Thứ ba, 21/04/2015 - 02:18 AM (GMT+7)
Trước đây, hoạt động nghiên cứu khoa học thường chỉ dành cho sinh viên bậc học đại học và cao đẳng. Việc khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học ở học sinh trung học bị "lãng quên". Từ năm 2012, cuộc thi khoa học, kỹ thuật (KH, KT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (THCS và THPT) được khởi xướng đã khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo KH, KT và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, có tính ứng dụng cao, từng bước hình thành năng lực sáng tạo cho học sinh bậc trung học.
Đến những vùng trung du, miền núi như Hòa Bình, điều dễ nhận thấy là người dân thường làm nhà, đào ao, làm ruộng, làm nương trên các triền đồi. Bước vào mùa khô, cuộc sống người dân luôn trong tình trạng thiếu nguồn nước sinh hoạt và canh tác. Vì vậy, nhiều người phải gùi nước từ suối lên triền đồi để phục vụ sinh hoạt.
Từ những khó khăn, bất cập của người dân trong cuộc sống, hai học sinh lớp 11 Lý, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) đã nghiên cứu, chế tạo thành công "Thiết bị đưa nước suối lên cao dùng sức nước". Em Nguyễn Tuấn Hùng, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ với chúng tôi: Qua quan sát thực tế và tìm hiểu, chúng em nhận thấy, chung quanh các xã: Hòa Bình, Sủ Ngòi, Yên Mông, Thái Bình (TP Hòa Bình); Tây Phong (huyện Cao Phong), Dân Hạ, Độc Lập (huyện Kỳ Sơn) thường có những dòng suối nhỏ chảy dưới chân đồi, lưu lượng và tốc độ dòng chảy có thay đổi theo mùa nhưng nhìn chung dòng chảy duy trì quanh năm. Từ đó, nhóm dự án hình thành suy nghĩ tại sao không dùng chính năng lượng dòng chảy của các con suối để đưa nước lên cao phục vụ người dân.
Qua những nghiên cứu từ thực tiễn và triển khai thực nghiệm, các học sinh nhận thấy có thể dùng ngoại lực bên ngoài để nén nước tạo ra áp suất cao trong khối nước. Từ cơ sở nói trên, các em tiếp tục nghiên cứu việc chuyển hóa chuyển động chảy của dòng nước thành chuyển động quay và từ chuyển động quay biến thành chuyển động tịnh tiến làm píttông chuyển động hút và nén nước trong xi-lanh. Các học sinh trong nhóm dự án đã tìm thấy nguyên tắc chuyển hóa chuyển động quay thành chuyển động tịnh tiến trong sách giáo khoa Vật lý lớp 12, đây là tài liệu bổ ích phục vụ cho việc nghiên cứu của các em.
Vậy là dự án "Thiết bị đưa nước suối lên cao dùng sức nước" chính thức được các học sinh triển khai với cấu tạo gồm: Khung máy, bánh đón nước, trục trung gian, củ bơm, bầu trữ áp, xà đỡ và khuyên định vị.
Kết quả thật bất ngờ, qua các lần thử nghiệm, thiết bị có thể đưa vào phục vụ tại các hộ gia đình sinh sống ven suối, giải quyết được vấn đề cung cấp nước sinh hoạt và nước canh tác cho người dân. Thiết bị có ưu điểm nổi bật là độ cao mực nước khoảng 50 m, phù hợp những vùng có triền đồi cao, chưa có điện.
Nhóm dự án mong muốn nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ để sản phẩm được thiết kế với mô hình lớn hơn, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân. Điều vui mừng hơn cả khi dự án nghiên cứu của các học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình đã đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo KH, KT dành cho học sinh trung học toàn quốc.
Rời Hòa Bình, chúng tôi đến với nhóm học sinh triển khai nghiên cứu tại Vĩnh Phúc, thấy được sự sáng tạo không ngừng của các em.
Điển hình là dự án "Chế tạo rô-bốt ngư dân" của học sinh Trường THCS Hoàng Lâu, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) được đánh giá cao vì giải quyết được những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Em Nguyễn Thị Hồng Nhung, nhóm trưởng cho biết: Xuất phát từ nhu cầu thực tế của gia đình và địa phương thường xuyên phải cho cá ăn, thu dọn vệ sinh ao, hồ và kéo lưới thu hoạch cá mất nhiều thời gian, ảnh hưởng sức khỏe, nhất là dễ mắc các bệnh thấp khớp, nước ăn chân... em đã nghĩ ra ý tưởng và nghiên cứu, chế tạo thành công "dự án chế tạo rô-bốt ngư dân". Mục đích chế tạo rô-bốt nhằm giải phóng sức lao động chân, tay, tránh rủi ro trong quá trình chăm sóc, thu hoạch cá. Qua thử nghiệm, rô-bốt hoạt động được trên diện tích ao khoảng 200 m 2 , dọn vệ sinh sạch khoảng 80%. Ưu điểm của rô-bốt là sử dụng năng lượng mặt trời, được tích điện vào các bình ắc-quy, hoạt động ổn định, giá thành rẻ, dễ tìm, dễ chế tạo, quay tròn được 360 độ, tiến, lùi linh hoạt. Khoảng cách điều khiển từ xa hơn một nghìn mét; khả năng tăng, giảm tốc độ tối đa 10 km/giờ. Nhờ đó, người dân không phải ra giữa ao cho cá ăn, chỉ cần bật công tắc điện và đứng ở một chỗ điều khiển. Khi dọn vệ sinh ao, bật chế độ tự động để rô-bốt làm việc. Khi thu hoạch cá, người dân cũng không phải xuống ao để kéo lưới, chỉ cần ngồi bất cứ đâu đợi rô-bốt kéo lưới vào bờ rồi đưa cá lên. Với những ưu điểm nói trên, dự án "Chế tạo rô-bốt ngư dân" đã giành giải nhì cuộc thi sáng tạo KH, KT dành cho học sinh trung học năm 2015.
Thông kê của Bộ GD và ĐT, hiện nay cả nước có gần năm triệu học sinh trung học là nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Việc khơi dậy niềm đam mê học tập và nghiên cứu khoa học trong mỗi học sinh là cần thiết.
Những cuộc thi KH, KT dành cho học sinh trung học được triển khai từ năm 2012 đến nay đã khơi dậy niềm đam mê và hàng loạt các sáng tạo độc đáo, có tính thực tiễn cao của học sinh trung học. Theo PGS, TS Mai Sỹ Tuấn (Trường đại học Sư phạm Hà Nội), đại diện ban giám khảo cuộc thi nhận xét: Thành công của cuộc thi không chỉ ở số lượng đề tài phong phú mà còn thể hiện qua sự nhiệt tình, tính chủ động, sự say mê nghiên cứu khoa học của học sinh. Một số học sinh THCS dù nhỏ tuổi nhưng đã thể hiện nhiệt huyết trong nghiên cứu, sáng tạo. Theo ban giám khảo, việc chấm dự án của học sinh THCS cũng công bằng giống các dự án khác do người lớn thực hiện.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Nguyễn Vinh Hiển đánh giá: Cuộc thi góp phần đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học. Điều đáng nói, cuộc thi không chỉ dừng lại ở giải thưởng, mà còn là cơ hội kết nối các nhà khoa học trẻ tương lai giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về các dự án nghiên cứu với các bạn cùng lứa tuổi trên khắp năm châu. Đáng chú ý, được sự quan tâm của các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, có 145 dự án được tặng giấy khen, giấy chứng nhận, phần thưởng cho các ý tưởng sáng tạo và sự nỗ lực, cố gắng của các em học sinh; nhiều trường đại học công bố tuyển thẳng học sinh đoạt từ giải ba trở lên vào đại học. Bộ GD và ĐT mong muốn các cơ sở GD và ĐT khuyến khích các học sinh xây dựng các dự án nghiên cứu xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, khơi dậy sự năng động, sáng tạo của các em.
"Năm 2015, toàn quốc có 385 dự án với 16 lĩnh vực, 677 học sinh tham dự. Trong đó, khu vực phía bắc có 34 đơn vị dự thi với 205 dự án của 375 học sinh dự thi. Nội dung các dự án gồm nhiều lĩnh vực: Khoa học động vật; Khoa học xã hội và hành vi; Hóa sinh; Sinh học tế bào và Phân tử; Khoa học máy tính; Khoa học Trái đất và hành tinh...".
(Nguồn: Bộ GD và ĐT)
MAI QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét