14 thg 3, 2018

Bàn giải pháp triển khai giảng dạy các chương trình quốc tế tại Hà Nội

Thứ Sáu, 02/03/2018, 11:36:56
 Font Size:     |        Print
 

Các đại biểu thảo luận tại tọa đàm. (Ảnh: Quý Tùng)
NDĐT - Ngày 2-3, tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội tổ chức Tọa đàm triển khai giảng dạy các chương trình quốc tế tại trường phổ thông. Buổi tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hiện các chương trình quốc tế theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo báo cáo của Ban tổ chức, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục Thủ đô là nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, góp phần phát triển đất nước thông qua đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công dân quốc tế, đáp ứng yêu cầu xã hội theo chuẩn quốc tế. Thời gian qua, Sở GD và ĐT Hà Nội luôn tích cực chỉ đạo các trường phổ thông đổi mới phương pháp dạy học, tạo môi trường học tập, sinh hoạt ngoại khóa bằng ngoại ngữ với nhiều cải tiến về hình thức cũng như nội dung.
Theo Phó trưởng Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD và ĐT Hà Nội) Bùi Thị Minh Nga, hiện nay, nhiều trường phổ thông từ tiểu học đến THPT ngoài công lập trên địa bàn thành phố thực hiện theo mô hình trường quốc tế, trường có yếu tố nước ngoài, đã và đang triển khai giảng dạy các chương trình, chứng chỉ quốc tế.
Đáng chú ý, lần đầu tiên tại Việt Nam, Hà Nội triển khai thí điểm đào tạo chương trình song bằng (Tú tài THPT quốc gia Việt Nam và Tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A level) tại Trường THPT Chu Văn An, tạo điều kiện đẩy mạnh hội nhập và quốc tế hóa chuẩn đào tạo THPT. Đây có thể coi là bước đột phá trong hội nhập quốc tế của ngành giáo dục Hà Nội.
Hà Nội được biết đến là địa phương đi đầu tham gia, tổ chức các sân chơi trí tuệ khu vực và quốc tế, các em đã mang vinh quang về cho Tổ quốc với nhiều giải thưởng lớn, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Trong số nhiều sân chơi trí tuệ dành cho học sinh Thủ đô, giải thi tranh biện Hà Nội mở rộng VSDC 2017 lần đầu tổ chức nhưng đã thành công rực rỡ với hình ảnh những học sinh sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, cùng thảo luận, tranh luận về các vấn đề xã hội trong nước và trên thế giới.
Tại buổi tọa đàm, TS Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội khẳng định, kết quả nói trên là sự ghi nhận, động viên của Bộ GD và ĐT, UBND TP Hà Nội để ngành giáo dục Thủ đô vững bước trên con đường hội nhập quốc tế. Buổi tọa đàm không chỉ giúp các trường và Sở hiểu sâu hơn về chương trình giảng dạy quốc tế tại một số trường quốc tế và tư thục, những thuận lợi, thách thức của chương trình quốc tế. Sở GD và ĐT Hà Nội sẽ chia sẻ những băn khoăn của các trường để việc triển khai các chương trình quốc tế nhanh, thuận lợi và hiệu quả hơn.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Trường liên cấp tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội đề xuất được phép đa dạng hóa các chương trình đào tạo; tạo điều kiện cho các trường được tham gia hoạt động thi đấu quốc tế…
Trong khi đó, đại diện Trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring cho rằng, chương trình và chuẩn đánh giá các môn quốc tế đều theo tổ chức danh tiếng như: Cambridge CELA, Cambridge Assessment Internationl Education (Cambridge UK)… Chương trình được thiết kế liên thông giữa các cấp học, cá thể hóa theo mức độ tăng tiến theo đúng trình độ học sinh chứ không lặp lại trình độ tiếng Anh ở mỗi cấp. Tuy nhiên, nhà trường hiện gặp một số khó khăn do chưa có khung pháp lý quy định cụ thể thời lượng, nên vẫn phải dành trọn vẹn cho cả hai chương trình của từng môn học tích hợp.
Cụ thể, tại Trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring, chuẩn kiểm tra, đánh giá, thi cuối năm, cuối cấp, tốt nghiệp vẫn theo chương trình tiếng Việt của Bộ GD và ĐT, nên học sinh vẫn phải dành thời gian cho cả hai chương trình.
Ngoài ra, một số trường quốc tế trên địa bàn Hà Nội đề xuất được tăng chỉ tiêu học sinh là người Việt Nam được học tại các trường quốc tế. Vì nếu vẫn giữ quy định như hiện nay, học sinh sẽ phải sang nước ngoài du học không chỉ chi phí tốn kém, chảy máu chất xám mà còn rất vất vả.
QUÝ TÙNG - LÊ HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét