24 thg 8, 2011

Thái Bình: trong 10 năm xử lý 18.143 vụ buôn lậu và hàng giả


Phó ban Chỉ đạo 127/ĐP về phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Thái Bình Đào Văn Hoan cho biết: Từ năm 2001 – 2011, tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lẩu, hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại ở Thái Bình mặc dù có xu hướng giảm nhưng diễn biến hết sức phức tạp cả về đối tượng, phương thức hoạt động, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, sảo quyệt khó lường khó, khó kiểm soát.

Đây là nội dung được Ban chỉ đạo 127/ĐP tỉnh Thái Bình công bố sáng 23-8 tại Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Ban chỉ đạo chống buôn lậu – hàng giả và gian lận thương mại 27-8-2001 – 27-8-2011. Theo cơ quan chức năng, tính đến đến ngày 30-6-2011 cho thấy, tỉnh Thái Bình đã kiểm tra 74.802 vụ, trong đó xử lý 18.143 vụ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 59.780.834.000 đồng. Trong đó, phạt hành chính 32.938.897.000 đồng, bán hàng tịch thu 11.010.142.000 đồng, truy thu thuế 15.831.795.000 đồng.

Trong 10 năm qua, tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở Thái Bình diễn ra mỗi lúc, mỗi nơi có mức độ và tính chất khác nhau. Ở thị trường nội địa, hàng nhập lậu không bày bán công khai nhưng còn xuất hiện ở nhiều nơi và thường bày bán lẫn với hàng hóa trong nước, trà trộn núp bóng với hàng liên doanh hoặc hợp thức hóa với hóa đơn hàng trong nước. Hàng hóa buôn lậu, hàng cấm phần lớn được nhậu lậu vào Thái Bình tiêu thụ chủ yếu quần áo, vải, giầy dép, đồ chơi trẻ em, rượu, bia, mỹ phẩm, đồ điện tử...
Các hàng trên được chia nhỏ vận chuyển bằng xe khách, xe du lịch và được hợp pháp hóa bằng hóa đơn mua qua bán lại giữa các doanh nghiệp. Riêng mặt hàng cấm như pháo nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu do người lao động Thái Bình về quê dịp tết đem về sử dụng trong gia đình vào lúc giao thừa, nên việc kiểm tra, phát hiện và xử lý của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, hàng hết hạn sử dụng, vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hóa còn khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực. Nhiều trường hợp lợi dụng hàng liên doanh, thương hiệu nổi tiếng, vỏ là hàng thật nhưng ruột là hàng giả kém chất lượng, thay thế bằng hàng rẻ tiền. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng như rượu bia, nước giải khát các loại có hóa chất không được phép sử dụng.
Các hành vi gian lận thương mại có điều kiện “tung hoành” là do lợi dụng được những kẽ hở và sự thông thoáng về thủ tục hải quan để khai không đúng số lượng, chủng loại... nhằm gian lận thuế. Ngoài ra còn có các biểu hiện trong kê khai, đăng ký, niêm yết giá, bán sai giá niêm yết, vi phạm về đăng ký kinh doanh và kinh doanh sai nội dung đã đăng ký; sử dụng hóa đơn quay vòng, giân lận trong việc khai xuất xứ nguồn gốc hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế; gian lận về chất lượng hàng hóa, quảng cáo vượt quá khả năng thực tế.
Ông Đào Minh Hải, Giám đốc Sở Công thương, Phó ban chỉ đạo 127/ĐP về phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Thái Bình cho biết thêm: Thị trường Thái Bình hiện nay vẫn mang tính chất thị trường nông thôn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Năm năm tới, cùng với yêu cầu và kết quả xây dựng nông thôn mới, dự báo thị trường Thái Bình sẽ phát triển nhanh, phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, với thói quen còn mang nặng tính truyền thống, sức mua còn hạn chế do túi tiền người dân ít, hạ tầng tụt hậu... cho nên những kẻ buôn gian, bán lận coi đây là “cơ hội” tốt để tiêu thụ hàng cấm, hàng nhập lậu... Do đó, cuộc đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại sẽ có xu hướng phức tạp hơn cho nên rất cần các cơ quan chức năng trung ương và tỉnh Thái Bình cùng vào cuộc.
Mai Quý Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét