20 thg 10, 2014

Bốn mục tiêu cơ bản trong xây dựng xã hội học tập

Thứ ba, 21/10/2014 - 10:21 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển: "Mọi cá nhân đều phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời...".
Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển: "Mọi cá nhân đều phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời...".

NDĐT - Xây dựng xã hội học tập (XHHT) cần bảo đảm tính hòa nhập, sáng tạo, linh hoạt và bền vững. Cách thức xây dựng XHHT có thể hướng tới việc đáp ứng nhu cầu đặc trưng của các nhóm người cụ thể, nhưng sẽ cho phép mọi công dân được tham gia và hưởng lợi từ việc học tập.
Từ tầm nhìn đến hành động
Ngày 9-1-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020” với bốn mục tiêu cơ bản: Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; nâng cao trình độ Tin học, Ngoại ngữ; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn; hoàn thành kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc và bảy đề án thành phần.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký tiếp Quyết định 281/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020” do T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì.
Hiện nay, nước ta chưa có định nghĩa “chung” về XHHT. Vì khái niệm này có nhiều cách hiểu khác nhau và khá trừu tượng, cho nên nhiều chuyên gia cho rằng, cần xác định rõ đặc điểm và những yêu cầu đối với XHHT và công dân học tập (CDHT).
Đồng thời, cần có các cuộc đối thoại chính sách ở cấp trung ương và địa phương nhằm bảo đảm có sự hiểu biết chung về những đặc trưng cơ bản của XHHT và CDHT. Tại hội thảo “Xây dựng XHHT ở Việt Nam: Từ tầm nhìn đến hành động khu vực phía bắc” vừa tổ chức tại Phú Thọ, các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020” chia sẻ, thảo luận một số khái niệm và thực tiễn quốc tế, khu vực, cũng như các hành động quốc gia, hướng tới sự đổi mới theo nhu cầu, điều kiện từng địa phương.
GS, TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Một CDHT trước hết cần có thái độ học tập nghiêm túc, tiếp đó là kỹ năng tự học. Một XHHT phải được xây dựng trên cơ sở của từng cá nhân, cho nên CDHT là một trong những “mắt xích” quan trọng để xây dựng XHHT. Xây dựng XHHT hiện nay đã đi vào những vấn đề cụ thể, chuyên sâu, trong đó CDHT là một trong những điểm khởi đầu quan trọng. Vì vậy, khi xây dựng CDHT, không thể tách rời con người Việt Nam với cộng đồng khu vực cũng như quốc tế; cần bảo đảm tính hòa nhập, sáng tạo, linh hoạt và bền vững; cho phép mọi công dân được tham gia và hưởng lợi từ việc học tập.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Nếu như Quyết định số 89/QĐ-TTg chỉ ra một mô hình XHHT tổng quát với bảy đề án thành phần thì Quyết định 281/QĐ-TTg đã cụ thể hóa việc học tập suốt đời ở cơ sở thôn, bản, tổ dân phố và những cộng đồng dân cư nhỏ, dưới cấp xã, phường, thị trấn. Để người dân hình dung được yêu cầu tổng quát của việc học tập suốt đời, T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam đã phỏng theo UNESCO lô-gô để minh họa cho các tiêu chí học tập. Đến nay, các bước một, hai và ba đã kết thúc.
Cụ thể hóa từng mô hình
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Cả nước hiện có 60 tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, trong đó 59 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020”; 53 tỉnh, thành phố xây dựng xong kế hoạch triển khai thực hiện các đề án thành phần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Qua gần hai năm thực hiện, đề án nêu trên đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là, cùng với việc đổi mới giáo dục phổ thông, mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển, nhất là mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), đáp ứng nhu cầu học tập mọi lứa tuổi.
Theo thống kê, hiện cả nước có 721 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1.875 trung tâm Ngoại ngữ, Tin học; gần 11 nghìn TTHTCĐ xã, phường, thị trấn. Từ năm 2013 đến nay, toàn quốc có hơn 20 triệu lượt người tham gia học tập các chuyên đề tại TTHTCĐ; gần một triệu học viên được cấp chứng chỉ Ngoại ngữ và hơn 200 nghìn học viên được cấp chứng chỉ Tin học; hơn 400 nghìn người tham gia học nghề ngắn hạn; 22 nghìn người tham gia lớp xóa mù chữ và hơn 15 nghìn người theo học lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.
Lộ trình từ tháng 10-2014 đến tháng 12-2015, T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam sẽ chỉ đạo thí điểm xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”; các tỉnh, thành phố lớn sẽ tham gia thí điểm. Mỗi tỉnh chọn ít nhất hai quận, huyện đại diện vùng, miền khác nhau; mỗi quận, huyện chọn ít nhất hai xã, phường, thị trấn; mỗi xã, phường, thị trấn chọn ít nhất hai thôn, bản, ấp, tổ dân phố hoặc tương đương và ít nhất hai dòng họ; mỗi thôn, bản, ấp, tổ dân phố chọn từ ba đến năm gia đình đại diện để tổ chức thí điểm.
Trong quá trình thí điểm, T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tổ chức nhiều đoàn giám sát, thúc đẩy và kiểm tra tiến độ các mô hình; cuối năm 2015, T.Ư tổ chức tổng kết thí điểm, hoàn chỉnh bộ tiêu chí về các mô hình học tập để báo cáo Ủy ban Quốc gia đổi mới GD và ĐT và trình Thủ tướng Chính phủ duyệt các bộ tiêu chí học tập, để từ năm 2016 có thể triển khai đại trà các mô hình học tập trên phạm vi cả nước.
GS, TS Phạm Tất Dong khẳng định: Quyết định số 89/QĐ-TTg là mốc quan trọng trong việc chuyển tiếp mô hình XHHT lý thuyết sang mô hình XHHT hiện thực. Vì vậy, T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam có đủ cơ sở thực tế khẳng định, các mô hình học tập sẽ được xây dựng thành công bởi đội ngũ cán bộ, hội viên khuyến học với gần 11 triệu người đang sinh hoạt tại hơn 250 nghìn chi hội khuyến học trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
“XHHT là một xã hội trong đó mọi cá nhân đều phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời và biết tận dụng triệt để các cơ hội học tập do xã hội mang lại. Do đó, học tập phải trở thành nhu cầu tự thân, là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, của các ngành, các đoàn thể và trách nhiệm của toàn xã hội".
(Nguồn: Bộ GD và ĐT)
MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét