24 thg 8, 2015

Nhọc nhằn lo tiền trường đầu năm học

Thứ hai, 24/08/2015 - 09:14 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Góc học tập tạm bợ của em Hào ở tổ 7, cụm 2, phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) trước khi bước vào năm học mới.
Góc học tập tạm bợ của em Hào ở tổ 7, cụm 2, phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) trước khi bước vào năm học mới.

Chỉ còn ít ngày nữa, các trường học trên cả nước sẽ chính thức khai giảng với niềm vui đón chào năm học mới. Tuy nhiên, những ngày này, nhiều bậc phụ huynh, học sinh, nhiều gia đình vẫn nhọc nhằn lo toan cho những khoản sắm sửa, đóng góp đầu năm học cho con em đến trường.
Khi tiền trường bằng ba sào ngô
Trong cái nắng oi ả, chúng tôi tìm về xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình để tìm hiểu việc chuẩn bị năm học mới. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Anh Tuân chia sẻ, cả xã có chín thôn nhưng điều đáng nói thôn nào cũng có nhiều hộ nghèo, cận nghèo. Vậy nên, người dân chuẩn bị năm học mới cho con em mình với chồng chất khó khăn. Dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ gia đình ở thôn Chợ Bến, anh Tuân cho biết: Thôn này đứng vị trí thứ ba về số lượng hộ nghèo. Vượt qua cung đường "nắng thì bụi, mưa thì lội", chúng tôi đến thăm các gia đình thuộc diện hộ nghèo. Trong ngôi nhà lợp ngói cũ kỹ, cảm giác có thể đổ sập bất cứ lúc nào, chị Lê Thị Xuân giãi bày: Gọi là nhà cho oai nhưng là thuê chú ạ! Ngày nắng không sao, chứ những khi mưa, bão, căn nhà rung lên bần bật, ba mẹ con nằm nép vào nhau sợ hãi. Là người từ nơi khác chuyển đến, chị không có người thân, không nhà cửa, không một "tấc đất cắm dùi", cuộc sống khó khăn cứ bám riết từ đó đến nay. Nhà có hai đứa con, đứa lớn năm nay lên lớp 10, đứa thứ hai bước vào lớp ba. Không cho đi học thì không đành lòng nhưng tài sản lớn nhất của gia đình là một con lợn và đàn gà nuôi mấy tháng trời, đành bán đi được hơn một triệu đồng để đóng tiền học, mua sách vở, quần áo chuẩn bị đón năm học mới.
Không phải đi thuê nhà như chị Xuân nhưng chị Lê Thị Chung, thôn Phú Thắng, xã Phú Thành (Lạc Thủy, Hòa Bình), lại có nỗi niềm riêng: Vừa rồi, cháu đầu học lớp sáu, nhà trường thông báo thu 800 nghìn đồng, gồm: Một áo cộc tay, một áo dài tay, một áo khoác, một bộ sách giáo khoa (SGK), vở viết và tiền học phí cả năm học. Số tiền đóng cho người con thứ hai cũng thế nhưng ít hơn 50 nghìn đồng. Vậy là chuẩn bị cho con vào đầu năm học mới cũng mất hơn 1,5 triệu đồng. Ở địa bàn vùng núi như huyện Lạc Thủy, thu nhập của những người nông dân chỉ biết trông vào mấy sào ngô, lúa. Vậy là “tiền trường đầu năm học của các cháu đã đã “ngốn” mất ba sào ngô của gia đình đấy. Gia đình sẽ thêm phần vất vả khó khăn nhưng sau những ngày đón năm học mới, thấy các cháu vui vẻ đến trường là tốt rồi” - chị Chung chia sẻ.
Nhọc nhằn lo tiền trường cho con em đi học không chỉ ở các vùng nông thôn, miền núi, mà ngay tại các thành phố. Khi cơn dông chiều chuẩn bị ập xuống cũng là lúc chúng tôi tìm đến xóm ngụ cư ở tổ 7, cụm 2, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội. Xóm ngụ cư nằm nép mình sau chợ đầu mối Long Biên với những dãy nhà đủ mọi hình thù. Theo người dân sinh sống ở đây, xóm ngụ cư có khoảng hơn 30 hộ đến từ nhiều tỉnh, thành phố. Công việc chính của họ là kéo xe đẩy hàng, nhặt rác ở chợ Long Biên; một số hộ trồng rau, ngô ở bãi bồi sông Hồng và đi rửa bát thuê. Vì vậy, việc lo cho những đứa trẻ đi học là cả một vấn đề không đơn giản. Anh Hứa Văn Quang có con năm nay học lớp một, Trường tiểu học Nghĩa Dũng chia sẻ: “Mấy hôm trước, nhà trường thông báo các khoản thu đầu năm học, gồm: máy chiếu, vi tính, điều hòa hết một triệu đồng gia đình đã đóng; tiền học phí, xây dựng gia đình phải xin khất nộp sau. Nhà trường thu nhiều khoản tiền nên gia đình không biết xoay xở thế nào”.
“Loạn” sách tham khảo
Nếu người dân nông thôn chỉ mong có bộ SGK để con cái học tập thì người dân khu vực thành phố lại cần thêm nhiều bộ sách tham khảo. Thời điểm này, nhiều phụ huynh tỏ ra sốt sắng trong việc chọn mua SGK, sách tham khảo cho con. Dạo qua một số hiệu sách trên đường Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thái Học, đường Láng (Hà Nội)… cảm nhận không khí mua sách và đồ dùng học tập diễn ra nhộn nhịp. Giải pháp chọn mua SGK cũ là lựa chọn của không ít phụ huynh nghèo trước thềm năm học mới. Tại một cửa hàng bán sách cũ trên đường Láng (Hà Nội), anh Trần Xuân Lộc, làm nghề xe ôm đang mua bộ SGK lớp tám cho con trai cho biết, SGK đã qua sử dụng có giá chỉ bằng một nửa so với sách mới cho nên năm nào anh cũng chọn mua để tiết kiệm chi phí. Một số cửa hàng, nhà sách tung “chiêu" giảm giá sách và đồ dùng học tập từ 5% đến 10%. Tại Nhà sách Tiền Phong, lướt qua kệ sách dành cho học sinh tiểu học, không ít phụ huynh cảm thấy hoa mắt. Riêng kệ sách lớp một, môn Toán, Tiếng Việt đếm sơ sơ có gần 20 đầu sách tham khảo. Đó là chưa kể sách vẽ, kỹ năng sống, Tiếng Anh… không biết bao nhiêu đầu sách trong khi giá cả và chất lượng sách cũng “loạn” không kém. Giá các sách tham khảo dao động từ 17 đến 35 nghìn đồng, tùy loại và tùy chất lượng giấy; hầu hết các bìa sách đều được thiết kế bắt mắt, nhiều mầu sắc. Anh Trần Thanh Quang lựa chọn sách tham khảo, than thở: "Tâm lý phụ huynh nào cũng mong muốn con được mở rộng kiến thức và củng cố kỹ năng, cho nên ngoài SGK, nhiều phụ huynh lựa chọn cho con mình bộ sách tham khảo. Tuy nhiên, với từng này đầu sách mà không có định hướng gì từ nhà trường, tôi không biết nên mua sách tham khảo nào tốt cho con mà giá cả lại vừa phải". Theo quan sát, vị phụ huynh này đã mất rất nhiều thời gian để chọn sách cho con.
Qua tham khảo phụ huynh và giá đồ dùng, sách vở đầu năm mới cho học sinh trên thị trường, có thể thấy đây là nỗi “đau đầu” của không ít cha mẹ khi giá sách không hề rẻ trong khi chất lượng sách không bảo đảm, nội dung cũng không biết kiểm chứng như thế nào. Chị Trần Phương Linh, chủ cửa hàng văn phòng phẩm ở 42 phố Lý Thường Kiệt đưa ra lời khuyên: Phụ huynh trước khi chọn mua nên hỏi ý kiến của giáo viên sẽ trực tiếp dạy con mình về tên các loại đầu sách cần thiết và nên chọn mua sách của những nhà xuất bản có uy tín. Chị Thu Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có con lớn đang học lớp ba, con út vào lớp một, cho biết: Phụ huynh không nên vội mua ngay sách tham khảo, cứ chờ vào năm học rồi tham khảo ý kiến cô giáo, sau đó mới mua dần. Ngoài ra, khi đi vào hiệu sách, nên hạn chế nghe lời “tư vấn” của nhân viên bán hàng bởi không phải ai cũng hiểu hết về sách học và không ít nhân viên đã tận dụng lợi thế tư vấn viên này để nhặt hết sách vào giỏ cho phụ huynh, nhằm lấy “phần trăm” bán sách.
Có thể nói, cứ mỗi dịp năm học mới đến, lại mang theo những nỗi trăn trở, băn khoăn cho mỗi bậc phụ huynh học sinh. Để có được những niềm vui hân hoan cho trẻ đến trường là cả một nỗ lực lớn. Nhiều trường học, địa phương đã có những giải pháp giảm bớt những khó khăn cho học sinh đến trường. Đơn cử như tại Trường THCS Cao Thắng (Lương Sơn - Hòa Bình) bước vào năm học 2015-2016, có 30 học sinh nghèo, 16 học sinh thuộc diện cận nghèo. Do cuộc sống khó khăn, thiếu thốn cho nên hầu hết những học sinh này có học lực trung bình, chỉ một số em có học lực khá. Trước thềm năm học mới, giáo viên chủ nhiệm các lớp đã vận động phụ huynh học sinh hỗ trợ SGK cũ, vở viết, nhưng đến nay có những em vẫn thiếu SGK. Trong khi đó, Sở GD và ĐT Hà Nội có văn bản gửi Phòng GD và ĐT các quận, huyện về việc thực hiện thu, chi học phí và các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập năm học 2015-2016 nhằm tránh tình trạng lạm thu đầu năm học. Tuy nhiên, không phải ở đâu, lúc nào vấn đề này cũng được thực hiện nghiêm. Gánh nặng tiền trường đầu năm vẫn luôn là nỗi băn khoăn của nhiều gia đình học sinh.
BÀI VÀ ẢNH: QUÝ TÙNG, QUỲNH NGUYỄN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét