Thứ bảy, 05/09/2015 - 02:29 AM (GMT+7)
Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo đã xây dựng được đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý (GV, CBQL) cơ bản đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và chính trị tốt. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới giáo dục, đội ngũ GV, CBQL trong ngành cần được đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bảo đảm đủ năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ khi triển khai Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) mới, thực hiện từ năm học 2018 - 2019.
Nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo
Theo các chuyên gia giáo dục, yếu tố quyết định thành công việc thực hiện Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa GDPT mới, là người GV. Vì vậy, để nâng cao năng lực đội ngũ GV phổ thông, vai trò của các trường đại học (ĐH) sư phạm cũng như chính sách thu hút, đãi ngộ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV của các tỉnh, thành phố là hết sức quan trọng.
Thầy giáo Nguyễn Quang Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mường Giôn (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), phụ trách chuyên môn nêu thực trạng: Ban đầu khi mới triển khai đề án đào tạo, bồi dưỡng GV, một số GV trong trường còn băn khoăn từ việc soạn giáo án đến cách thức tổ chức giảng dạy chuyên đề. Nhưng qua một năm thử nghiệm, kết quả rất khả quan. Trong các chuyên đề đã triển khai, chuyên đề dạy môn Lịch sử được giáo viên lồng ghép kiến thức lịch sử địa phương. Các em học sinh tiếp thu nhanh các sự kiện lịch sử, sự việc đã diễn ra trên quê hương mình, điều đó làm cho các tiết học trở nên sinh động, gần gũi.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Sơn La Hoàng Tiến Đức, Sở đã chỉ đạo các trường thực hiện tổ nhóm chuyên môn theo tám môn học, mỗi học kỳ một nhóm tổ phải xây dựng được hai chuyên đề, bình quân một năm học có khoảng 40 chuyên đề. Đây chính là tài liệu dạy học cho học sinh theo phương pháp mới, giảm môn học, giảm việc nhồi nhét kiến thức, học thuộc lòng một cách thụ động. Để có các chuyên đề chất lượng, cứ ba trường hình thành một cụm sinh hoạt nhóm tổ chuyên môn. Tại đây, các chuyên đề của các trường được thảo luận, trao đổi, bổ sung cho nhau và tích hợp kiến thức liên môn, sàng lọc phương pháp giảng dạy tốt nhất. Thông qua hoạt động này, GV được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, tự tin hơn trong phương pháp dạy học mới. Chuẩn bị năm học mới 2015-2016, Sở GD và ĐT tỉnh Sơn La đã hoàn thành việc bồi dưỡng cho 1.500 GV của 52 trường THCS để thực hiện thí điểm mô hình trường học mới.
Cùng với sự đổi mới chung của cả nước, thời gian qua, ngành GD và ĐT tỉnh An Giang tập trung toàn lực cho việc nâng cao năng lực của đội ngũ GV các cấp học. Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp dạy học tại An Giang còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Theo thầy giáo Lê Minh Giang, GV Trường THPT Quốc Thái (huyện An Phú, An Giang), mặc dù đã qua nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn, nhưng khi dạy học theo hướng tích hợp liên môn, trải nghiệm, sáng tạo cũng gặp một số khó khăn, do học sinh vùng nông thôn nhận thức còn hạn chế, rụt rè.
Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh An Giang La Công Tâm nhận định: Không thể có học sinh giỏi nếu thiếu đội ngũ GV giỏi cả chuyên môn lẫn đạo đức. Do vậy, ngành GD và ĐT tỉnh An Giang luôn đặt yêu cầu nâng cao chất lượng GV là điều kiện tiên quyết. Năm 2014-2015, tỉnh đã hỗ trợ nguồn kinh phí cho công tác bồi dưỡng, đào tạo lại GV các cấp thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức SEAMEO và Trường ĐH An Giang; tổ chức khảo sát trình độ tiếng Anh các cấp cho GV dạy tiếng Anh; mở năm lớp bồi dưỡng từ chuẩn B1 lên B2 cho 150 giáo viên tiểu học và THCS. Sở cũng phối hợp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức bốn lớp bồi dưỡng chuyên môn chuyên sâu các môn khoa học tự nhiên cho GV trung học. Đến nay, đội ngũ GV, CBQL giáo dục các cấp học đều đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (87,79% số CBQL và 76,5% số GV hệ công lập đạt trình độ trên chuẩn).
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), NGƯT, PGS, TS Phạm Hồng Quang cho biết: Từ mô hình đào tạo GV dạy môn học cụ thể như trước đây, hiện nay nhà trường chuyển sang mô hình đào tạo chuyên gia giáo dục thuộc lĩnh vực chuyên môn, có học vấn nền tảng rộng và sâu, thành thạo về nghiệp vụ, có năng lực giảng dạy tích hợp, tổ chức các hoạt động giáo dục. Để làm được điều đó, nhà trường đã triển khai các biện pháp đồng bộ, như giảm chỉ tiêu để nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng chương trình bồi dưỡng giảng viên, phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng cao; cử 500 lượt giảng viên đi tập huấn, bồi dưỡng tại các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học giáo dục...
Cần chính sách đãi ngộ, tuyển dụng hợp lý
Bên cạnh việc nâng cao năng lực đội ngũ GV, CBQL giáo dục, một số tỉnh, thành phố khó khăn cho rằng, cần có chính sách đãi ngộ, tuyển dụng GV, CBQL hợp lý. Tỉnh Sơn La hiện có 19 nghìn 200 GV của cả bốn cấp học, trong đó, theo tổng hợp đánh giá, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 1% số GV chưa đạt chuẩn, chủ yếu là GV dạy môn Tin học của hệ THPT và môn Nhạc, Họa, Thể thao của hệ THCS. Để đạt được kết quả này, những năm gần đây, Sơn La thực hiện tuyển dụng GV theo chuẩn đào tạo, quan tâm việc đào tạo, đào tạo lại GV, khuyến khích việc học tập nâng cao trình độ. Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD và ĐT tỉnh Sơn La Đỗ Trọng Thành nêu quan điểm: Do kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng GV còn hạn chế, do vậy GV tự học, tự nâng cao trình độ vẫn là chủ yếu. Cơ chế chính sách của tỉnh chỉ hỗ trợ phần nhỏ. Vì vậy, các trường cần chủ động rà soát, đánh giá chất lượng GV, tạo điều kiện bố trí thời gian cho GV thay phiên đi học.
Tỉnh An Giang cũng có nhiều giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ GV, CBQL giáo dục. Giám đốc Sở GD và ĐT La Công Tâm khẳng định: Đầu vào GV đóng vai trò quan trọng không kém so với việc nâng cao, bồi dưỡng đội ngũ GV hiện hữu. Năm học 2014-2015, tỉnh An Giang có 790 chỉ tiêu tuyển dụng cho ngành giáo dục, nhưng chỉ tuyển được 621 trong số 1.291 số hồ sơ đăng ký. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình bày tỏ: An Giang là tỉnh biên giới, có nhiều người dân tộc thiểu số, kinh tế, xã hội còn khó khăn, các chính sách ưu đãi đặc biệt ở một số nơi còn chậm giải quyết. Việc xét duyệt các cơ chế, chính sách cho các vùng, xã đặc thù vẫn còn “vênh” giữa các văn bản hướng dẫn và đặc thù thực tế địa phương. Theo đánh giá của Sở GD và ĐT tỉnh An Giang, năm học 2014-2015, ở một số huyện, thị xã bậc học mầm non vẫn còn thiếu GV; bậc THCS có hiện tượng thừa GV ở hai môn Toán và Ngữ văn nhưng lại thiếu GV môn Nhạc, Hội họa...
Theo Bộ GD và ĐT, từ nay đến khi triển khai chương trình GDPT mới, ngành đẩy mạnh các hoạt động bồi dưỡng thường xuyên GV, CBQL giáo dục theo ba nhóm nội dung. Thứ nhất, bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng nền tảng để nâng cao năng lực nghề nghiệp theo chuẩn nghề nghiệp và chuẩn CBQL giáo dục, đặc biệt bổ khuyết những năng lực mà GV và CBQL giáo dục đang còn yếu, còn thiếu do chưa được đào tạo hoặc bồi dưỡng kịp thời. Thứ hai, bồi dưỡng theo các yêu cầu của từng hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tạo điều kiện cho đội ngũ được thăng tiến trong nghề. Thứ ba, bồi dưỡng theo yêu cầu của chương trình GDPT mới. Các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng được phát triển theo hướng đa dạng hóa, có cả bản in, bản điện tử, vi-đê-ô cờ-líp, đĩa VCD, cẩm nang hỏi đáp,... trong đó chú trọng việc “số hóa”, đưa lên mạng in-tơ-nét tất cả các thông tin để tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm, GV và CBQL giáo dục có thể tự học tập ở mọi nơi, mọi lúc... Chú trọng thực hiện mục tiêu bố trí lương của đội ngũ GV, CBQL giáo dục được hưởng ở mức cao nhất trong hệ thống thang bảng lương như tinh thần của Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII đã chỉ rõ. Hiện nay, Bộ GD và ĐT đã và đang rà soát, bổ sung những quy định mới về tiêu chuẩn chức danh nhà giáo, vị trí việc làm và định mức số người làm việc, góp phần tích cực nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, Bộ GD và ĐT đang tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp và đánh giá kết quả đào tạo sinh viên sư phạm, bồi dưỡng đội ngũ GV, CBQL giáo dục trong các trường phổ thông. Việc đổi mới nội dung chương trình đào tạo và bồi dưỡng GV, CBQL giáo dục được Bộ GD và ĐT giao cho các trường sư phạm cùng với các đơn vị chức năng của ngành, triển khai trên cơ sở thống nhất về chuẩn đầu ra cho sinh viên các ngành sư phạm, bảo đảm từ năm học 2016 -2017 tất cả các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện chương trình đào tạo mới.
Nguyễn Thúy Hồng
Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD và ĐT)
|
QUÝ TÙNG, ĐỨC TUẤN VÀ BẢO TRỊ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét