Thứ ba, 13/01/2015 - 02:10 AM (GMT+7)
Còn ít ngày nữa, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) sẽ công bố chính thức Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Quy chế này quy định cụ thể về tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Sau khi dự thảo quy chế được thông báo rộng rãi, nhiều chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học đã có những ý kiến đóng góp tâm huyết.
Ðiểm mới trong dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia dự kiến có 34 đến 35 cụm thi. Những cụm thi đều do các trường đại học chủ trì, nhằm bảo đảm kết quả chính xác cũng như tính khách quan của kỳ thi. Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất hai tỉnh (cụm thi liên tỉnh). Ðối với những tỉnh có khó khăn, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD và ÐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, để giúp các trường ÐH, CÐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp nguồn lực, chất lượng đào tạo, Bộ GD và ÐT chủ trương mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 nhằm giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của từng thí sinh.
Tuy nhiên, sau khi dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được thông báo, nhiều chuyên gia, nhà giáo tỏ ra băn khoăn về cụm thi, thang điểm cần được làm rõ và điều chỉnh trong quy chế chính thức. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Ðức (Hà Nội) cho biết: Về cơ bản, dự thảo quy chế được chuẩn bị chu đáo, cẩn thận, tuy nhiên, còn lẫn các "khoản" của việc hướng dẫn thực hiện. Quy chế là điều khoản chung nhất, thời gian áp dụng lâu dài, tránh thay đổi không cần thiết vì có thể ảnh hưởng không tốt đến tâm lý học sinh và xã hội. Do đó, những điểm ưu tiên, khuyến khích, số môn thi, môn thi bắt buộc cần có tính lâu dài, còn những vấn đề mang tính hướng dẫn có thể điều chỉnh theo từng năm. Vì vậy, đối với những quy định chung, Bộ GD và ÐT nên đưa vào quy chế, những vấn đề mang tính hướng dẫn thì nên tách riêng.
Kỳ thi THPT quốc gia có hai mục đích: xét tốt nghiệp THPT và tạo tiền đề quan trọng để tuyển sinh vào các trường ÐH, CÐ. Ðể được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh phải thi ba môn bắt buộc và một môn do thí sinh tự chọn cùng với kết quả học tập lớp 12. Về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình cho rằng, nếu các cơ sở giáo dục không khách quan, nghiêm túc trong việc đánh giá có thể dẫn tới nhiều trường nới rộng điểm trung bình cho học sinh.
Nhiều chuyên gia giáo dục ủng hộ nội dung thay đổi từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 trong dự thảo quy chế vì thang điểm này khi chia nhỏ có thể đánh giá bài thi của thí sinh tỉ mỉ, chính xác hơn. Ðiều này cũng giúp học sinh trong quá trình học tập phải nghiêm túc, thực hiện đầy đủ các bước, không làm tắt, bảo đảm tính lô-gic. Thực tế, việc chấm thi ÐH, nhất là các môn khoa học xã hội, ở các bài tự luận sẽ thấy thang 10 bị bó buộc. Có những nội dung, nhất là môn Ngữ văn không thể định lượng đến mức "chẻ" sợi tóc làm tư mà phải kết hợp định tính.Vì thế, chấm điểm nhỏ là rất khó khăn. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta đã quen với thang điểm 10 cho nên khi chuyển thang điểm 20 nếu có bỡ ngỡ là điều dễ hiểu. Qua trao đổi, nhiều giáo viên, học sinh Trường THPT Việt Ðức lo lắng vì không biết cấu trúc đề thi từ năm 2015 ra sao, mong Bộ GD và ÐT sớm công bố để việc dạy và học được chủ động hơn.
Trong dự thảo quy chế, Bộ GD và ÐT dự kiến tổ chức từ 34 đến 35 cụm thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Về vấn đề này, TS Bùi Minh Ðức (Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2) thừa nhận là các trường ÐH, CÐ sẽ vất vả hơn, cái gì có lợi cho học sinh và nhân dân thì nên làm. Thực tế, hằng năm thí sinh dự thi ÐH, CÐ thường đổ xô về các tỉnh, thành phố lớn không chỉ vất vả mà còn ảnh hưởng kinh tế.
Những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ GD và ÐT hoàn thiện Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, bảo đảm sự nghiêm túc cũng như thành công cho kỳ thi, có tác động tích cực tới hoạt động dạy, học trong các trường phổ thông.
MAI MAI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét