Thứ tư, 21/01/2015 - 09:35 PM (GMT+7)
Còn hơn một tháng nữa, các thí sinh sẽ kết thúc việc nộp hồ sơ đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia. Ðây là kỳ thi có ý nghĩa quan trọng khi thực hiện hai mục tiêu: xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ). Trong khi đó, dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mới đang được Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) xin ý kiến nhân dân. Ðóng góp ý kiến vào dự thảo, nhiều người băn khoăn, lo lắng về cách thức thi mới, nhất là tổ chức cụm thi có bảo đảm tính an toàn, nghiêm túc, thuận lợi, tiết kiệm; học sinh, phụ huynh, giáo viên đi lại ra sao; phương án chấm thi, coi thi như thế nào? Từ những băn khoăn đó, đòi hỏi Bộ GD và ÐT cần sớm ban hành một quy chế chính thức, xác định rõ phương thức tổ chức để học sinh yên tâm học tập, giáo viên biết hướng giảng dạy theo yêu cầu đổi mới thi cử.
Bộ GD và ÐT cho biết, quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ được công bố chính thức sau 45 ngày, kể từ khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Như vậy, sau ít nhất nửa tháng nữa quy chế mới được ban hành. Ðiều đáng nói, thời điểm quy chế ban hành lại sát với thời gian thí sinh phải kết thúc nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Theo quy định, dự thảo quy chế không thể ban hành sớm hơn 45 ngày. Ðiều này đã "đặt" Bộ GD và ÐT vào tình thế bất khả kháng; còn học sinh, giáo viên trong cả nước thì canh cánh nỗi lo về việc đăng ký thông tin, chuẩn bị các điều kiện cần thiết đối với kỳ thi quan trọng này.
Theo Bộ GD và ÐT, từ năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia dự kiến có khoảng 35 cụm thi liên tỉnh. Các cụm thi đều do các trường ÐH chủ trì nhằm bảo đảm kết quả chính xác cũng như tính khách quan. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài số cụm thi liên tỉnh, một số tỉnh miền núi địa hình phức tạp, điều kiện đi lại khó khăn có nguyện vọng muốn được mở cụm thi tại tỉnh (do trường ÐH chủ trì) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, người nhà thí sinh và cán bộ coi thi.
Dự kiến, kỳ thi THPT quốc gia sẽ mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20, nhằm giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của từng thí sinh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Bộ GD và ÐT cần làm rõ trong quy chế chính thức, thang điểm 20 sẽ áp dụng đối với tất cả các môn thi hay chỉ áp dụng với môn thi bắt buộc.
Nhìn ở khía cạnh "kỹ thuật", nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, dự thảo quy chế còn lẫn các "khoản" của việc hướng dẫn thực hiện). Nhiều người cho rằng, quy chế (không kèm phần hướng dẫn thực hiện, có thời gian sử dụng lâu dài, tránh thay đổi không cần thiết ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và xã hội. Năm nay, Bộ GD và ÐT có ý định "gom" cả phần hướng dẫn thực hiện vào quy chế thi thì cần "cụ thể hóa" từng mục cho thật sự đủ ý. Thí dụ về công tác coi thi, khi thí sinh đang làm bài thi nhưng vì lý do nào đó xin phép ra ngoài thì đề thi, bài thi, giấy nháp của thí sinh đó, giám thị có giữ lại hay để nguyên trên bàn? (Ở những kỳ thi trước đây, khi thí sinh ra ngoài, giám thị coi thi sẽ thu lại bài thi, đề thi, giấy nháp, sau đó trả cho thí sinh khi quay lại để tiếp tục làm bài thi).
Kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần nhưng công tác tuyên truyền, hướng dẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Có thể nói, do đây là lần đầu tổ chức một kỳ thi có hai mục đích với sự kỳ vọng lớn của cả xã hội, cho nên những vướng mắc trong quá trình hướng dẫn, thực hiện là điều không thể tránh khỏi. Thiết nghĩ, bên cạnh việc tiếp thu ý kiến để điều chỉnh, bổ sung vào quy chế, Bộ GD và ÐT cần xây dựng thêm "kênh" thông tin giám sát, phản biện sớm hơn nữa để kỳ thi THPT quốc gia những năm tiếp theo không còn là gánh nặng, nỗi lo về tâm lý đối với học sinh, giáo viên và cả xã hội.
QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét