Thứ ba, 28/10/2014 - 02:32 AM (GMT+7)
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đang đến gần. Để kỳ thi đạt kết quả tốt, các trường trung học phổ thông (THPT) đang tích cực đổi mới phương pháp dạy học cũng như thi, kiểm tra đánh giá môn học theo hướng vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống. Đây là kỳ thi có hai mục đích: xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) được cả xã hội kỳ vọng. Tuy vậy, qua thăm dò ý kiến, nhiều giáo viên, học sinh còn có chung mối lo về cách dạy và học cũng như thi, kiểm tra theo yêu cầu đổi mới.
Học tốt nhưng không học lệch
Tỉnh Bắc Giang là địa phương nhiều năm để xảy ra tình trạng tiêu cực trong thi cử, nguyên nhân là do công tác dạy và học không bảo đảm chất lượng. Nhận thấy những nguyên nhân, hạn chế nêu trên khi kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo các trường phổ thông thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học cũng như thi kiểm tra, đánh giá. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Bắc Giang Ngô Thanh Sơn, cho biết: Thông qua chỉ đạo của sở, nhiều trường THPT đã điều chỉnh về chuyên môn, tổ chức ôn tập, ra đề thi thích hợp; tổ chức thi thử, kiểm tra thường xuyên, định kỳ để học sinh thích nghi với phương án thi mới. Phó Giám đốc Ngô Thanh Sơn nhận định, nếu mặt bằng kiến thức không thay đổi, đề thi không khó hơn mọi năm, kết quả đỗ tốt nghiệp của tỉnh sẽ không có biến động lớn. Mối lo lớn nhất của ngành giáo dục Bắc Giang hiện nay là nâng cao chất lượng môn Ngoại ngữ. Thực tế cho thấy, ở khu vực nông thôn, miền núi, sức học của các em đối với môn Ngoại ngữ vẫn còn nhiều hạn chế.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 2 (Yên Dũng, Bắc Giang), thầy giáo Mai Đình Nhường cho biết: Tâm lý chung của giáo viên, học sinh, thậm chí là cha mẹ học sinh hiện đang rất lo lắng, nhiều em không xác định được mình thật sự muốn gì, cần gì... dẫn tới tình trạng đi học thêm tràn lan. Qua trao đổi, phần lớn học sinh Trường THPT Yên Dũng số 2 tỏ ra bỡ ngỡ, lo lắng, đặc biệt là môn Ngoại ngữ. Em Hoàng Xuân Hòa, lớp 12A2, chia sẻ: Em thấy ở thành phố hoặc các khu vực dân cư phát triển thì các bạn tiếp cận với môn Ngoại ngữ sớm và sâu hơn chúng em, có nhiều thuận lợi để có kết quả tốt đối với môn này. Em hy vọng đề thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ không quá khó, vừa sức với tất cả các học sinh ở mọi vùng miền. Ngoài giờ học trên lớp, em cũng như nhiều bạn khác còn đi học thêm Ngoại ngữ và các môn thi khác vào buổi chiều hoặc buổi tối.
Là giáo viên dạy môn Ngữ văn nhiều năm (Trường THPT Tam Dương II, Vĩnh Phúc), nhưng trước yêu cầu của kỳ thi, cô giáo Nguyễn Thị Lợi cũng tỏ ra khá lo lắng. Cô Lợi cho biết: Trước đây giáo viên dạy cho học sinh theo hướng cảm thụ, học thuộc lòng. Bây giờ thì khác, ngoài việc truyền thụ kiến thức, giáo viên còn phải tìm cách giúp các em phát triển năng lực để vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Trường THPT Tam Dương khi tuyển sinh đầu vào có chất lượng thấp nhất tỉnh. Trong quá trình giảng dạy, không chỉ môn Toán, Tiếng Anh mà cả Ngữ văn giáo viên dạy khá vất vả. Ngoài giờ lên lớp, giáo viên còn dạy phụ đạo cho học sinh yếu mỗi tuần vài tiết về kiến thức nhận biết, đọc hiểu, phân tích văn bản. Để làm được điều đó, hằng tuần, giáo viên bộ môn phải xây dựng kế hoạch giảng dạy. Từ kế hoạch này, tổ trưởng bộ môn sẽ điều động và có giải pháp giúp giáo viên bộ môn giảng dạy hiệu quả hơn. Ghi nhận tại Hà Nội cho thấy, mặc dù sức học của học sinh không đáng lo ngại nhưng lại xảy ra tình trạng học sinh học lệch. Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) thừa nhận: Mặc dù kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có nhiều điểm đổi mới nhưng không tác động, ảnh hưởng đến công tác dạy và học của nhà trường. Hiện, học sinh vẫn học tập theo chương trình hiện hành, tuy nhiên đã xảy ra tình trạng học sinh chểnh mảng các "môn phụ" mà chủ yếu "đầu tư" thời gian cho các "môn chính" theo khối thi ĐH.
Đổi mới theo hướng nhẹ nhàng
Bộ GD và ĐT cho biết, đề thi năm 2015 vẫn cơ bản giữ ổn định, nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Tuy nhiên, mức độ đề thi sẽ khó hơn, tăng dần các câu hỏi mở ở mức độ vận dụng, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Do đó, trước mắt, bộ chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình, sách giáo khoa phổ thông như các kỳ thi năm 2014. Vì vậy, các em học sinh yên tâm học tập, không có gì phải hoang mang, lo lắng. Những đổi mới của kỳ thi đều theo hướng nhẹ nhàng, nhằm tạo thuận lợi cho các em có nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp.
Trước băn khoăn của dư luận, năm 2016, Bộ GD và ĐT có đổi mới gì về kỳ thi THPT quốc gia, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD và ĐT) Mai Văn Trinh cho biết: Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu thực hiện từ trung tuần tháng 6-2015, cho nên năm 2016 vẫn giữ ổn định về cơ bản; nhưng sẽ có những điều chỉnh để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thi. Từ nay đến tháng 6-2015, Bộ GD và ĐT yêu cầu các sở GD và ĐT chỉ đạo các nhà trường chủ động trong hoạt động dạy và học, chuẩn bị kỹ về mọi mặt, hướng tới kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy, sở GD và ĐT các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh và toàn xã hội về kỳ thi; tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học và thi, kiểm tra, đánh giá...
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đang xây dựng quy chế tuyển sinh năm 2015. Tất cả những vấn đề kỹ thuật của việc tuyển sinh sẽ được cụ thể hóa trong quy chế thi mới. Dự kiến, quy chế kỳ thi THPT quốc gia sẽ được ban hành vào đầu năm 2015. Dư luận cho rằng, ngoài ba môn thi bắt buộc, thí sinh được tự chọn các môn thi trong số các môn tự chọn có thể dẫn đến tình trạng học sinh học lệch? Bộ GD và ĐT khẳng định: Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đã thực hiện phân ban kết hợp với tự chọn theo tinh thần "Nghị quyết số 29-NQ/TW" cho nên phù hợp với chủ trương này. Bộ GD và ĐT kết hợp sử dụng kết quả thi bốn môn tối thiểu với điểm học tập trung bình lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT, bảo đảm học sinh "học gì được đánh giá nấy".
"Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập học sinh trong quá trình học tập được phân cấp cho giáo viên bộ môn và nhà trường. Điều này, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình dạy học, học sinh không coi nhẹ môn học nào, từng bước khắc phục quan niệm môn chính, môn phụ trong nhà trường. Việc đưa vào kỳ thi các môn tự chọn nhằm giảm áp lực cho thí sinh, phù hợp với thực tế học tập ở bậc THPT và là giải pháp phù hợp với chủ trương định hướng nghề nghiệp, bước chuẩn bị cho việc sẵn sàng tham gia thị trường lao động hoặc học tập của các em ở các bậc học sau. Hơn nữa, xét trên bình diện toàn bộ học sinh lớp 12 trong cả nước, với việc cho học sinh tự chọn môn thi thì tất cả các môn thi sẽ được chọn, hướng tới sự cân đối, hài hòa giữa các môn học trong nhà trường".
Nguồn: Bộ GD và ĐT
QUÝ TÙNG VÀ TRẦN THƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét