Cập nhật lúc 17:39, Thứ ba, 14/08/2012 (GMT+7)
NDĐT- Thực hiện “Đề án 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy”, những năm qua Thái Bình đã đào tạo được hàng nghìn cán bộ cấp xã, phường, thị trấn có trình độ cao đẳng, đại học đảm nhận ở nhiều cương vị khác nhau. Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương gặp phải không ít khó khăn, thiệt thòi trong việc xếp bảng lương mới theo quy định bởi có nhiều trường hợp đang là cán bộ chuyên trách nhưng khi chuyển vị trí bỗng dưng thành không chuyên trách…
Từ chuyên trách… thành không chuyên trách
Thực hiện sự phân công của Đảng ủy xã Tân Phong, từ năm 2010, ông Bùi Ngọc Năng thôi giữ chức Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã để đảm nhận cương vị mới: làm công tác Văn phòng Đảng ủy. Chuyện không có gì đáng nói nếu như mức lương ông Năng không bị tụt thảm hại, từ 2,25 xuống 0,73 với lý do không có bằng chuyên môn Trung cấp Văn phòng mà Phòng Nội vụ huyện Vũ Thư thông báo.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Năng cho biết: Từ năm 1997 đến năm 2010, tôi làm Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã và được hưởng lương cán bộ chuyên trách 2,25. Thời điểm đó tôi có bằng Đại học Nông nghiệp, Trung cấp Lý luận và Trung cấp Thanh vận. Trước công tác đoàn tôi có học thêm Trung cấp Thanh vận, khi đó lương vẫn được bảo lưu với hệ số bậc hai 2,25.
Tuy nhiên, từ khi tôi sang đảm nhận công việc Văn phòng Đảng ủy, Phòng Nội vụ huyện Vũ Thư bỗng dưng xếp lương tôi xuống mức 0,73. Lý do mà cán bộ phòng nội vụ “đánh” tụt lương vì “tôi không có bằng chuyên môn Trung cấp Văn phòng”. Và, cũng từ đó, có một thực tế thật trớ trêu: tôi từ cán bộ chuyên trách bỗng dưng thành cán bộ không chuyên trách; một điều trớ trêu nữa là tôi có tới ba tấm bằng: một đại học, hai trung cấp và 13 năm công tác đoàn nhưng mức lương tôi hiện nay lại thấp như người không có bằng cấp. Đây là công tác cán bộ nhưng chính sách cán bộ chưa đi đôi với nhau nên thiệt thòi cho nhiều cán bộ đoàn - ông Năng ngán ngẩm.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong Lê Thanh Phơn xác nhận: ông Năng chính thức sang làm Văn phòng Đảng ủy từ tháng 6-2010, hưởng chế độ bán chuyên trách là 0,73/tháng. Hiện, ông Năng đang theo học lớp Trung cấp Văn phòng, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn vì vừa đi học vừa đi làm mà lương chưa được một triệu đồng/tháng. Trước sự việc này, chúng tôi cũng đã kiến nghị lên Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình xem xét.
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy mỗi địa phương thực hiện cách xếp lương không có sự thống nhất.
Tại huyện Kiến Xương, mặc dù nhiều người không có bằng chuyên môn nhưng có bằng tương đương hoặc cao hơn thì vẫn được bảo lưu bậc lương trong quá trình đi học để hoàn thiện bằng cấp. Cụ thể, xét đề nghị của Trưởng phòng Nội vụ huyện, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương Đặng Văn Hòa đã có quyết định ngày 2-5-2012 về việc hợp đồng công chức văn phòng đảng ủy, HĐND, thống kê trong chỉ tiêu được giao. Theo đó, ông Hoàng Văn Đức (SN 1975), trú tại xã Nam Bình sẽ đảm nhiệm chức danh: Văn phòng Đảng ủy, HĐND, Thống kê xã Nam Bình kể từ ngày 1-5-2012. Cũng theo quyết định này, ông Đức được hưởng hệ số tiền lương 1,18 theo quy định Nghị định. Điều đáng nói là những trường hợp không đồng nhất như ông Năng và ông Đức vẫn xảy ra ở các địa phương, nhưng có điểm chung là đang cùng nhau theo học Trung cấp Văn phòng và trung cấp, cao đẳng nghiệp vụ khác tương đương.
Vì sao “chuẩn hóa” lại “đánh” tụt lương?
Đó là trường hợp ông Lê Thanh Phơn, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong.
Khi trao đổi với chúng tôi ông Phơn lo lắng: Trước đây tôi có một bằng Trung cấp Chính trị. Nhưng, từ khi Thái Bình thực hiện “Đề án 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy” nhằm chuẩn hóa cán bộ, tôi được cử đi học Cao đẳng Pháp lý và hoàn thành vào năm 2011. Tuy nhiên, có một thực tế nếu bây giờ tôi “thò” bằng “chuẩn hóa” này ra thì Phòng Nội vụ huyện họ sẽ “đánh” tụt lương như anh Ngạn và rất nhiều cán bộ khác.
Theo quy định cũ trước khi có Nghị định 92, ở cấp xã, bậc lương cao nhất của bí thư là 2,85 và phó bí thư: 2,65. Nếu xếp lương theo quy định mới thì không chỉ tôi mà rất nhiều bí thư thuộc diện có hệ số lương chỉ tương đương với sinh viên mới ra trường. Bởi, theo ông Phơn, những người làm chích sách tiền lương nếu “chiếu” theo Nghị định thì coi như tôi mới vào làm. Nếu chuẩn hóa cán bộ rồi sau lấy bằng cấp chuyên môn làm căn cứ “đánh” tụt lương như hiện nay thì cán bộ nào còn dám đi học - ông Phơn ái ngại.
Thực tế, không chỉ ông Phơn mà phần lớn cán bộ hiện nay khi có tấm bằng “chuẩn hóa” trong tay cũng không dám “thò ra”, vì theo họ thà “ăn” mức lương cũ vẫn còn cao hơn nhiều, nhất là những người sắp về hưu.
Trước sự việc này, ông Phơn chứng minh: Chẳng nói ở đâu xa, “phó của tôi” sau khi học xong bằng Quản trị Kinh doanh, mang về cứ tưởng được tăng lương, ngờ đâu bị Phòng Nội vụ huyện Vũ Thư “đánh” tụt lương từ 2,65 xuống 2,41. Thế là mặt tái mét! Đó là trường hợp ông Nguyễn Hữu Ngạn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong. Ông Ngạn cũng nằm trong diện “chuẩn hóa cán bộ” “trong Đề án 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình”. Trước khi đi “chuẩn hóa cán bộ” ông Ngạn có bằng Trung cấp Chính trị.
Về vấn đề này, ông Ngạn bộc bạch: thực hiện đề án 26, tôi và anh Phơn đã theo học. Tôi học Quản trị Kinh doanh (2003-2006); anh Phơn học Cao đẳng Pháp lý (2009 - 2011). Thời điểm từ 2004 tôi là Phó Bí thư xã, hưởng lương 2,65, đến khi chuyển sang thực hiện Nghị định 92, lương tôi tụt xuống còn 2,41. Tôi thật không hiểu vì sao lương mình lại tụt đi khi bản thân đã phải vất vả “chuẩn hóa”. Ông Phơn xác nhận, trường hợp như Phó Bí thư Ngạn hiện nay là hưởng lương công chức nhưng làm chuyên trách. Còn theo ông Ngạn, việc xếp lương của những người đã “chuẩn hóa” như hiện nay là không công bằng, thiệt thòi cho không ít cán bộ đã công tác cống hiến nhiều năm chứ không riêng ông.
“Như tôi đây cũng sắp về hưu rồi, bao nhiêu năm công tác, lương đã không tăng thêm mà nay lại có “nguy cơ” tụt đi thì sao gọi là “chuẩn hóa” và chính sách cán bộ. Rút kinh nghiệm của những người đi trước, hiện tôi đang phân vân để lựa chọn một trong hai phương án: Một, chấp nhận trình bằng để hưởng theo mức lương mới mặc dù rất thấp. Hai, cứ im bặt đi, coi như “chưa chuẩn hóa” thì vẫn được hưởng mức lương cũ cao hơn” - Ông Phơn trần tình.
Nghị định 92 quy định đối với công chức cấp xã: “Công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo từ sơ cấp trở lên phù hợp với chuyên môn của chức danh đảm nhiệm, thực hiện xếp lương như công chức hành chính quy định tại bảng lương số 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước), bảng lương số 4 (Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Những người hiện đang đảm nhiệm chức danh công chức xã quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này chưa tốt nghiệp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định thì được hưởng lương bằng 1,18 so với mức lương tối thiểu”.
|
MAI QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét