17 thg 4, 2018

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học

Thứ Ba, 17/04/2018, 02:22:49
 

Giờ học kỹ năng cứu người bị đuối nước có trình chiếu minh họa tại Trường tiểu học Ðoàn Thị Ðiểm (Hà Nội). Ảnh: QUÝ TÙNG
Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, giảng dạy. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư các trang thiết bị, các trường mầm non, phổ thông chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên; thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy; cập nhật các giải pháp, phần mềm mới để các giờ học trở nên gần gũi, dễ hiểu, tạo hứng thú cho học sinh.
Chia sẻ về kết quả đạt được khi ứng dụng CNTT, cô giáo Ngô Thị Hồng Liên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ) khẳng định, nếu như trước đây, khi cần thông tin về một học sinh nào đó, ban giám hiệu nhà trường phải yêu cầu văn thư, giáo viên tra thông tin viết tay mất khá nhiều thời gian. Từ khi nhà trường sử dụng sổ điểm điện tử, hệ thống theo dõi hồ sơ, thông tin học sinh, kết quả học tập, rèn luyện được lưu trữ trên hệ thống máy tính.
Với cách lưu trữ khoa học, chỉ một cú nhấp chuột, mọi thông tin về bất cứ học sinh nào cũng được tìm thấy một cách dễ dàng và nhanh chóng. Việc cung cấp thông tin định kỳ về hạnh kiểm, kết quả học tập hằng tháng của học sinh được gửi đúng hạn thông qua các phần mềm, hòm thư điện tử…, giúp phụ huynh nắm bắt thông tin nhanh và chính xác về con em mình, cho nên cha mẹ học sinh thêm tin tưởng vào sự giáo dục của nhà trường.
Tại Trường tiểu học Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ), cô giáo Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, cũng như một số môn học khác, để nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử (lớp 5), nhà trường có giải pháp tạo hứng thú cho học sinh thông qua bài tập trắc nghiệm, soạn thảo trên phần mềm violet. Ðể học sinh có thể khắc sâu kiến thức lịch sử, đòi hỏi trong mỗi giờ dạy giáo viên phải luôn đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học, tạo hứng thú cho các em “học mà chơi - chơi mà học”. Từ đó, học sinh yêu thích môn học, thích thú khi được khám phá lịch sử, giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Ðể đạt được điều đó, giáo viên có thể sử dụng bài tập trắc nghiệm, trò chơi trong nhiều thời điểm khác nhau của tiết học như: dẫn dắt vào bài để gây hứng thú học tập, tìm hiểu bài hay, củng cố sâu kiến thức. Với học sinh tiểu học, một tiết học được bắt đầu vui nhộn, bất ngờ bao giờ cũng tạo được tâm thế học tập tốt và thu được kết quả cao.
Tuy nhiên, không phải trường mầm non, phổ thông nào trên địa bàn Hà Nội cũng ứng dụng CNTT vào công tác, quản lý, giảng dạy hiệu quả. Cô giáo Ðồng Thị Mạnh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Sơn (huyện Mỹ Ðức) nêu thực trạng: Trình độ tin học của đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường còn hạn chế và không đồng đều. Mặt khác, phương pháp dạy học theo kiểu cũ như một lối mòn khó thay đổi. Việc sử dụng CNTT để đổi mới phương pháp dạy học chưa được nghiên cứu kỹ, dẫn đến việc ứng dụng không đúng chỗ, không đúng lúc, đôi khi giáo viên còn lạm dụng việc này.
Trong khi đó, một số giáo viên còn yếu về kỹ năng khai thác nguồn tư liệu trên mạng in-tơ-net. Tại Trường tiểu học Phù Lỗ A (huyện Sóc Sơn), ở cấp quản lý, do lớn tuổi, hạn chế kiến thức về tin học và kỹ năng sử dụng, cho nên việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động của nhà trường chưa áp dụng được nhiều lĩnh vực. Mặt khác, tư duy của một số giáo viên chưa sáng tạo; kết hợp lời giảng với trình chiếu của mỗi slide chưa phù hợp; sử dụng các phần mềm đa phương tiện như: power point, violet, lecture maker… chưa thành thạo, linh hoạt.
TS Ðặng Văn Sơn, Học viện Sáng tạo S3 cho rằng, ứng dụng CNTT trong giáo dục không chỉ là việc trang bị những chiếc máy tính bảng thay cho sách giáo khoa, hay máy chiếu thay cho bảng đen, mà còn bảo đảm sự đồng nhất và tính bền vững. Vì vậy, ứng dụng CNTT cần bảo đảm các yếu tố như: Quản lý giáo dục bằng công nghệ, trang thiết bị bảo đảm việc ứng dụng công nghệ trong dạy học, đào tạo con người để sẵn sàng thích ứng với công nghệ mới… Chỉ khi làm tốt các việc nêu trên thì việc ứng dụng CNTT trong giáo dục mới phát huy tốt vai trò và đạt hiệu quả mong muốn.
Thực tế hiện nay, việc ứng dụng CNTT trong giáo dục thường chỉ chú trọng trang thiết bị trong khi việc đào tạo con người thường rất sơ sài, chương trình học ít cải tiến. Ðiều này dẫn đến thực trạng giáo viên không sử dụng được hết các ứng dụng của trang thiết bị. Trong xu thế giáo dục 4.0, giáo viên không chỉ dạy những gì mình có, mà phải dạy những gì học sinh cần cho tương lai. Yêu cầu này đòi hỏi giáo viên phải liên tục cập nhật kiến thức và đào tạo lại hằng năm. Ðồng thời thường xuyên phải được đánh giá để loại bỏ những người không đủ năng lực.
Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, để CNTT hỗ trợ hữu hiệu cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả người sử dụng phải, am hiểu, có kỹ năng sử dụng thành thạo trong những hoàn cảnh và hoạt động giáo dục cụ thể. Tiềm năng của CNTT phục vụ cho hoạt động Giáo dục và Ðào tạo là vô cùng lớn.Tuy nhiên, dù công nghệ có hiện đại đến đâu, thì yếu tố quyết định đến hiệu quả khi sử dụng CNTT vẫn là yếu tố con người. Vì vậy, thời gian tới, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội tiếp tục tham mưu lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác quản lý, dạy học; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; đánh giá, tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ thỏa đáng đối với những giáo viên có nhiều thành tích ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy.
NGUYỄN THỊ HỒNG XUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét