Thứ ba, 30/12/2014 - 10:49 PM (GMT+7)
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT), nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Những năm vừa qua công tác này đã góp phần mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh và cộng đồng. Tuy nhiên, việc xây dựng trường đạt CQG đã gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Xây dựng trường đạt CQG theo năm tiêu chuẩn
Những ngày cuối năm 2014, chúng tôi cùng đoàn cán bộ của Sở GD và ĐT Hà Nội về kiểm tra tiến độ xây dựng trường đạt CQG tại thị xã Sơn Tây, huyện Thanh Oai và huyện Chương Mỹ. Đồng chí Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội, trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Trường được công nhận đạt CQG khi đạt năm tiêu chuẩn: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất, trang, thiết bị trường học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Một số trường tiểu học như: Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ), Xuân Dương (Thanh Oai), Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn về trường đạt CQG. Ba trường nêu trên được đầu tư xây dựng khang trang, có khuôn viên rộng, thoáng mát, nhiều cây xanh; có tường xây bao quanh, biển, cổng trường đúng quy cách; có khu nhà đa năng đáp ứng yêu cầu các hoạt động giáo dục. Nhà trường bảo đảm mỗi lớp có một phòng học riêng, các phòng đều được trang bị bàn, ghế, bảng, đèn chiếu sáng đúng quy cách. Các phòng học chuyên môn, chuyên biệt như: Ấm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Tin học đạt yêu cầu với diện tích hơn 70 m2; phòng Thư viện được xây dựng hiện đại, có nhiều trang, thiết bị, sách giáo khoa, truyện, báo, tài liệu tham khảo...
Đề cập tiến độ xây dựng các trường đạt CQG trên địa bàn Thủ đô, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết: Năm 2013, Hà Nội có thêm 134 trường được công nhận đạt CQG. Năm 2014, thành phố có khoảng 120 trường mới đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu 20 trường. Đạt kết quả khả quan là nhờ sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội. Đến nay, Hà Nội đã xóa hơn sáu nghìn phòng học tạm, phòng học cấp bốn xuống cấp, thay bằng các phòng học khang trang đủ tiêu chuẩn với tổng kinh phí hơn hai nghìn tỷ đồng. Từ năm 2012 đến nay, thành phố luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch công nhận trường đạt CQG (bình quân mỗi năm có hơn 100 trường được công nhận mới). Tính đến cuối năm 2014, Hà Nội có 995 trong tổng số 2.068 trường công lập đạt CQG, chiếm tỷ lệ 48,1%. Dự kiến đết hết năm 2015, có thêm khoảng 100 trường đạt CQG, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội đề ra là có 50 đến 55% trường công lập đạt CQG.
Các giáo viên ở Trường tiểu học số 1 Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, mười năm trước, Bảo Ninh là "vùng sâu" của TP Đồng Hới, bị ngăn cách bởi sông Nhật Lệ. Chưa có cầu, đường, hằng ngày học sinh phải đi bộ trên cát bỏng đến trường. Cô giáo Đặng Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư khang trang, điều kiện dạy và học cũng như chất lượng giáo dục đã tăng lên đáng kể. Năm 2001, trường được công nhận đạt CQG mức độ một, năm 2009, được công nhận đạt chuẩn mức độ hai. Tháng 6-2014, trường được công nhận đạt chuẩn mức độ hai lần thứ hai.
Tính đến tháng 12-2014, tỉnh Quảng Bình có 146 trong số 207 trường tiểu học đạt CQG, trong đó có 113 trường đạt chuẩn mức độ một và 33 trường đạt chuẩn mức độ hai; 67 trong số 165 trường THCS và 11 trong số 33 trường THPT đạt CQG. Giám đốc Sở GD và ĐT Quảng Bình Đoàn Đức Liêm nhận xét: Để được công nhận trường đạt CQG cần có thời gian và phải huy động được sự vào cuộc của cả cộng đồng. Nơi nào có sự quan tâm, tạo điều kiện tốt của cấp ủy, chính quyền, sự đoàn kết, chung sức chung lòng của tập thể sư phạm thì trường học nơi đó sớm đạt danh hiệu.
Tránh "nợ" tiêu chuẩn trường đạt CQG
Được công nhận đạt chuẩn đã khó, việc giữ danh hiệu còn khó hơn. Theo quy định, trường đạt CQG sau 5 năm phải công nhận lại. Thầy giáo Trần Đại Nghĩa, cán bộ Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD và ĐT Quảng Bình cho rằng, thực tế vẫn có một số trường đạt CQG nhưng tính thuyết phục chưa cao do phòng học cũ, khuôn viên chưa thật sự xanh - sạch - đẹp. Theo cô giáo Hồ Thị Hồng Hà, Trường phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD và ĐT Quảng Bình, mỗi năm, sở tổ chức hai đợt kiểm tra trường đạt CQG. Qua kiểm tra trong hai năm gần đây, có năm trường tiểu học không giữ được danh hiệu; có trường giữa năm kiểm tra không đạt, nhưng qua nhắc nhở, cuối năm đạt chuẩn trở lại... Quảng Bình thường xuyên chịu thiên tai, bão lũ, tính riêng cơn bão số 10 năm 2013, nhiều trường học đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, những trường đã đăng ký xây dựng trường CQG buộc phải lùi lại, một số trường đến hạn công nhận lại cũng không dám đề nghị do chưa khắc phục được thiệt hại về cơ sở vật chất.
Khi kiểm tra tại Trường tiểu học Cao Dương (Thanh Oai), chúng tôi và đoàn công tác của Sở GD và ĐT Hà Nội đều "ngao ngán" vì nhà trường còn ngổn ngang đất cát, vật liệu xây dựng, chưa có tường bao... Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra "phát hiện" nhà trường còn thiếu giáo viên (nhiều giáo viên hợp đồng), chưa có góc công khai (nơi cung cấp thông tin việc thu, chi và hoạt động giáo dục để phụ huynh, học sinh theo dõi), thiếu nhân viên bảo vệ. Chủ tịch UBND xã Cao Dương Đinh Hữu Bình mong muốn Sở GD và ĐT Hà Nội tạo điều kiện công nhận trường đạt CQG vì Nghị quyết của HĐND xã về xây dựng nông thôn mới nêu rõ, xã phải bảo đảm có trường mầm non, tiểu học và THCS đạt CQG. Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội khẳng định, Trường tiểu học Cao Dương chưa đủ điều kiện để công nhận trường đạt CQG trong năm 2014.
Tại quận Tây Hồ và huyện Thanh Trì (Hà Nội), khi xây dựng trường CQG cũng gặp phải một số khó khăn do vướng Luật Đê điều. Người dân ở hai quận, huyện này đang sinh sống ngoài đê, trong khi Luật Đê điều không cho phép xây trường kiên cố, cao tầng, mà trường học cấp bốn thì không đủ điều kiện công nhận đạt CQG.
Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết thêm: Thực tế, nhiều trường công lập ở các quận của Hà Nội chỉ đáp ứng được hơn 65% nhu cầu người học, số học sinh còn lại buộc phải học tập tại các trường ngoài công lập. Nguyên nhân là do dân số cơ học tăng nhanh, trường học xây mới còn ít, riêng cấp mầm non hằng năm tăng 28 nghìn trẻ là áp lực không nhỏ đối với ngành giáo dục Thủ đô. Để đủ điều kiện được công nhận đạt CQG, TP Hà Nội đã xin ý kiến Chính phủ cho phép nâng tầng các trường học, nhất là cấp mầm non. Đối với các huyện khó khăn về kinh phí, Sở GD và ĐT Hà Nội đã tham mưu với thành phố "rót" thêm kinh phí và có kế hoạch xóa phòng học tạm, phòng học cấp bốn, cải tạo hệ thống chiếu sáng học đường, chương trình vệ sinh nước sạch...
Bên cạnh việc công nhận mới trường đạt CQG, Sở GD và ĐT Hà Nội cũng thành lập đoàn kiểm tra công nhận lại trường đạt CQG. Việc công nhận lại trường đạt CQG về cơ bản trình tự, thủ tục như công nhận mới, tuy nhiên có thêm tiêu chí về phòng bộ môn. Bà Phạm Thị Hồng Nga khẳng định, việc kiểm tra công nhận trường đạt CQG của Hà Nội được đánh giá nghiêm túc, đúng quy trình; Sở GD và ĐT Hà Nội kiên quyết không cho các trường "nợ" tiêu chí, tiêu chuẩn "khó đòi" chỉ vì "bệnh thành tích". Các trường chưa đủ điều kiện năm nay thì cố gắng hoàn thiện để công nhận trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Ở các địa phương, việc xây dựng trường đạt CQG là một trong những tiêu chí quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, một số người dân ở xã Quang Sơn (Đô Lương, Nghệ An) và xã Hương Bình (Hương Khê, Hà Tĩnh) do hạn chế về nhận thức đã phản đối chủ trương sáp nhập điểm trường lẻ về điểm trường chính, dẫn tới hàng trăm học sinh từ cấp mầm non đến THCS nhiều tháng liên tục không được tới trường. Qua tuyên truyền, phụ huynh học sinh đã hiểu việc sáp nhập trường là cần thiết vì bảo đảm cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên. Đến nay, học sinh ở các xã nêu trên đã tới đi học trở lại trong ngôi trường khang trang, kiên cố.
Việc xây dựng trường đạt CQG còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ trong thời gian tới. Với sự nỗ lực của ngành giáo dục, sự ủng hộ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền các cấp, của gia đình học sinh, tin rằng chủ trương chiến lược này sẽ sớm hoàn thành.
Năm học 2013-2014, cả nước có thêm 658 trường mầm non, 449 trường tiểu học, 416 trường THCS, 98 trường THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Các tỉnh có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Dương...
|
QUÝ TÙNG VÀ HƯƠNG GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét