Cập nhật lúc 15:38, Thứ sáu, 17/08/2012 (GMT+7)
NDĐT- Sau bài viết Cán bộ “chuẩn hóa” lại bị tụt lương, đăng trên báo Nhân Dân điện tử ngày 14-8, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi, đóng góp ý kiến của bạn đọc và sự vào cuộc cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện chung quanh vấn đề “chuẩn hóa” cán bộ và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã ở Thái Bình hiện nay.
Ngày 15-8, ông Trần Thế Nghiêm, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình đã có buổi trao đổi với phóng viên báo Nhân Dân. Ông Nghiêm cho biết, tính đến nay “Đề án 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy” đã triển khai được hơn 10 năm. Đề án đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng nghìn cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn có trình độ cao đẳng, đại học đảm nhận ở nhiều cương vị khác nhau. Mục tiêu từng bước “chuẩn hóa” đội ngũ cán bộ này.
Trong quá trình xếp lương cán bộ, công chức theo Nghị định 92, Thái Bình có khoảng vài trăm cán bộ, công chức là bí thư, phó bí thư đoàn xã. Tuy nhiên, do một bộ phận khôn nhỏ cán bộ là bí thư đã nằm trong “khung” quy định về độ tuổi đoàn theo Quy chế 289 của Ban Bí thư Trung ương cho nên dù không muốn họ vẫn phải chuyển vị trí công tác mới. Thế nên mới có chuyện, nhiều người đang là cán bộ chuyên trách bỗng dưng thành không chuyên trách nên bị “đánh” tụt lương.
Trường hợp báo chí nêu như ông Bùi Ngọc Năng, nguyên Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Tân Phong (Vũ Thư) là một minh chứng rõ nét. Sự việc này Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình đã nắm được nhưng hiện do vướng quy định của trung ương, đặc biệt do “sức ép” của Quy chế 289 nên những đồng chí đó khi chuyển sang vị trí khác rất khó sắp xếp công việc phù hợp.
Bênh cạnh đó, theo ông Nghiêm, thời điểm trước tháng 10-2010, Thái Bình cũng có nhiều cán bộ, công chức dù đã có một số bằng cấp chuyên môn trước đây nhưng khi họ bị luân chuyển thì phải đi học bằng chuyên ở vị trí đảm nhiệm mới. Có người do chuyển vị trí nhiều lần nên hầu như năm nào cũng phải đi học để lấy bằng về xếp lương. Đây đúng là một trở ngại lớn!
Trước sự việc này, căn cứ vào tình hình thực tế, cách đây khoảng 7 tháng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Công văn chỉ đạo các ngành chức năng ở tỉnh, huyện giúp các xã sắp xếp lại đội ngũ cán bộ đang có bằng cấp chuyên môn gì thì làm đúng vị trí để khi áp dụng Nghị định 92 sẽ tránh được những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải.
Chúng tôi nhận thấy đây là một bài học sâu sắc không riêng xã Tân Phong mà cả 286 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Mặc dù bản thân Nghị định 92 khi áp dụng cũng có vướng mắc, nhưng nếu từng địa phương biết cách áp dụng sẽ tránh được khó khăn.
Do đó, các địa phương cần rút kinh nghiệm, trước khi luân chuyển đội ngũ cán bộ phải báo cáo cấp trên và có phương án thay thế phù hợp, đúng quy định của Nhà nước, tránh dẫn đến những việc làm tắc trách gây phiền hà và thiệt thòi cho cán bộ, công chức. Đây là một sự thiệt thòi không đáng có đối với ông Năng và những cán bộ rơi vào tình cảnh tương tự.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Doãn Thuyết, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thái Bình khẳng định những trường hợp trên là đúng sự thật. Chúng tôi chỉ nắm được có vài trường hợp vì không thấy xã, huyện báo cáo lên. Mới đây sở đã nhận được văn bản của xã Tân Phong và đã chuyển Phòng Nội vụ huyện Vũ Thư giải quyết.
Như vậy, ông Năng chuyển sang Văn phòng Đảng ủy xã từ tháng 6-2010, nghĩa là trước thời điểm cán bộ, công chức khối Văn Phòng Đảng ủy xã được tỉnh công nhận là chuyên trách. Theo ông Thuyết, lỗi này là do huyện, xã không bố trí phù hợp khi luân chuyển cán bộ.
Trước đó, tháng 9-2010, UBND tỉnh Thái Bình ra Quyết định 12 quy định: Văn phòng Đảng ủy xã và một số phòng từ nay sẽ là chuyên trách. Trong trường hợp cán không có bằng chuyên môn thì sẽ đi học để “chuẩn hóa” và vẫn được bảo lưu lương; mức lương tối thiểu cán bộ, công chức chuyên trách là 1,18.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, và các huyện: Kiến Xương, Vũ Thư thì con số những người bị thiệt thòi được cho là không ít nhưng chưa có thống kê cụ thể. Chỉ tính đơn giản, Đề án 26 của tỉnh triển khai hơn 10 năm thì chắc chắn mấy trăm cán bộ chuyên trách là bí thư đoàn xã bất kỳ sẽ hết tuổi theo quy định. Và khi họ bị luân chuyển chắc chắn sẽ vướng ở bằng chuyên môn theo Nghị định 92. Đấy là chưa tính đến cán bộ, công chức ở lĩnh vực khác.
Tại Kiến Xương, Bí Thư huyện ủy Vũ Văn Tuyên khẳng định, thông tin báo chí nêu chúng tôi thấy các xã trên địa bàn huyện cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi áp dụng theo Nghị định 92. Khó khăn nhất mà tôi thấy là cán bộ, công chức dù đã có bằng Trung cấp Chính trị nhưng đến nay theo quy định không lấy đó làm căn cứ xếp lương.
Ông Thuyết cho biết thêm: trường hợp ông Năng là do xã luân chuyển trước khi tỉnh có Quyết định 12 nên ông ấy không còn là cán bộ, công chức xã và hưởng mức lương 0,73 của xã loại hai. Ở cấp xã nhiều người dù có bằng đại học và các bằng trung cấp tương đương nhưng không phải chuyên môn nhiều khi không biết xếp họ vào vị trí nào cho phù hợp. Thí dụ, không thể có chuyện cán bộ thú y sang làm cán bộ văn phòng; hoặc cán bộ văn phòng sang làm lĩnh vực nông nghiệp nếu không có bằng chuyên môn. Nhưng thực tế chuyện như vậy lại có rất nhiều-ông Thuyết khẳng định.
Tuy nhiên, ông Thuyết vẫn chia sẻ với các xã bởi họ cũng có những cái khó riêng. Cái khó theo quy định là mỗi phòng chuyên môn của xã bị giới hạn số lượng cán bộ, công chức chuyên trách nên đến thời điểm vị trí nào trống thì mới thay thế được.
Mặc dù không ít cán bộ, công chức xã phản hồi (và xin được giấu tên) cho chúng tôi là lương của họ bị tụt đi, tuy nhiên Sở Nội vụ Thái Bình khẳng định không tụt.
Ông Thuyết lý giải: Về trường hợp ông Lê Thanh Phơn và ông Nguyễn Hữu Ngạn không phải huyện, tỉnh “đánh” tụt lương đi, bởi theo Nghị định 92 các ông ý vẫn được bảo lưu lương và phụ cấp trong quá trình đi “chuẩn hóa” vì là cán bộ lãnh đạo, còn công chức thì khác.
Cụ thể, thời điểm ông Phơn học xong Cao đẳng Pháp lý (2009-2011) thì vẫn hưởng mức lương bậc 1, ngạch chuyên viên cao đẳng là 2,1 + 0,3 phụ cấp chức vụ + 0,45 hệ số chênh lệch bảo lưu, tổng vẫn giữ 2,85 như trước. Với ông Nguyễn Hữu Ngạn cũng được tính thế, chỉ khác là do chức vụ ông Phơn cao hơn thì hưởng mức lương và phụ cấp theo quy định cao hơn.
Qua sự việc này, sở đang vào cuộc để kiểm tra cụ thể. Những nơi có thiệt thòi, vướng mắc ông Thuyết đề nghị xã báo cáo lên huyện để huyện gửi về sở tập hợp.
Trước mắt, sở kiến nghị với trung ương quy định bằng Trung cấp Chính trị hoặc tương đương được tính để xếp lương đối với cán bộ, công chức cấp xã. Thứ hai, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cho phép việc luân chuyển những đồng chí thay đổi chức vụ sau đại hội nhưng chưa có bằng cấp chuyên môn phù hợp sang công chức và được đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn phù hợp với chức danh đảm nhiệm.
Trong báo cáo trả lời ý kiến của cử tri tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Cao Thị Hải đã ký ngày 3-7-2012 và cho biết: Theo Nghị định 92, số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã loại 1 tối đa không quá 22 người; cấp xã loại 2 không quá 20 và loại 3 không quá 19 người. Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp do HĐND cấp tỉnh quy định không quá 1,0 mức lương tối thiểu chung.
Quy định theo 92 là thế, nhưng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở tỉnh hiện rất lớn, gấp hơn hai lần so với Nghị định 92 (11.223 người). Đề nghị nhà nước nghiên cứu để có chính sách hợp lý, thống nhất trong cả nước đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở bởi ngân sách địa phương chi trả rất khó khăn.
MAI QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét