Chủ nhật, 26/04/2015 - 09:24 PM (GMT+7)
Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015 sẽ diễn ra vào đầu tháng bảy với hai mục đích: xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm căn cứ để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ). Ðây là kỳ thi được cả xã hội kỳ vọng do cách tiếp cận mới của kỳ thi, vì vậy, các sở GD và ÐT, trường ÐH được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi cần bố trí, chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ coi thi, chấm thi; tư vấn, định hướng giúp học sinh lựa chọn môn thi, cụm thi, ôn tập phù hợp, bảo đảm đúng năng lực, nguyện vọng của các em.
Chủ động các phương án tổ chức thi
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều điểm mới, cho nên không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng đối với học sinh, phụ huynh về cách thức tổ chức thi, ôn thi cũng như đăng ký dự thi (ÐKDT). Nhưng xét về bản chất, kỳ thi sẽ đem lại nhiều "lợi ích" cho học sinh và xã hội như: không phải thi nhiều đợt; tiết kiệm ngân sách cho nhà nước và tiết kiệm chi phí của học sinh; coi thi, chấm thi theo cụm giảm áp lực cho các trường ÐH cũng như Sở GD và ÐT các tỉnh, thành phố.
Ðến thời điểm này, nhiều sở GD và ÐT đã cơ bản xây dựng xong các phương án tổ chức thi. Thống kê cho thấy, tổng số thí sinh của Hà Nội và thí sinh một số tỉnh lân cận tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại Thủ đô có khoảng hơn 120 nghìn em. Trong đó, thí sinh của Hà Nội hơn 70 nghìn em; thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp hơn chín nghìn em. Ðể tạo điều kiện cho thí sinh ở các huyện trên địa bàn chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp không phải đi xa, Hà Nội dự kiến mỗi huyện có một điểm thi; những thí sinh chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp ở các quận nội thành sẽ được ghép vào cụm thi do trường ÐH chủ trì. Với cách làm mới này, năm nay mỗi trường ÐH sẽ phụ trách khoảng 14 đến 15 nghìn thí sinh, cho nên quy mô đã giảm so với trước đây, tạo thuận lợi cho các trường trong việc tổ chức thi.
Theo Giám đốc Sở GD và ÐT Hà Nội Nguyễn Hữu Ðộ ý nghĩa nhân văn của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 chính là tạo thuận lợi nhất cho các em học sinh. Vì vậy, Sở đã quán triệt đến tất cả hiệu trưởng các trường phổ thông trên địa bàn tạo điều kiện, chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi. Theo đó, các trường ÐH sẽ không phải thuê địa điểm như mọi năm. Nếu trường phổ thông nào đặt vấn đề thu tiền thuê địa điểm thì trường ÐH chủ trì cụm thi thông báo trực tiếp cho Giám đốc Sở GD và ÐT Hà Nội. Mặt khác, công tác thanh tra, an ninh trật tự, phòng, chống lụt, bão, úng ngập, tắc đường, điện lưới trước, trong thời gian diễn ra kỳ thi cũng được tăng cường và bảo đảm.
Khảo sát tại một số tỉnh miền núi như Sơn La, Ðiện Biên và Cao Bằng, chúng tôi thấy, khoảng 50% số học sinh có nguyện vọng chỉ xét công nhận tốt nghiệp. Số liệu nói trên là "mắt xích" quan trọng trong việc bố trí điểm thi và tổ chức ôn tập cho học sinh phù hợp với năng lực của các em. Hai tỉnh nói trên được bố trí một cụm thi do Trường ÐH Tây Bắc chủ trì. Ðến thời điểm này, công tác ÐKDT, kế hoạch chuẩn bị tổ chức thi tại hai tỉnh miền núi đã tương đối ổn định. Phó Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Sơn La Trương Văn Thắm cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 31 trường THPT, với 8.930 học sinh lớp 12 và gần một nghìn thí sinh tự do. Qua tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, tỉnh Sơn La có 3.979 học sinh đăng ký cụm thi do Trường ÐH Tây Bắc chủ trì, chiếm 41%; 5.254 học sinh đăng ký cụm thi do sở GD và ÐT, chiếm gần 59%.
Phó Trưởng phòng Ðào tạo đại học Trường ÐH Tây Bắc Phan Thanh Hải cho biết: Trong thời gian qua, trường đã chủ động làm việc với lãnh đạo các Sở GD và ÐT tỉnh Sơn La và Ðiện Biên và nắm được sơ bộ số học sinh ÐKDT của hai tỉnh khoảng 7.500 thí sinh. So với tỉnh Sơn La, điểm di chuyển của học sinh tỉnh Ðiện Biên xa hơn, nhưng đều nằm trên trục quốc lộ 6, đường giao thông đi lại thuận lợi. Trong buổi làm việc với Trường ÐH Tây Bắc, đại diện Sở GD và ÐT tỉnh Ðiện Biên thông báo chủ trương sẽ hợp đồng bố trí xe đưa, đón học sinh. Mỗi xe sẽ có từ một đến hai thầy giáo, cô giáo đưa học sinh đi thi, hạn chế việc một học sinh lại kèm theo một phụ huynh, điều này góp phần giảm tải số người tham gia quá trình thi và chi phí thi. Theo kế hoạch dự kiến, tỉnh Sơn La sẽ bố trí 26 điểm thi do Sở GD và ÐT chủ trì tại 12 huyện, cho nên phần lớn các em không phải di chuyển quá xa. Số học sinh đăng ký tại cụm thi do Trường ÐH Tây Bắc chủ trì sẽ được bố trí xe đưa, đón, nơi ăn nghỉ tập trung, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em.
Ða dạng trong lựa chọn môn thi, cụm thi
Chúng tôi đến Trường THPT Ðinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đúng lúc học sinh nhà trường vừa hoàn tất việc ÐKDT. Cô giáo Ðặng Ngọc Trâm, Hiệu trưởng trường cho biết: Không ít học sinh phân vân giữa lựa chọn môn thi xét công nhận tốt nghiệp và môn thi xét tuyển sinh ÐH, CÐ. Sau khi được tư vấn, trong tổng số 304 học sinh lớp 12, nhà trường có khoảng 16% số học sinh lựa chọn cụm thi do Sở GD và ÐT chủ trì, số còn lại các em ÐKDT tại cụm thi do trường ÐH chủ trì. Trong thời gian đăng ký, có một số học sinh thay đổi nguyện vọng từ môn Sinh học sang môn Ðịa lý, nhiều em chọn môn thi của hai khối thi ÐH. Ðiều cô giáo Trâm bày tỏ băn khoăn là theo quy chế thi, thí sinh phải có chứng minh thư nhân dân khi tham dự kỳ thi (những năm trước là thẻ học sinh). Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều học sinh vẫn chưa hoàn tất việc làm Giấy chứng minh nhân dân, cho nên, trong hồ sơ ÐKDT, những học sinh này phải bỏ trống để chờ bổ sung.
Với những điểm mới của kỳ thi năm nay, việc đánh giá lựa chọn môn thi xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh ÐH, CÐ là việc không dễ dàng. Thầy giáo Vũ Thế Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT A Hải Hậu (Nam Ðịnh) chia sẻ: Năm ngoái, Ngoại ngữ là môn thi tự chọn, nhưng năm nay là bắt buộc. Mặt khác, bản chất của kỳ thi cũng thay đổi, cho nên không thể so sánh việc ÐKDT của học sinh. Trong tổng số 625 học sinh lớp 12 của trường, có 15 em có nguyện vọng chỉ xét công nhận tốt nghiệp.
Ðiều đáng chú ý trong việc ÐKDT năm nay là sự góp mặt của không ít học sinh đoạt các giải nhất, nhì, ba quốc gia. Theo quy định, những học sinh đoạt giải nói trên sẽ được tuyển thẳng vào các trường ÐH có ngành, nghề phù hợp với môn các em đoạt giải. Em Lê Mỹ Lan Phương, học sinh lớp 12 Sử, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, TP Ðồng Hới (Quảng Bình) đoạt giải ba quốc gia môn Lịch sử, bộc bạch: Kỳ thi THPT quốc gia năm nay em có nguyện vọng thi vào trường Học viện Cảnh sát nhân dân. Trong hồ sơ em đăng ký năm môn thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử và Ðịa lý. Em muốn thi cùng các bạn để có cơ hội trải nghiệm kỳ thi THPT quốc gia để bản thân cố gắng hơn nữa. Hiện nay em khá vất vả để học các môn còn lại, vì trước đây bản thân chỉ học chuyên môn Lịch sử.
Ðến huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), điều chúng tôi cảm nhận được là điều kiện đi lại của các thầy giáo, cô giáo cũng như học sinh khá vất vả, phần lớn học sinh phải đi từ 30 đến 80 km về trung tâm huyện trọ học. Theo thầy giáo Trương Thái Hà, Hiệu trưởng Trường THPT huyện Quỳnh Nhai, do điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn cho nên có hơn 80% số học sinh lớp 12 ÐKDT với nguyện vọng chỉ xét công nhận tốt nghiệp.
Ðiều dư luận xã hội quan tâm, lo lắng về kỳ thi THPT quốc gia năm nay là cách thức tổ chức, kết quả thật của hai loại cụm thi. Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Ðể tổ chức kỳ thi nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy thì phải làm tốt tất cả các khâu: từ ra đề thi, coi thi, chấm thi, đến xử lý và sử dụng kết quả thi. Ðể bảo đảm tính nghiêm túc và độ tin cậy của kết quả thi, Bộ GD và ÐT tổ chức coi thi, chấm thi thẩm định qua nhiều vòng, chấm chéo. Với các cụm thi do Sở GD và ÐT chủ trì, thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên của sở GD và ÐT như trước đây, Bộ GD và ÐT sẽ tăng cường huy động cán bộ, giảng viên của các trường ÐH, CÐ uy tín tham gia các khâu tổ chức thi. Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tăng cường, nhất là ở khâu coi thi, chấm thi để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm xảy ra, nhằm mục đích thu được kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
BÀI VÀ ẢNH: QUÝ TÙNG, ÐỨC TUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét