27 thg 7, 2011

Hà Nam áp dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật lúc 09:14, Thứ năm, 30/07/2009 (GMT+7)

Máy gặt đập liên hoàn giúp nông dân giảm 50% chi phí, công sức.  
 
ND - Do thời tiết thất thường, nhiều năm trước sản xuất nông nghiệp ở Hà Nam bị ảnh hưởng nặng nề, có vụ người nông dân "trắng tay" trên thửa ruộng của mình. Từ năm 2007, được sự chỉ đạo và trợ giúp của các ngành chức năng, sản xuất nông nghiệp ở Hà Nam đã chuyển đổi giống và cơ cấu mùa vụ để thích ứng với địa hình và thời tiết.
Vụ đông xuân vừa qua, tỉnh Hà Nam cơ bản chuyển đổi cơ cấu giống sang lúa xuân muộn (gieo mạ từ ngày 25-1 đến 10-2) và đưa những giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống sâu bệnh và chịu rét tốt trồng trên diện rộng. Sau quá trình chăm sóc, từ mồng 1-5 đến mồng 10-5, toàn bộ diện tích lúa lai, lúa chất lượng trên địa bàn tỉnh đồng loạt trỗ bông, đạt 96,4% (hơn 34 nghìn ha) diện tích toàn tỉnh. Từ khi áp dụng cơ cấu mùa vụ, gieo cấy cùng thời điểm, chăm sóc đúng kỹ thuật, trong thời tiết thất thường nhưng nhiều huyện như Thanh Liêm, Kim Bảng... năng suất lúa ổn định và tăng lên năm sau cao hơn năm trước, từ 59,8 tạ/ha (năm 2007) lên 63,4 tạ/ha (năm 2008). Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nam Nguyễn Thị Vang cho biết: Từ những kết quả đạt được, tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chuyển đổi vụ mùa như trước đây sang vụ mùa sớm. Năm 2009, vụ mùa chuyển  60,8% diện tích. Lúa mùa sớm năng suất không những tăng mà người dân còn có diện tích trồng sớm cây vụ đông khi đã thu hoạch lúa vụ mùa.
Ở vụ xuân, diện tích gieo cấy lúa lai trên toàn tỉnh đạt 56% và vụ mùa là 20%. Việc đưa những giống lúa lai gieo cấy ở vụ xuân nhiều hơn ở vụ mùa là do thời tiết vụ xuân thuận lợi, mở rộng diện tích vụ này đồng nghĩa với việc năng suất, chất lượng lúa cao hơn. Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong thâm canh tổng hợp; như bón phân cân đối giữa phân đa lượng và phân vi lượng, tùy thuộc vào từng chân đất, giống lúa, thời vụ. Ngoài ra, hằng năm Sở NN&PTNT thường xuyên xuống cơ sở hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ở những ruộng lúa bà con nông dân sử dụng phân lân tổng hợp (NPK) cho thấy năng suất lúa tăng hơn so với trước đây. Hằng năm, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng các mô hình cây trồng mới ở những vùng sinh thái khác nhau, từ đó đúc rút kinh nghiệm, phổ biến kiến thức cho nông dân trước khi đưa ra cấy đại trà.
Huyện Duy Tiên được coi là vùng đất có độ phì nhiêu cao, có truyền thống thâm canh và có nhiều công ty giống đóng trên địa bàn nên có điều kiện ứng dụng giống và công nghệ mới vào sản xuất. Ðể giảm bớt thời gian lao động cho nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng lúa, từ năm 2007, một số huyện trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công cụ gieo sạ. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, vụ xuân vừa qua Hà Nam đã gieo sạ được 1.500 ha, năng suất lúa gieo sạ bằng công cụ cao hơn lúa cấy từ 10 đến 15%. Ðây là kết quả thực tiễn để mở rộng diện tích cho những năm sau. Hai huyện sử dụng công cụ gieo sạ nhiều nhất hiện nay là Bình Lục và Thanh Liêm, chiếm khoảng 30% diện tích cấy lúa trên toàn tỉnh. Năm 2007 Hà Nam gieo sạ 20 ha, sang năm 2008, diện tích gieo sạ tăng lên hơn một nghìn ha. Ðiều này khẳng định áp dụng công cụ gieo sạ ở Hà Nam bước đầu có hiệu quả, tạo niềm tin cho nông dân ở các huyện.
Bắt đầu từ vụ xuân năm nay, Hà Nam nhập bốn máy gặt đập liên hợp. Ðây là công nghệ của Trung Quốc, giá 150 triệu đồng trên chiếc. Từ khi ứng dụng công nghệ khi thu hoạch, người dân đã giảm bớt công lao động, giảm 50% chi phí so với thuê nhân công gặt rồi tuốt. Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT nhẩm tính: Như trước đây, nông dân thu hoạch một sào lúa nếu gặt bằng tay phải chi phí hết 130 nghìn đồng tiền công, bây giờ cũng cùng diện tích nhưng họ chỉ mất 75 nghìn, nếu gặt nhiều, đại trà họ còn được giảm giá. Khi máy gặt, tuốt lúa xong nhiều nông dân cho biết, nhìn rất sạch sẽ, không bị vỡ hạt. Vụ xuân 2009, tại thôn Vi Hạ (Trung Lương - Bình Lục), máy gặt liên hợp đã gặt được hơn 100 ha.
Bài và ảnh: Mai Quý Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét