16 thg 2, 2012

Thái Bình nghiêm cấm giết mổ lợn ở nơi có dịch


Cập nhật lúc 19:07, Thứ năm, 16/02/2012 (GMT+7)
NDĐT- Dịch lở mồm long móng ở Thái Bình diễn biến ngày càng phức tạp, điển hình là xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư vì chưa có dấu hiệu thuyên giảm, trong khi các địa phương khác trên địa bàn tỉnh xác nhận khống chế cơ bản dịch bệnh này. Từ khi có dịch đến nay, số lợn chết ở xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư đã lên tới mấy trăm con.
Tính đến ngày 15-2, có thêm chín hộ phát hiện bị dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở xã Hồng Lý. Để cung cấp những thông tin mới nhất với bạn đọc cả nước, phóng viên báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn với Chi cục trưởng, Chi cục Thú y tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Đức về vấn đề này.
Xin đồng chí cho biết tình hình, diễn biến dịch bệnh LMLM hiện nay ở Thái Bình?
Chi cục trưởng Nguyễn Văn Đức: Dịch LMLM trên lợn được phát hiện tại Thái Bình từ ngày 22-1-2012 trên đàn lợn 11 con của một hộ chăn nuôi ở thôn Phú Mỹ, xã Hồng Lý (huyện Vũ Thư), có biểu hiện bỏ ăn, triệu chứng thần kinh và chết rất nhanh. Sau đó, ngày 29 đến 31-1-2012, Thái Bình tiếp tục ghi nhận đàn lợn hàng chục con của một số hộ tại bốn xã: Hồng Lý, Bách Thuận (huyện Vũ Thư), Đông Kinh (Đông Hưng), Minh Khai (Hưng Hà) bị ốm, có biểu hiện loét lợi, lưỡi, sưng vành móng và bỏ ăn.
Tính đến ngày 15-2, dịch bệnh LMLM đã phát sinh trên đàn gia súc làm 557 con lợn ốm (41 lợn nái, 404 lợn thịt, lợn con; 111 lợn sữa, 01 con bò) trong tổng đàn 1.392 con của 70 hộ, ở 13 thôn, trong tám xã, thuộc năm huyện, thành phố: xã Đông Kinh (Đông Hưng), xã Bách Thuận và Hồng Lý (Vũ Thư), xã Minh Khai, Đông Đô, Tây Đô (Hưng Hà), xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ) xã Vũ Đông, TP Thái Bình.
Số lợn chết đã tiêu hủy là 201 con (một nái, 109 lợn thịt, lợn con và 91 lợn sữa); số ốm điều trị đã khỏi triệu chứng: 194 con của các xã Đông Kinh, Bách Thuận, Đông Đô, Tây Đô, Minh Khai, Hồng Lý, Vũ Đông. Hiện tại, số gia súc còn ốm đang được quản lý, điều trị triệu chứng và nuôi tại hộ là 161 con lợn và một con bò, phần lớn ở xã Hồng Lý.
Trước diễn biến của dịch, tỉnh Thái Bình đã vào cuộc như thế nào?
Chi cục trưởng Nguyễn Văn Đức: Ngay sau khi ghi nhận dịch trên địa bàn vào ngày 22-1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y tỉnh đã mời các cơ quan trung ương về lấy mẫu xác định nguyên nhân dịch bệnh. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng thường xuyên về kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các huyện, thành phố; trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo, bổ khuyết công tác chống dịch tại các xã có dịch.
Lực lượng cán bộ kỹ thuật của Chi cục thú y, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh, Phòng chăn nuôi của sở tiếp tục thực hiện giám sát dịch bệnh và hỗ trợ các địa phương xử lý dịch bệnh; tăng cường kiểm tra công tác tiêu độc khử trùng phòng dịch ở các xã có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao, các xã tiếp giáp với vùng dịch. Đến hết ngày 15-2, tổng lượng hoá chất các huyện, thành phố được tỉnh Thái Bình cấp để xử lý dịch bệnh là 10.648 kg; vôi bột các xã có dịch đã sử dụng chống dịch là 18.700 kg.
Khi nhận được thông tin dịch bệnh từ cơ sở, Chi cục Thú y tỉnh Thái Bình đã kịp thời xác minh dịch bệnh và lấy mẫu bệnh phẩm của lợn bệnh tại bốn ổ dịch ở các xã: Hồng Lý, Minh Khai, Đông Đô và Quỳnh Lâm gửi đi xét nghiệm ở Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương. Kết quả, các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với virus type O gây bệnh LMLM trên gia súc.
Trước tình hình dịch bệnh LMLM trên đàn lợn vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát lây lan ra diện rộng, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các địa phương có dịch kịp thời khoanh vùng, triển khai các biện pháp dập dịch đặc biệt kiểm soát chặt chẽ lợn nhập vào địa phương; tuyên truyền cho người dân không giấu dịch; không mua lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh; không bán chạy lợn bệnh; không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt bừa bãi xác lợn bệnh ra ngoài môi trường.... Đồng thời, lập các chốt kiểm dịch trực 24/24 giờ; cấp đủ hóa chất cho các xã phun tiêu độc khử trùng...
Nguyên nhân nào dẫn đến việc bùng phát dịch LMLM ở Thái Bình năm nay?
Chi cục trưởng Nguyễn Văn Đức: Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh LMLM ở các địa phương được phát hiện lần này là vì những xã có ổ dịch cũ những năm trước, mầm bệnh còn tồn tại và lưu hành trên đàn lợn và môi trường chăn nuôi. Cùng với đó, liên tục những ngày trước và sau Tết Nhâm Thìn có mưa ẩm, lạnh kéo dài, làm sức đề kháng của lợn giảm, dễ mắc bệnh. Hiện tượng vận chuyển lợn, mua bán, nhập đàn, nuôi mới chưa được kiểm soát chặt chẽ; lợn ốm chết gia đình tự xử lý, không thông báo với cơ quan, cán bộ thú y và chính quyền cơ sở khiến dịch bệnh phát sinh lây lan.
Vì sao xã Hồng Lý (Vũ Thư) dịch bệnh LMLM lại diễn biến phức tạp và khó dập dịch, dẫn đến số lượng lợn chết thực tế nhiều hơn trong báo cáo của ngành thú ý tỉnh?
Chi cục trưởng Nguyễn Văn Đức: Qua thực tế ở các địa phương chúng tôi nhận thấy, công tác phòng, chống dịch ở xã Hông Lý làm còn chưa quyết liệt. Đáng chú ý là việc tiêu hủy, chôn lấp lợn không đúng cách, như mang lợn từ nơi có dịch qua nơi không có dịch để chôn. Vì thế, những mầm bệnh ở lợn có thể phát tán ra môi trường chung quanh, và đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến dịch bệnh LMLM ở Thái Bình khó kiểm soát, ngăn chặn.
Chúng tôi khuyến cáo kinh nghiệm tiêu hủy lợn trong ngành thú y khi bị dịch: nếu có thể, người nuôi lợn nên luộc chín lợn bệnh trước khi đem tiêu hủy. Tuy nhiên, có nhà chết hàng chục con liên tục thì việc luộc chín cả con lợn sẽ không hề đơn giản, rất cần sự vào cuộc nghiêm túc của chính quyền địa phương với người nông dân. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nếu không có giải pháp hữu hiệu, kịp thời dẫn đến người dân trắng tay, đường cùng, rất có thể đấy là nguyên nhân họ bán tháo lợn bệnh gỡ vốn cho nên số liệu lợn chết thật cao hơn nhiều so với trong báo cáo mà các địa phương đã gửi về.
Trước diễn biến dịch bệnh LMLM, tỉnh Thái Bình có cho phép việc giết mổ lợn ở nơi có dịch?
Chi cục trưởng Nguyễn Văn Đức: Dịch bệnh các loại đã xảy ra ở Thái Bình không chỉ năm nay và nhiều năm trước đây, quan điểm của tỉnh là tìm mọi giải pháp chặn đứng sự bùng phát dịch bệnh. Nếu tỉnh Thái Bình công bố dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng thì chắc chắn sẽ nghiêm cấm việc giết mổ, buôn bán lợn ở nơi có dịch.
Trước thực tế lợn chết nhanh, chết hàng loạt ở xã Hồng Lý (Vũ Thư), tỉnh Thái Bình đã mời Viện Thú y Trung ương và Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội về lấy mẫu xác định nguyên nhân nhưng đến nay chưa có kết quả. Tuy nhiên, qua những mẫu lần trước gửi cơ quan thú y trung ương, chúng tôi nhận thấy, lợn chết ở Thái Bình là do bị dịch bệnh LMLM, còn chết nhanh, chết hàng loạt có thể vẫn là bệnh này nhưng ở thể nhẹ, có biến chứng thành bệnh kép nào đó.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
MAI QUÝ TÙNG (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét