14 thg 3, 2018

Giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo

Thứ Năm, 08/03/2018, 01:42:49
 Font Size:     |        Print
Những ngày qua, dư luận xã hội lên án mạnh mẽ hành vi của một số cha mẹ học sinh ở tỉnh Long An ép một cô giáo quỳ gối xin lỗi trong gần một giờ đồng hồ.
Các phụ huynh này cho rằng, làm như vậy mới công bằng đối với các học sinh đã bị cô phạt bằng hình thức quỳ gối trước lớp do vi phạm nội quy trường, lớp học. Sự việc nêu trên đã tác động xấu tới hoạt động giáo dục của nhà trường, ảnh hưởng tới lòng tự trọng, danh dự của nhà giáo và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử văn hóa, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục, đồng thời có các giải pháp bảo vệ danh dự, uy tín của nhà giáo.
Trong vụ việc nêu trên, có thể hình thức phạt học sinh của cô giáo là phản giáo dục, không đúng quy định của ngành; hành vi của cô giáo có thể vô tình làm học sinh bị tổn thương, tự ti với bạn bè và ảnh hưởng đến việc học tập. Xử lý hành vi đó, nhà trường, cơ quan pháp luật sẽ áp dụng hình thức phù hợp, không thể chấp nhận việc cha mẹ học sinh xúc phạm giáo viên chỉ để thỏa mãn sự bực tức cá nhân. Bất cứ hành vi xúc phạm, đe dọa, hành hung ảnh hưởng đến danh dự, sức khỏe của nhà giáo cần phải lên án, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc cha mẹ học sinh xúc phạm danh dự, hạ thấp uy tín người đã dạy dỗ con em mình cũng là tự hạ thấp chính mình, làm gương xấu cho lớp trẻ. Đáng lẽ, họ cần bình tĩnh trao đổi với cô giáo để tìm cách giáo dục con cái, cũng như để cô giáo nhận ra lỗi, rút kinh nghiệm. Lãnh đạo nhà trường, đại diện hội cha, mẹ học sinh, chính quyền địa phương cũng có phần trách nhiệm và cần rút kinh nghiệm vì làm chưa tốt công tác hòa giải, bảo vệ nhà giáo.
Những năm gần đây, tại một số địa phương như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, An Giang... đã xảy ra nhiều vụ giáo viên bị xúc phạm nhân phẩm, đe dọa, hành hung, nhất là với giáo viên dạy bậc học mầm non, tiểu học do đặc thù công việc có nhiều áp lực, vất vả. Mới đây, ngày 2-3, một cô giáo tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre bị chính học sinh của mình bóp cổ trước sự chứng kiến của học sinh và các giáo viên khác. Thực tế này khiến dư luận lo lắng về vị thế của người giáo viên và sự tôn nghiêm nơi trường học. Từ bao đời nay, dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo, nhà giáo luôn được mọi người kính trọng. Việc cha mẹ học sinh xúc phạm, tỏ thái độ thiếu tôn trọng nhà giáo sẽ để lại dấu ấn không tốt trong tâm lý học sinh. Khi xúc phạm, đe dọa, hành hung thầy giáo, cô giáo, cha, mẹ học sinh đã làm mất niềm tin của con cái vào người thầy, ảnh hưởng đến mối quan hệ thầy - trò và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Đồng thời, môi trường giáo dục cũng luôn đòi hỏi mỗi nhà giáo mềm dẻo trong ứng xử, linh hoạt trong giao tiếp và giải quyết tình huống có lý, có tình. Nếu học sinh có hành vi không đúng mực hoặc vi phạm nội quy trường, lớp học, giáo viên cần cân nhắc các hình thức kỷ luật như nhắc nhở, phạt, nhưng không làm ảnh hưởng đến việc học tập, tâm lý học sinh.
Để bảo vệ danh dự, uy tín các nhà giáo, trước hết, mỗi thầy giáo, cô giáo cần trang bị cho mình phương pháp, kỹ năng sư phạm để giáo dục, rèn luyện học sinh; biết cách bảo vệ, giữ gìn hình ảnh, nhân cách bản thân, không dễ dàng thỏa hiệp, chấp nhận các hành vi sai trái. Cha mẹ học sinh cần ứng xử đúng mực với thầy, cô giáo, tạo khuôn mẫu hành vi để dẫn dắt con em mình ứng xử có văn hóa với người khác. Cùng với đó, nhà trường, chính quyền địa phương cần ban hành quy chế, thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử văn hóa, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh; có các giải pháp bảo vệ danh dự, uy tín nhà giáo.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét