5 thg 1, 2015

Trải nghiệm và sáng tạo về giáo dục môi trường cho học sinh phổ thông

Thứ ba, 06/01/2015 - 01:50 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành tham quan Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội).
Học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành tham quan Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội).

Trước thực trạng tài nguyên rừng của nước ta bị tàn phá nghiêm trọng, thời gian qua, Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam (thuộc Viện Điều tra, Quy hoạch rừng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ động phối hợp nhiều trường tiểu học, THCS và THPT ở một số tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động trải nghiệm và sáng tạo về giáo dục môi trường nhằm nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ thiên nhiên và môi trường cho học sinh.
Để việc triển khai hoạt động nói trên hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành "khung chương trình cũng như kế hoạch giảng dạy" cho các trường phổ thông.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Viện trưởng Điều tra, Quy hoạch rừng Nguyễn Nghĩa Biên cho biết: Những năm qua, Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam đã và đang nỗ lực từng bước đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường đến các nhóm đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên. Bảo tàng đã xây dựng được các mô hình giáo dục bảo vệ môi trường cho các đối tượng học sinh từ bậc tiểu học đến THPT; lồng ghép, kết hợp một số mô hình để "học đi đôi với hành" cho học sinh. Các em học sinh đến với bảo tàng được thỏa sức làm các thí nghiệm, được trải nghiệm thực tế mà trước đây các em chỉ được nghe lý thuyết ở nhà trường hoặc xem qua tranh, ảnh.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) Nguyễn Thị Điệp, chia sẻ: Hằng năm, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Đến với Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam, các em đã có những trải nghiệm thật sự bổ ích; được tham quan bộ mẫu vật về động vật, thực vật, em nào cũng tỏ ra thích thú. Thông qua các bài giảng ở trường và đi thực tế trải nghiệm, học sinh đã hiểu được một trong những vai trò quan trọng của rừng là chống xói mòn, hạn chế lũ lụt.
Các em cũng hiểu hơn về tác dụng của cây rừng: "Rừng là vệ sĩ của loài người, rừng là chiếc ô bảo vệ mặt đất". Học sinh nào cũng muốn được thực hành, thí nghiệm trực tiếp.
Qua quan sát, đại diện nhóm làm thí nghiệm đã đưa ra được các nhận xét chính xác: Lá cây là vật cản lớn giảm tốc độ dòng chảy, nước không trực tiếp xối xuống mặt đất mà dội qua lá cây. Vì vậy, nước chảy ra ở mô hình đất có rừng rất trong, còn mô hình đất không có cây cối nước xối xuống mang theo đất dẫn đến nước có mầu đục, học sinh gọi vui đó là "sữa mi-lô".
Học sinh ở Ninh Bình cũng có nhiều hoạt động trải nghiệm, sáng tạo thông qua các trò chơi, bài tập thu hoạch. Hiệu trưởng Trường tiểu học Thiên Tôn (Hoa Lư, Ninh Bình) Nguyễn Thị Thanh Loan, cho biết đặc biệt ấn tượng với bài thu hoạch của em Lê Mai Anh, lớp 5A sau khi đi thực tế. Lê Mai Anh viết: "Sau khi tìm hiểu về Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam, điều em cảm nhận được là rừng có nhiều cây cối, hoa lá và động vật phong phú. Các loài động vật quý hiếm như: Voi, hổ, báo cũng như các loài chim; nhiều loài côn trùng như kiến, bướm. Em biết rừng có vai trò to lớn đối với đời sống và sản xuất của người. Rừng cho ta nhiều sản vật quý hiếm, nhất là gỗ. Rừng còn điều hòa khí hậu, hạn chế nước lũ và chống xói mòn đất. Vì vậy, chúng ta cần bảo vệ rừng và trồng rừng.
Chúng ta cần khuyên mọi người không săn bắt thú rừng; bắt những người phá hoại rừng để đưa lên công an".
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành, cho biết: Hội nghị T.Ư 8 khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát của đổi mới là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy tốt tiềm năng của mỗi cá nhân... Đáng chú ý, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, kế hoạch giáo dục có bao gồm các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Mục đích chính là giúp hình thành và phát triển những phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị, kỹ năng sống và những kỹ năng chung cần có ở con người trong xã hội hiện đại; với hình thức tổ chức đa dạng, phong phú, mềm dẻo, linh hoạt để học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm. Theo đó, chương trình trải nghiệm và sáng tạo cấp tiểu học và THCS chú trọng nhấn mạnh cảm xúc và ý tưởng sáng tạo; cấp THPT phát triển công dân toàn cầu có suy nghĩ sáng tạo.
Trải nghiệm và sáng tạo ở các trường phổ thông gồm bốn nhóm hoạt động chính: Hoạt động tự chủ (thích ứng, tự chủ, tổ chức sự kiện, sáng tạo độc lập); hoạt động câu lạc bộ (hội thanh niên, văn hóa nghệ thuật, thể thao, thực tập siêng năng); hoạt động tình nguyện (chia sẻ, quan tâm tới hàng xóm láng giềng và những người chung quanh, bảo vệ môi trường); hoạt động định hướng (tìm hiểu thông tin về hướng phát triển tương lai, tìm hiểu bản thân). Những hoạt động nói trên các trường phổ thông có thể lựa chọn và tổ chức thực hiện một cách linh động sao cho phù hợp với đặc điểm của học sinh ở các cấp học, khối học, nhà trường và điều kiện địa phương.
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng bài bản chương trình, kế hoạch hoạt động trải nghiệm, sáng tạo về giáo dục môi trường không chỉ cho học sinh ở Hà Nội, Ninh Bình mà rộng hơn là học sinh cả nước. Đáng chú ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức đa dạng các hình thức trải nghiệm và sáng tạo về giáo dục môi trường cho học sinh; xây dựng môi trường trải nghiệm phù hợp theo chương trình học từ cấp tiểu học đến THPT; đồng thời, phối hợp chương trình đổi mới sách giáo khoa để cung cấp những hình ảnh về tài nguyên rừng làm tư liệu học tập cho học sinh, góp phần đổi mới phương pháp giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra.
LONG THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét