9 thg 9, 2015

Cần tuyên truyền, giải thích về mức đóng bảo hiểm y tế mới với học sinh

Thứ ba, 08/09/2015 - 09:10 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh khám cho bệnh nhi theo chế độ bảo hiểm y tế. Ảnh: Trần Hải
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh khám cho bệnh nhi theo chế độ bảo hiểm y tế. Ảnh: Trần Hải

Đầu năm học mới, nhiều khoản thu khiến các gia đình và học sinh lo lắng. Một trong những khoản thu đó là bảo hiểm y tế (BHYT). Theo thông báo của nhà trường, mức tiền đóng BHYT tăng gần gấp đôi so với các năm trước.
Chị Nguyễn Hoài Phương ở Tứ Liên, Tây Hồ (Hà Nội), bất ngờ khi nhận được thông báo mức thu tiền BHYT năm học 2015 - 2016 là gần 544 nghìn đồng/học sinh/15 tháng (năm học trước BHYT là 289.800 đồng). Chị có ba người con đang theo học tiểu học và THCS trên địa bàn, năm trước, tiền BHYT, bảo hiểm thân thể cho các con chưa đầy một triệu đồng nhưng năm nay số tiền đó là một triệu 900 nghìn đồng. Vì chưa rõ lý do tăng cho nên trước mắt gia đình chị chưa tham gia BHYT. Một phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Kim Đồng, Ba Đình (Hà Nội) cũng thắc mắc vì năm nay phải đóng 15 tháng BHYT (từ 1-10-2015 đến 31-12-2016), trong khi các năm trước chỉ đóng 12 tháng.
Chật vật hơn là các gia đình học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Tại huyện Lạc Thủy (Hòa Bình), việc tăng mức đóng BHYT khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Chị Lê Thị Chung ở xã Phú Thành cho biết, gia đình phải đóng hơn một triệu đồng BHYT cho hai đứa con, lại thêm tiền đồng phục, áo khoác, sách giáo khoa, vở viết, học phí, bảo hiểm thân thể… khiến gia đình chưa biết xoay xở như thế nào.
Thật ra, mức thu BHYT năm nay được thực hiện theo quy định mới của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT. Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) có những thay đổi lớn. Đó là, nâng mức đóng BHYT HSSV từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5% và HSSV tham gia BHYT 12 tháng theo năm tài chính (1-1 đến 31-12) chứ không theo năm học như trước đây (tháng 9 hoặc tháng 10 và hết hạn sau 12 tháng). Ngoài ra, vì đang trong thời điểm chịu sự điều tiết của quy định mới và quy định cũ, cho nên năm học này, HSSV phải đóng ba tháng còn lại của năm 2015, nâng tổng số tháng HSSV phải tham gia BHYT lên 15 tháng. Tổng số tiền của 15 tháng tham gia là 543.375 đồng. Dù mới trong thời gian học hè nhưng một số trường tại Hà Nội đã triển khai thu tiền BHYT với mức thu không thống nhất, có trường thu 15 tháng là 544 nghìn đồng, có trường tạm thu 483 nghìn đồng.
Việc thay đổi mức tiền và thời gian tham gia BHYT ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính của một số gia đình, nhưng có thể thấy, công tác tuyên truyền BHYT đối với HSSV chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, khiến phụ huynh bị động. Một số trường bày tỏ những khó khăn khi triển khai thu BHYT do nhận được thông báo thay đổi mức thu BHYT từ phía cơ quan BHXH muộn. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Tứ Liên (Hà Nội) cho biết, trường đã phát thông báo thu tiền BHYT hạn chót ngày 31-8, nhưng đến nay nhiều gia đình vẫn chưa tham gia do phụ huynh chưa tin tưởng vào thông báo của trường. Để người dân hiểu, tin tưởng tham gia BHYT theo quy định mới, cô Xuân đề nghị BHXH cần tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tại Trường Tiểu học Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội), kết quả thu BHYT vẫn chưa được như mong đợi mặc dù trường đã có nhiều cách tuyên truyền, phổ biến quy định mới. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường nêu thực trạng: “ Đến nay, lớp nhiều nhất chỉ có một nửa số học sinh được bố mẹ mua BHYT, các lớp còn lại lác đác vài em tham gia. Nguyên nhân là sau ngày 20-8 trường mới nhận được văn bản hướng dẫn thu BHYT. Trước tình hình nêu trên, trường đã tập trung tuyên truyền bằng cách dán thông báo tại bảng tin trường; gửi tin nhắn đến phụ huynh qua sổ liên lạc điện tử; tuyên truyền trên loa phát thanh phường”… Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cũng thừa nhận việc tham gia theo mức mới là một khó khăn cho phụ huynh học sinh và đề nghị cần tuyên truyền rõ để tránh việc hiểu lầm là nhà trường tự ý thu.
Thừa nhận những vướng mắc, khó khăn phát sinh khi thực hiện tham gia BHYT theo quy định mới, đồng chí Vũ Mạnh Chữ, Phó Trưởng ban Thu - BHXH Việt Nam cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh về những băn khoăn của phụ huynh học sinh, BHXH Việt Nam đã đề xuất ngay với Bộ Y tế và Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC về hướng dẫn thực hiện BHYT. Theo đó, có thể cho HSSV tham gia BHYT theo năm học hoặc năm tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Sở dĩ Thông tư 41 quy định việc tham gia theo năm tài chính nhằm giảm khó khăn cho phụ huynh học sinh khi cùng một thời điểm đầu năm học phải đóng nhiều khoản, nay có thể giãn ra đến tháng 12 mới phải đóng phí BHYT cho con em mình; ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng cho HS cũng được dự trù và hạch toán, thanh toán trong năm tài chính, không phải chuyển sang năm sau. Thông tư đang được gấp rút sửa để có thể ban hành trong năm học này. Về thời gian tham gia BHYT trong lúc chuyển tiếp giữa các tháng còn lại của năm 2015 và cả năm 2016, có thể tham gia theo mức: ba tháng, sáu tháng, 15 tháng. Các địa phương tự quyết định mức căn cứ vào tình hình của địa phương để tỷ lệ HS tham gia đạt cao nhất chứ không bắt buộc tham gia 15 tháng. BHXH TP Hà Nội cũng cho biết, đang tập trung tuyên truyền, phổ biến BHYT HSSV tại các quận, huyện và sẽ yêu cầu các trường thực hiện đúng các quy định mới.
Những ngày đầu tiên thực hiện BHYT HSSV theo quy định mới đã khiến các nhà trường, phụ huynh học sinh băn khoăn, lo lắng, do đó, ngành BHXH và các địa phương cần chú trọng tuyên truyền, giải thích cho phụ huynh, HSSV, giáo viên để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Về phía nhà trường, cần tránh việc chỉ thông báo mức tiền, mà cần có ghi chú thêm để phụ huynh hiểu mức đóng tăng là theo quy định của pháp luật về BHYT. Việc tuyên truyền cũng cần được lồng ghép vào buổi họp phụ huynh đầu năm học để phụ huynh nâng cao nhận thức của mình về BHYT bắt buộc, tạo đà thuận lợi cho những năm học tiếp theo.
QUÝ TÙNG, THÚY QUỲNH VÀ THANH QUÝ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét