14 thg 2, 2012

Vì sao lợn chết hàng loạt ở Thái Bình


Cập nhật lúc 18:20, Thứ ba, 14/02/2012 (GMT+7)

Những con lợn còn sót lại của nhà anh Tuấn đang được điều trị.  
NDĐT- Dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở Thái Bình đang diễn biến ngày càng phức tạp. Chỉ tính sau Tết Nhâm Thìn 2012 vài ngày, ba hộ gia đình sinh sống gần nhau ở thôn Phú Mỹ, xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã bị cơn “lốc” dịch bệnh LMLM “cướp đi” hơn 80 con lợn các loại. Ngày 7-2, tỉnh Thái Bình đã công bố dịch bệnh LMLM và là tỉnh đầu tiên công bố dịch này.
Ba nhà với hơn 80 con lợn chết
Ngày 13-2, chúng tôi tìm về xã Hồng Lý (Vũ Thư, Thái Bình) – nơi đang được ghi nhận là “tâm bão” dịch LMLM. Đến nơi, nhiều người dân nói như đùa mà thật với chúng tôi : “May mà các anh không chở gì vào xã, chứ có bao gì chở ra hoặc đèo vào xã này mà là lợn thì chắc chắn sẽ bị các đồng chí ở những chốt kiểm dịch “tuýt còi” kiểm tra, lập biên bản xử lý.”
Thế mới biết nghề nuôi lợn ở đây đang trong thời điểm treo “đèn đỏ”, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì dịch bệnh LMLM. Cùng ngày, khi chúng tôi có mặt ghi nhận ở địa phương, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đã có mặt từ rất sớm để chỉ đạo dập dịch.
Chủ tịch UBND xã Hồng Lý Trần Quốc Hoàn, cho biết: “Cơn “lốc” dịch bệnh LMLM từ khi xuất hiện đến nay đã “cướp đi” hơn 50 con lợn, riêng hộ nhà ông Phan Thế Chuyển ở thôn Phú Mỹ bị tiêu hủy 40 con; 117 con ở các hộ chăn nuôi hiện đang bị bệnh. Sau khi làm việc với chính quyền xã Hồng Lý, ông Hoàn dẫn chúng tôi đi thực tế ở thôn Phú Mỹ gặp các hộ đang có dịch bệnh tìm hiểu. Trước khi vào xem đàn lợn còn sót lại nhà ông Nguyễn Hữu Thiện, chúng tôi phải trải qua giai đoạn phun khử trùng.
Tiếp chúng tôi, chủ hộ Nguyễn Hữu Thiện buồn bã cho biết: Năm ngoái gia đình có tổng đàn 41 con thì 39 con lợn mắc dịch nhưng gia đình “cứu” được hết. Thế mà năm nay, dịch LMLM có khác chi cơn “lốc” dữ đã cướp đi của gia đình chúng tôi 19 con lợn trong tổng đàn 50 con rồi. Tôi không tự hào, nhưng vệ sinh, chăm sóc lợn có bài bản như gia đình tôi ở đây thì hơi hiếm đấy, vì chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên mua thuốc phòng dịch- ông Thiệu cho biết.
Từ ngày 26-1, gia đình phát hiện lợn bị dịch và báo thú y xã. Đầu tiên thấy hai con lợn nái bị, sau hai ngày lại có thêm bốn con lợn nái nữa và tiếp đó là lợn “choai choai”, lợn thịt. Nhưng có một điều lạ mà ông Thiện không thể lý giải và cơ quan chuyên môn như Viện Thú y quốc gia, Trường đại học Nghiệp I Hà Nội đã về lấy mẫu xét nghiệm nhưng vẫn chưa có câu trả lời về nguyên nhân dẫn đến lợn chết nhanh, chết hàng loạt. Ông bảo, có hôm vừa cho lợn ăn, chúng còn rất khỏe mạnh, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tiếng thấy chúng đứng lên run run một hồi rồi lăn đùng ra chết. Gia đình tôi và hàng xóm ở đây khi chứng kiến lợn chết kiểu như thế này thấy rất lạ bởi vì không có dấu hiệu LMLM như những con khác. Số lượng lợn chết kiểu như thế này thì nhiều lắm.
Anh Tuấn, con trai bác Thiện, cho biết thêm: từ khi có dịch, gia đình đã đi học hỏi kinh nghiệp chữa trị dịch LMLM những người chăn nuôi trong xã, mua hơn năm triệu tiền thuốc mà vấn không chữa được. Đúng là “tiền mất tật mang”.
Về xã Hồng Lý bây giờ mới thấy được hết nỗi thống khổ của người nông dân. Họ buồn đến nỗi mà người ta không thể ví như là là “tang thương” nhưng cũng trắng xóa con đường vôi bột từ nhà ra bãi tiêu hủy lợn.
Nhà anh Phan Thế Chuyển ở thôn Phú Mỹ năm nay mạnh dạn vay ngân hàng hơn 100 triệu đầu tư nuôi lợn chuẩn bị xuất chuồng thị bị chết. Hôm chúng tôi đến, anh lặng lẽ cân con lợn thứ 40 trong tổng đàn 60 con trước sự giám sát của ngành thú y, chính quyền địa phương để đem đi tiêu hủy. Chỉ trong vòng 3-4 ngày, đàn lợn khỏe mạnh của gia đình anh Chuyển đã bị chết sạch không rõ nguyên nhân cách đây mười ngày.
Qua nguồn tin mà chúng tôi được biết từ các hộ nuôi lợn như nhà ông Chuyển, ông Thiệu và một số hộ xin giấu tên cho biết: họ không biết tỉnh căn cứ từ ngày, tháng nào để tính tiền hỗ trợ.
Nhiều người nói, trước khi tỉnh công bố dịch, họ có báo với thú y, chính quyền địa phương nhưng không ai nhận trách nhiệm hỗ trợ nên có một số người đã tìm cách bán “chạy” lợn gỡ vốn.
Để khẳng định lời mình nói đúng, anh Tuấn dẫn chứng với chúng tôi, chỉ tính riêng nhà tôi, nhà ông Chuyển, ông Tình thì đã có hơn 80 con lợn chết vì dịch LMLM. Còn trong số liệu của xã đến tính đến ngày 13-2 mới là 50 chết bị tiêu hủy.
Số liệu báo cáo lợn chết rất thấp vì đâu?
Ông Nguyễn Văn Đức, Chi cục trưởng, Chi cục Thú y Thái Bình cho biết: Dịch LMLM trên lợn được phát hiện tại Thái Bình từ ngày 22-1-2012 trên đàn lợn 11 con của một hộ chăn nuôi ở thôn Phú Mỹ, xã Hồng Lý (huyện Vũ Thư), có biểu hiện bỏ ăn, triệu chứng thần kinh và chết rất nhanh. Sau đó, ngày 29 đến 31-1-2012, Thái Bình tiếp tục ghi nhận đàn lợn hàng chục con của một số hộ tại 4 xã: Hồng Lý, Bách Thuận (huyện Vũ Thư), Đông Kinh (Đông Hưng), Minh Khai (Hưng Hà) bị ốm, có biểu hiện loét lợi, lưỡi, sưng vành móng và bỏ ăn. Cơ quan chuyên môn tỉnh và chính quyền địa phương xã Hồng Lý (Vũ Thư) cho biết, dịch LMLM tiếp tục phát sinh thêm các ổ dịch mới trên đàn lợn ở xã này, riêng ngày 13-2, phát sinh thêm chín ổ dịch mới ở chín hộ gia đình. Thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Thái Bình ngày 14-2 cho biết, hiện Thái Bình có 166 con lợn chết vì dịch LMLM, 429 con bị ốm đang điều trị.
Hiện nay tám xã có dịch ở các huyện thành phố cơ bản được khống chế dịch LMLM, riêng xã Hồng Lý thì cơ quan chức năng tỉnh, huyện, xã chưa thể khẳng định sẽ dập được hết dịch mặc dù đã cam kết dập dịch hoàn toàn đến hết tuần sau. Nhìn chung, dịch LMLM ở Thái Bình chưa xuất hiện ở những trang trại lớn mà tập trung chủ yếu ở những gia trại nhỏ lẻ vì chưa được tiêm vắc-xin phòng dịch LMLM. Bởi, khi ngành thú y tỉnh chuẩn bị đến đợt tiêm thì bị dịch LMLM mất rồi- ông Đức chia sẻ.
Trả lời câu hỏi, có hay không lợn chết nhanh và chết hàng loạt, chủ yếu là lợn thịt và có phải bị LMLM. Ông Đức cho biết, qua các mẫu xét nghiệm gửi cơ quan trung ương, kết quả là lợn bị bệnh LMLM. Còn những dấu hiệu như chết nhanh mà không có biểu hiện LMLM, ông Đức cho biết đấy thực ra là lợn bị bệnh ở thể nhẹ, sức đề kháng kém cũng dẫn đến chết. Đến thứ năm tuần này, cơ quan thú y trung ương sẽ trả lời về việc lợn chết khác thường như người dân phản ánh.
Về chuyện những hộ dân cho biết không được cấp, phát công bằng thuốc tiêu độc, khử trùng, ông Đức xác nhận, thuốc của tỉnh không thiếu nhưng cấp phát có trình tự, đúng mục đích. Chúng tôi bảo đảm công khai, minh bạch trong việc cấp phát thuốc, còn không có là lỗi ở chính quyền địa phương.
Trả lời câu hỏi vì sao người nông dân kêu ấm ức vì không được xã cho biết sẽ đền bù ông Đức khẳng định: Đền bù hay không là do thú y xã, chính quyền địa phương báo cáo lên để chúng tôi báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ. Nếu số liệu thực tế lợn chết trong dân nhiều gấp 4-5 lần hoặc nhiều hơn nữa thì cũng không được tỉnh hỗ trợ bởi do lỗi chính quyền địa phương không bám sát dân, không báo cáo kịp thời, cụ thể.
Theo quyết định 04 ngày 18-1-2012 của UBND tỉnh Thái Bình: ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng các bệnh nguy hiểm ở vật nuôi tại các hộ gia đình, gia trại. Như vậy, theo quyết định này, những hộ nào đã báo cáo ngành thú y, chính quyền địa phương, đã tiêu hủy lợn vì không thể cứu chữa thì được hỗ trợ 38 ngàn đồng/kg. Còn theo Điều 7 về hỗ trợ kinh phí tiêu hủy gia súc, gia cầm UBND tỉnh Thái Bình có nêu: người nông dân được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 5-6-2008 và Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 719 về chính sách hỗ trợ, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Quyết định nêu rõ: ngân sách huyện, thành phố chủ động trong công tác hỗ trợ tiêu hủy gia súc, gia cầm khi chưa đủ điều kiện công bố dịch. Như vậy, theo ông Đức cấp xã, huyện phải có trách nhiệm trực tiếp hỗ trợ người dân nếu họ có báo cáo dịch bằng nguồn ngân sách địa phương.
Về vấn đề số lượng báo cáo thấp, Trưởng ban Thú y xã Hồng Lý Lê Quốc Văn cho biết: hiện xã có 31 hộ có lợn ốm, chết và tiêu hủy khoảng 50 con trên tổng đàn 8000 con. Anh Văn cũng thừa nhận, số lượng lợn chết cao gấp 4-5 lần số thực tế báo cáo, nhưng họ không khai báo nên không được hỗ trợ. Qua thực tế địa phương chúng tôi nhận thấy, công tác phòng, chống dịch ở xã Hông Lý còn làm quyết liệt. Đáng chú ý là việc tiêu hủy, chôn lấp lợn không đúng cách, như mang lợn từ nơi có dịch qua nơi không có dịch để chôn. Vì thế, những mầm bệnh ở lợn có thể phát tán ra môi trường chung quanh, và là nguyên nhân cơ bản dịch bệnh LMLM ở Thái Bình khó kiểm soát, ngăn chặn.
Qua trao đổi với phóng viên báo Nhân Dân, ông Đức khuyến cáo kinh nghiệm tiêu hủy lợn trong ngành thú y khi bị dịch: nếu có thể, người nuôi lợn nên luộc chín lợn bệnh trước khi đem tiêu hủy. Tuy nhiên, có nhà chết hàng chục con liên tục thì việc luộc chín cả con lợn sẽ không hề đơn giản, rất cần sự vào cuộc nghiêm túc của chính quyền địa phương với người nông dân. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương không có giải pháp hữu hiệu, kịp thời dẫn đến người dân trắng tay, đường cùng, rất có thể đấy là nguyên nhân họ bán tháo lợn bệnh gỡ vốn nên số liệu thấp hơn trong báo cáo.
MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét