Thứ sáu, 19/12/2014 - 02:17 AM (GMT+7)
Chiều 18-12, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã tổ chức họp công bố dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) hệ chính quy. Nhiều vấn đề liên quan đến những đổi mới của kỳ thi và công tác tuyển sinh từ năm 2015 được làm rõ. Theo dự thảo, việc tổ chức các cụm thi đều do các trường ÐH chủ trì, được coi là bước đột phá về tính nghiêm túc và bảo đảm chất lượng thật, công bằng trong kỳ thi THPT quốc gia.
Theo dự thảo quy chế, Bộ trưởng GD và ÐT quyết định cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) và giao cho các trường ÐH chủ trì. Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất hai tỉnh (cụm thi liên tỉnh). Ðối với những tỉnh có khó khăn, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD và ÐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau, đúng theo quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ÐH chủ trì.
Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá, việc tổ chức thi do các sở GD và ÐT chủ trì như những năm trước đây liên tục xảy ra tiêu cực. Mặt khác, do các địa phương "vừa đá bóng, vừa thổi còi" cho nên nhiều tỉnh có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng đột biến, không tạo được niềm tin trong xã hội. Vì vậy, việc tổ chức các cụm thi đều do các trường ÐH chủ trì được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về tính nghiêm túc và bảo đảm chất lượng thật, công bằng.
Cùng với dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia, dự thảo quy chế tuyển sinh ÐH, CÐ cũng được Bộ GD và ÐT công bố. Trong đó, có hai hình thức tuyển sinh gồm: các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển và các trường tổ chức tuyển sinh riêng. Ðối với các trường xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia: Ngay sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào (do Bộ GD và ÐT công bố), các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày. Quá trình tuyển sinh, các trường được Bộ GD và ÐT giao chủ trì cụm thi, sau khi báo cáo kết quả thi về bộ, in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho các sở GD và ÐT để chuyển tới thí sinh đã dự thi ở cụm. Mỗi thí sinh đã đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ÐH, CÐ được cấp bốn giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa bốn đợt; mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng. Về nguyên tắc xác định tổ hợp môn xét tuyển, các trường phải duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi mà trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh ÐH, CÐ hệ chính quy do Bộ GD và ÐT tổ chức năm 2014 và các năm trước (khối thi truyền thống). Ngoài ra, các trường có thể lựa chọn thêm các tổ hợp môn thi khác để xét tuyển theo nguyên tắc: Sử dụng kết quả của ít nhất ba môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển; các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn bốn tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành. Nếu thay đổi các khối thi truyền thống, các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ GD và ÐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng trước ít nhất ba năm.
Các trường tổ chức tuyển sinh riêng sẽ thực hiện theo đề án tự chủ tuyển sinh. Ngoài ra, các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ GD và ÐT quy định; các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Ðối với trường sử dụng phương án xét tuyển trên cơ sở kết quả học tập ở THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ ÐH và 5,5 đối với hệ CÐ (theo thang điểm 10)...
- Kỳ thi THPT quốc gia tổ chức thi tám môn gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ðịa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Ðể xét công nhận tốt nghiệp THPT thí sinh phải dự thi bốn môn (gồm ba môn thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn).
- Bộ GD và ÐT chủ trương mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 trong kỳ thi THPT quốc gia nhằm giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn và hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển ÐH, CÐ.
- Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3 và 4-7-2015.
- Trong quá trình xây dựng Phương án kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD và ÐT đã lấy ý kiến đóng góp trên diện rộng gồm: 286 cán bộ lãnh đạo các sở GD và ÐT, các trường ÐH, CÐ; 137.379 cán bộ quản lý, giáo viên THPT; 929.584 học sinh trên cả nước; ý kiến các chuyên gia giáo dục...
- Sau 45 ngày công bố dự thảo để lấy ý kiến rộng rãi, Bộ GD và ÐT sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh và ban hành quy chế.
(Nguồn: Bộ GD và ÐT)
|
XUÂN KỲ, QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét