Thứ ba, 05/05/2015 - 03:08 AM (GMT+7)
Nhằm khích lệ tinh thần học tập cho học sinh cũng như từng bước đổi mới phương pháp dạy và học, kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia môn Lịch sử năm 2015 do Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tổ chức đã khép lại với kết quả khá ấn tượng. Kỳ thi tuy chưa phản ánh hết vấn đề dạy và học môn Lịch sử ở các trường phổ thông hiện nay nhưng đã tạo cơ hội để các trường trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, khích lệ, cổ vũ niềm đam mê lịch sử dân tộc trong mỗi học sinh.
Kết quả kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia môn Lịch sử đã thể hiện sự quan tâm, động viên, thay đổi phương pháp giảng dạy của các thầy giáo, cô giáo, nhất là sự ý thức, tự giác học tập của học sinh. Vui mừng khi đoạt giải nhất quốc gia môn Lịch sử năm 2015, em Nguyễn Thị Hương, học sinh Trường THPT chuyên Bắc Ninh (Bắc Ninh) chia sẻ: Là thế hệ trẻ, em luôn luôn trau dồi tri thức cũng như trân trọng quá khứ để hướng tới tương lai. Ðối với em, lịch sử không chỉ đơn thuần là một môn học mà đó là sự yêu thích lớn. Tìm hiểu lịch sử giúp em hiểu rõ những mất mát, đau thương của thế hệ đi trước, tự hào về Tổ quốc Việt Nam và thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Không ít người cho rằng, học môn Lịch sử rất "khó vào", nhưng qua trao đổi với em Phạm Hồng Ngọc, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc) đoạt giải nhất quốc gia môn Lịch sử, chúng tôi tin rằng, "gốc" của vấn đề là ở phương pháp học. Phạm Hồng Ngọc cho biết: Ðể học tốt môn Lịch sử cần đọc nhiều sách, bổ sung kiến thức cơ bản vào bài thi. Ðặc biệt, em đã áp dụng phương pháp học theo sơ đồ tư duy kết hợp học thuộc. Khi học các sự kiện, em không học theo cách ghi nhớ máy móc mà coi bài học đó như một câu chuyện và kể lại cho mọi người nghe. Nhiều người cho rằng, cách dạy môn Lịch sử thời gian qua rất nhàm chán nhưng trường em thì không phải vậy. Có một điều thú vị, các bạn học chuyên sử ở trường em phần lớn là các bạn nam. Năm nay, trong tổng số mười bạn tham dự kỳ thi học sinh giỏi có 9 trong số 10 bạn đoạt giải.
Thực tế cho thấy, không phải học sinh nào cũng có niềm đam mê lịch sử và có phương pháp học tốt như Nguyễn Thị Hương, Phạm Hồng Ngọc. Việc dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông những năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế dẫn tới nhiều học sinh không hứng thú học tập, gây ra bức xúc, lo lắng của xã hội. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do chương trình giảng dạy quá nặng với nhiều số liệu, sự kiện khô khan, khó học, khó nhớ. Vì vậy, các trường phổ thông cần thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học, "thổi hồn" cho học sinh niềm đam mê lịch sử dân tộc. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Giang, giáo viên dạy sử, Trường THPT chuyên Sơn La (Sơn La) bày tỏ sự vui mừng khi lần đầu nhà trường có học sinh đoạt giải nhì môn Lịch sử quốc gia năm 2015. Cô cho biết: Ba năm trở lại đây, số lượng học sinh có nguyện vọng học chuyên sử của nhà trường đã tăng lên đáng kể. Ðể đạt được kết quả đó, nhà trường luôn chủ động đổi mới, áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới để học sinh dễ dàng ghi nhớ các sự kiện, hứng thú, chủ động trong học tập. Phương pháp mới hiện nay nhà trường đang áp dụng là hướng dẫn các em những chủ đề, nhiệm vụ của học sinh là chủ động tìm hiểu, sưu tầm tài liệu; thậm chí học sinh có thể đứng trên bục giảng thuyết trình để cô giáo và các bạn cùng nghe. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các buổi chuyên đề nói chuyện lịch sử, mời một số nhà sử học, nhân chứng lịch sử đến nói chuyện trong các giờ ngoại khóa, giờ lịch sử địa phương...
Ðề cập vấn đề học sinh yêu thích môn Lịch sử nhưng chưa chắc các em lựa chọn môn học này để thi. Chia sẻ về thực trạng đáng buồn này, cô Giang mong muốn các trường cần quan tâm hơn nữa, có chính sách tuyên truyền, vận động để học sinh hứng thú học tập. Cô dẫn chứng, đợt một nhà trường tổ chức thi thử THPT quốc gia, môn Lịch sử có rất ít học sinh lựa chọn. Sau khi được giáo viên tư vấn, định hướng, tại đợt thi thử lần hai, số lượng học sinh đăng ký môn học này tăng lên. Tuy nhiên, để học sinh yêu môn Lịch sử, sách giáo khoa được biên soạn trong thời gian tới cần giảm các sự kiện, con số không quan trọng, có điểm nhấn.
Theo Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Vinh Hiển: Việc giáo dục lịch sử đang được xã hội rất quan tâm, chứng tỏ dạy và học môn Lịch sử ở trường phổ thông đang dần được thay đổi, chất lượng dạy học ngày được nâng cao. Kiến thức và các bài học lịch sử là những giá trị lâu dài trường tồn đối với mỗi cá nhân, đối với từng ngành, từng địa phương và cả dân tộc. Môn Lịch sử có ý nghĩa giáo dục rất lớn, nhất là trong bối cảnh đất nước đang đổi mới và hòa nhập. Những em học sinh đoạt giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia môn Lịch sử năm nay không chỉ thể hiện sự yêu thích, đam mê, phương pháp học tập hiệu quả mà còn thể hiện một bản lĩnh vững vàng và nhận thức đúng đắn về lịch sử nhân loại cũng như lịch sử nước nhà. Trong thời gian tới, Bộ GD và ÐT mong muốn các nhà trường cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử cho thật sinh động, hấp dẫn; khơi dậy tinh thần hiếu học, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam cho các em học sinh, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp "Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo GD và ÐT".
"Năm 2015, Quỹ phát triển Sử học Việt Nam tổ chức trao thưởng cho 130 học sinh đoạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, gồm sáu giải nhất, 53 giải nhì, 71 giải ba; trao học bổng cho 127 sinh viên ngành sử thuộc 13 trường đại học trong cả nước".
Nguồn: Bộ GD và ÐT
|
QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét