Thứ ba, 16/12/2014 - 02:45 AM (GMT+7)
Trước yêu cầu của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông, áp dụng từ năm học 2018-2019, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) cần đào tạo bài bản đội ngũ viết CT, SGK; đặc biệt tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, giáo viên; đổi mới CT giảng dạy ở các trường đại học sư phạm và phát triển cơ sở vật chất trường học.
Vấn đề đổi mới CT, SGK sau khi được Quốc hội thông qua bước đầu tạo được cơ sở pháp lý và thống nhất được những nét lớn. Tuy nhiên, việc thiết kế CT, SGK cho các môn học cụ thể trong thời gian tới là những nhiệm vụ rất nặng nề.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, TS Bùi Minh Ðức, Chủ nhiệm bộ môn phương pháp dạy học (Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2) cho biết, rất vui mừng khi Quốc hội thông qua Ðề án đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông. Quyết định này cho thấy cơ quan quyền lực cao nhất cả nước, những vị đại biểu công tâm, có trách nhiệm và hiểu biết đã đồng tình, ủng hộ ngành giáo dục trong những nỗ lực đổi mới nhằm nâng cao chất lượng GD và ÐT, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Thực tế cho thấy, CT, SGK hiện hành cũng có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Song, nếu nhìn ra thế giới, nhất là những nước có nền kinh tế, văn hóa và giáo dục phát triển thì sẽ thấy nhu cầu cần phải đổi mới CT, SGK là cấp thiết.
TS Bùi Minh Ðức đã tham gia viết sách tham khảo và các tài liệu bồi dưỡng giáo viên trong nhiều năm, hiện tại đã và đang tham gia viết SGK mô hình trường học mới. TS Bùi Minh Ðức cho biết, SGK là tài liệu dạy học quan trọng nhưng nhiều giáo viên chưa có khả năng linh hoạt, sáng tạo trong việc tìm kiếm, khai thác các nội dung giảng dạy ngoài sách, cho nên SGK vẫn là cơ sở chính để dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá học sinh. TS Bùi Minh Ðức khẳng định: Chúng ta có nhiều chuyên gia giỏi nhưng viết sách không chỉ cần giỏi khoa học cơ bản mà còn am hiểu khoa học sư phạm với những yêu cầu đặc thù về quy luật dạy học, quy luật tâm lý, quy luật nhận thức... Làm SGK được ví như "làm dâu trăm họ". Người khen có, kẻ chê cũng không ít. Là người viết sách, chúng tôi luôn cầu thị, lắng nghe những ý kiến chân thành, đúng đắn, mang tính xây dựng.
Ðề cập vấn đề "Sách giáo khoa hiện hành chưa bám sát hơi thở cuộc sống, còn khô khan, không tạo nhiều hứng thú cho người dạy, người học; chưa chú trọng tới sự phát triển năng lực, tư duy, phẩm chất người học", TS Bùi Minh Ðức cho rằng điều này không hoàn toàn đúng. Sự thật là các bộ SGK trước đây cũng đã có những phần được biên soạn tốt, bám sát cuộc sống, hấp dẫn, tạo hứng thú cho người dạy, người học. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn và xu thế đổi mới giáo dục thì SGK đang sử dụng trong các nhà trường còn bộc lộ nhiều hạn chế như, thiên về kiến thức hàn lâm, nặng lý thuyết, ít thực hành, thực hành giả định; chủ yếu là luyện tập củng cố kiến thức chứ không phải là thực hành vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống. Vì vậy mới cần phải thay đổi.
Ðể thực hiện được những yêu cầu nói trên, TS Bùi Minh Ðức cho rằng, một trong những việc đầu tiên là phải xây dựng được một CT tốt. CT này phải được thiết kế một cách hệ thống, khoa học và bám sát định hướng hình thành và phát triển năng lực người học. Từ CT mới tiến đến việc viết, biên soạn SGK. Thế nên, bên cạnh việc điều tra thực tiễn, những tham chiếu nước ngoài..., Bộ GD và ÐT cần thực hiện một quy trình ngược. Tức là hãy xem xã hội đang cần ở một người mới tốt nghiệp đại học những năng lực gì (gồm năng lực chung và riêng); các trường đại học, cao đẳng đang cần ở học sinh phổ thông những năng lực gì để tiếp tục đào tạo về nghề nghiệp. Từ đó, sẽ xác định hệ thống năng lực cho học sinh.
Ðiều quan trọng trong đổi mới CT, SGK là lựa chọn và bồi dưỡng càng sớm càng tốt đội ngũ viết sách với chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Ðội ngũ này không chỉ giàu nhiệt huyết mà còn phải am tường các chuyên môn cơ bản, có hiểu biết về khoa học sư phạm, nhất là đã "thấm nhuần tư tưởng", định hướng viết sách. Ở mỗi một bộ môn phải có tổng chủ biên, chủ biên từng cấp học. Như vậy, sự chỉ đạo, điều hành sẽ mang tính hệ thống, nhất quán từ dưới lên trên, tránh được sự trùng lặp như ở cấp dưới, lớp dưới khó hơn cấp trên, lớp trên như đã từng xảy ra. Bên cạnh đó, Bộ GD và ÐT cần tổ chức những trại viết sách, tập trung các nhà khoa học, chuyên gia trong một khoảng thời gian nhất định để họ toàn tâm, toàn ý cho công việc này. Cùng với bộ SGK do Bộ GD và ÐT chỉ đạo tổ chức biên soạn, cần khuyến khích các sở GD và ÐT tổ chức để giáo viên cùng tham gia viết sách. Bởi vì, các sở GD và ÐT là đơn vị hiểu rõ hơn ai hết đặc điểm giáo dục tại địa phương mình. Cái gì thiết thực, phù hợp, cái gì cần phải bổ sung, nâng cao trên mặt bằng dân trí... Theo đó, các sở GD và ÐT sẽ căn cứ vào CT giáo dục phổ thông quốc gia, căn cứ vào thực tiễn địa phương ký hợp đồng biên soạn sách với các nhóm chuyên gia để xây dựng SGK cho tỉnh mình. Tất nhiên, những bộ sách này phải được thẩm định công khai, khách quan, khoa học bởi Hội đồng thẩm định quốc gia độc lập. TS Bùi Minh Ðức kiến nghị: Bộ GD và ÐT cần khẩn trương tiến hành một CT đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên ở những bộ môn cơ bản, quan trọng để giúp người dạy có thể làm quen, bắt nhịp, thực hiện hiệu quả CT, SGK mới.
PGS, TS Bùi Mạnh Hùng (Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) cho biết: Lần trước, tôi có tham gia viết SGK THCS và thẩm định SGK THPT, trong đó bao gồm nhiều sách và tài liệu tham khảo. Khi đó tôi gặp phải không ít khó khăn, nhất là thời gian soạn sách ngắn, tiến độ gấp; CT chưa thật sự được hoàn thiện khi bắt tay viết SGK; SGK ba cấp học thiếu sự kết nối. Tôi cũng như các đồng nghiệp tham gia viết sách với niềm vui được Bộ GD và ÐT và đồng nghiệp tín nhiệm, cảm thấy mình đang làm một công việc hệ trọng đối với xã hội và thế hệ trẻ. Không mấy ai nghĩ tham gia viết sách để nhận được chính sách đãi ngộ. Tuy nhiên, nếu chế độ đãi ngộ phù hợp hơn thì sẽ thu hút được nhiều người có năng lực tham gia viết sách, toàn tâm toàn ý hơn với công việc. Sắp tới, Bộ GD và ÐT sẽ thành lập các tiểu ban xây dựng CT, biên soạn SGK, thẩm định CT và thẩm định SGK. PGS, TS Bùi Mạnh Hùng mong muốn có dịp tham gia vào một trong những tiểu ban đó.
Theo PGS, TS Bùi Mạnh Hùng, trong khoảng năm năm đầu sau khi bộ SGK mới được đưa vào nhà trường, chắc chắn chưa có nhiều SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn được lưu hành. Bộ GD và ÐT dự kiến có khoảng bốn bộ sách, đó là một dự kiến khá lạc quan. Có nhiều khả năng là một số tổ chức sẽ biên soạn SGK cho một đến hai môn học, dùng cho một hoặc nhiều cấp học, chứ không thể có nhiều bộ sách hoàn chỉnh. Trước mắt, chúng ta nên tập trung biên soạn một đến hai bộ sách thật tốt, tiếp thu được kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Khi các nhà giáo đã làm quen với mô hình SGK mới thì chắc sẽ có nhiều bộ sách hơn và hay hơn nhờ tham khảo được các bộ sách "dò đường" và khai thác được trí tuệ của nhiều người đang "ẩn mình".
MAI QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét