó có 9 câu thuộc chương trình lớp 11, còn lại là nội dung chương trình lớp 12. Tổng thể câu hỏi có 12 câu học sinh chỉ cần nhận biết không phải tính toán, còn lại 25 câu học sinh phải thực hiện từ một vài phép tính để có được đáp số và bốn câu nâng cao nhằm đánh giá học sinh giỏi.
Thầy Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: MAI MAI)
Như ở câu 28 yêu cầu học sinh phải có kỹ năng thực hành và biết đọc số liệu từ đồ thị. Còn câu 34 yêu cầu học sinh phải hiểu bản chất các hiện tượng vật lý và mô tả chi tiết hiện tượng, phải nhận biết tính chất của các điểm dao động. Câu 39 lại yêu học sinh phải xác định được vị trí đổi chiều chuyển động, từ đó tìm được thời gian từ lúc thả đến lúc vật đổi chiều chuyển động. Câu 40, học sinh phải biết khai thác được đồ thị dao động.
Đề thi năm nay có đưa phần thực nghiệm ở kiến thức lớp 11, như câu 28. Đề cơ bản bám sát chương trình, câu từ diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, từ ngữ đơn giản, không quá dài. Nhận xét chung là đề bảo đảm phân hóa tốt. Học sinh lực học trung bình có thể đạt từ 5-6 điểm, mức điểm 7-8 đòi hỏi học sinh ngoài kiến thức cơ bản ra còn phải tính toán nhanh, mức điểm 9 -10 hiếm, sẽ không có nhiều học sinh đạt điểm 10 tuyệt đối.
Cô Bùi Thị Quỳnh Anh, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội): Các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó. Có câu phải dùng kiến thức thực nghiệm phù hợp với đặc thù bộ môn. Câu phân loại cao tập trung ở chương dao động cơ, sóng cơ, điện xoay chiều của lớp 12. Tuy nhiên, số lượng câu yêu cầu tính toán trong đề khá nhiều.
Cô Bùi Thị Quỳnh Anh (Ảnh: MAI MAI)
Học sinh trình độ đại trà có thể đạt 5 đến 5,5 điểm với đề thi này. Để đạt điểm khá giỏi, học sinh phải có kiến thức chắc chắn, hiểu rõ về bản chất vật lý. Với điểm 9, 10, bên cạnh yêu cầu trên, học sinh cần có tư duy nhạy bén, tư duy toán tốt. Đề có tính phân loại cao, phổ điểm dự kiến ở mức 6 - 6,5 điểm.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội): Đề thi môn Vật lý năm nay rất hay, có sự phân hoá cao và phổ điểm sẽ ở mức 5- 6 điểm. Học sinh rất khó có thể đạt được điểm 9, 10.
Có 24 mã đề khác nhau được đảo thứ tự các câu và đảo đáp án với bốn nhóm đề. Các nhóm đề có các câu tương đương mang tính chất thay số hoặc thay đổi cách hỏi. Cụ thể: Nhóm đề 1: các mã đề 206, 214, 222, 204, 212, 220; Nhóm đề 2: 202, 210, 218, 208, 216, 224; Nhóm đề 3: 223, 215, 207, 217, 209, 201; Nhóm đề 4: 219, 211, 203, 221, 213, 205.
20 câu đầu học sinh cần nhớ các kiến thức cơ bản là có thể đạt được mức điểm 5 điểm. Từ câu 21 đến câu 28 học sinh cần nắm được chắc kiến thức và có kỹ năng cơ bản của lớp 11 và 12 mới có thể làm đạt được mức điểm 7. Với mức điểm 8-9 đòi hỏi các em không chỉ rất chắc kiến thức mà còn phải có tốc độ làm bài nhanh cũng như khả năng linh hoạt trong xử lý. Với cách ra đề năm nay điểm tuyển sinh vào các trường nhóm trên chắc chắn sẽ giảm mạnh so với năm 2017.
QUÝ TÙNG - THANH XUÂN - QUỲNH NGUYỄN
Thực hiện

Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét