13 thg 11, 2012

Tam Điệp xưa và nay



Về thị xã Tam Điệp – Ninh Bình bây giờ không ai có thể nghĩ rằng cách đây hơn 30 năm là một mảnh đất lau lách hoang vu, có nhiều hổ, hùm beo, chó sói trú ngụ. Trải qua thời gian, Tam Điệp giờ đã “thay da đổi thịt” với tuyến đường quốc lộ 1A rộng thênh thang 4 làn xe chạy và nhiều công trình kiến trúc hiện đại. Tam Điệp xưa nổi tiếng với câu ca dao: “Ai qua Quán Cháo - Đồng Giao, má hồng để lại xanh xao đem về”. Câu ca dao ai oán muốn nói trước kia nơi đây là một vùng rừng thiêng nước độc, bệnh tật tràn lan nên dân phải đi sơ tán, chỉ còn công nhân Nông trường Đồng Giao và đền Quán Cháo vẫn hiên ngang đứng sừng sững cho đến ngày nay.
Ký ức về một thời gian khó
Ngày 26/12/1955 mãi mãi đi vào lịch sử của vùng đất Đồng Giao – Tam Điệp. Là ngày sinh của nông trường Đồng Giao trước đây, nay đổi thành công ty xuất khẩu Đồng Giao. 53 năm ở Đồng Giao – Tam Điệp là cả một sự thay đổi diệu kỳ. Không chỉ khách qua đường hay những người đi xa lâu ngày nay có dịp trở lại và những người đã sống trên mảnh đất này mấy chục năm, nay cũng cảm thấy bàng hoàng và bỡ ngỡ.
Năm 1956-1957 hơn 4000 ha rừng hoang vu mọc đầy lau lách qua bàn tay của công nhân đã thay bằng những cánh đồng bằng phẳng rộng mênh mông, chạy dài suốt từ đồi Vải (nay thuộc xã Đông Sơn) lên núi Vàng. Từ Gềnh lên Khe Gồi, từ Hữu Viện vào Trại Ngọc dốc ngang trước đây bệnh sốt rét, hùm beo hoành hành ghê tợn thì bây giờ trước sức mạnh khai hoang của con người đã đầy lùi bệnh tật và tạo nên một miền đất hứa.
Bây giờ công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao có nhiều cánh đồng dứa rộng bạt ngàn, mượt mà xanh thẳm và nhiều vườn cây ăn quả xum xuê, hoa trái đầy cành. Sản phẩm của công ty mang thương hiệu DOVECO đang trở thành mặt hàng ưu chuộng rộng lớn trong nước cũng như trên thế giới.
Trước năm 1975, thị xã Tam Điệp bị chiến tranh tàn phá thảm khốc. Con đường của thị xã Tam Điệp bây giờ nhiều người già nhớ lại đã thốt lên: Thật không ngờ lại rộng và đẹp đến thế! Trước kia đường đi chỉ vừa xe cải tiến, hai bên đường rậm rạp toàn lau lách và cỏ dại. Toàn bộ thị xã khi đó chỉ lác đác vài túp lều tranh dựng tạm.
Cụ Đinh Văn Hàn hiện đang quản lý đền Quán Cháo và đền Dâu, là người cao tuổi nhất của Hội người cao tuổi thôn Lý Nhân, xã Yên Bình – Tam Điệp nhớ lại: “ Suốt chặng đường hơn 10km từ ga Ghềnh vào đến đền Dâu chỉ có 3 quán nước lèo tèo - nay là trung tâm thị xã Tam Điệp. Nhà cửa thưa thớt. Khi đó chỉ có khu nông trường bộ được mọi người nói là sầm uất nhất vì có mấy căn nhà tranh liền kề dựng tạm để đón nhận công nhân mới. Từ khu nhà ấy nhìn ra bốn phía toàn là màu xanh của cây rừng, cỏ tranh”
Cách đây vài ba thập kỷ, bây giờ nhiều người nhắc lại thị xã Tam Điệp xưa vẫn khiếp đảm bởi một thời hổ báo, hùm beo, chó sói, rắn rết lộng hành và phải uống nước hồ than sinh sống.
Nhắc đến hổ nhiều người còn sống đến nay có nhiều câu chuyện kể về hổ vài ngày không hết, vừa hoảng sợ vừa trân trọng bởi nó mang cả giá trị tâm linh. Cụ Đinh Văn Vượng ở thôn Lý nhân kể lại: “ Tôi làm ở đền Quán Cháo và đền Dâu từ khi Tam Điệp còn hoang vu cách đây mấy chục năm nên chuyện gặp hổ là thường xuyên. Một hôm, khi mọi người rước kiệu từ đền Dâu đến đền Quán Cháo thì gặp một con hổ lớn nằm chềnh ềnh giữa đường. Ngay lúc đó con hổ tiến đến chỗ cô gái và ngoan ngoãn nằm xuống để cho cô gái ấy cưỡi lên lưng đi thẳng đến đền Quán Cháo rồi nó chạy thẳng một mạch vào rừng.”
Ông Đặng Xuân Thiềng là công nhân của nông trường Đồng Giao từ ngày thành lập chia sẻ với chúng tôi tiểu sử về hổ và chó sói: “Ngày ấy có con hổ thành tinh nhặt nón rách mà người dân vứt đi đội lên đầu rồi đi lang thang khắp đường. Có hôm chúng tôi đang ngồi trong căn nhà tranh thấy có mùi lạ mở cửa ra thấy con hổ đội nón ngồi ngay ngoài cửa như người, may mà nó không biết không thì chắc chết rồi. Từ ngày ấy, dân làng chúng tôi không dám gọi là con hổ mà gọi là “ngài” để thể hiện sự tôn trọng. Không chỉ riêng hổ làm người dân hãi hùng, cùng thời điểm đó có rất nhiều chó sói. Cứ đêm đến là chó sói đến các trại trâu bò cắn bụng ăn hết ruột rồi bỏ đi”. Công nhân nông trường Đồng Giao ngày ấy đi làm luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ.
Trong tập ký lịch sử “50 năm công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao” viết: “Tuy còn hạn chế nhất định, nhưng đã phản ánh sức phấn đấu bền bỉ, dẻo dai của những con người, những tấm lòng trên vùng đất lịch sử mà 45 năm trước Bác Hồ kính yêu đã về thăm và đặt nhiều tin tưởng vào sự lớn mạnh của nông trường.”
Sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, người dân khắp nơi đổ xô về làm ăn, đâu tư xây dựng, tạo nên một bức tranh phát triển mạnh mẽ của thị xã Tam Điệp ngày nay.
Dân giàu lên nhờ quả dứa
Chúng tôi về xã Quang Sơn đang trong lúc công nhân thu hoạch dứa, lạc khoai lang… bán cho công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Con đường liên thông các xã vào các bãi trồng dứa rải nhựa phẳng lì, rộng khoảng 2 làn xe ô tô. Băng qua cánh đồng này đến cánh đồng khác của xã Quang Sơn toàn dứa với dứa. Quả nào cũng căng tròn nặng trên 2kg.
Trong căn nhà 2 tầng khang trang, ông Nguyễn Văn Giang là công nhân ở đội sản xuất 12, Khe Gồi, Quang Sơn – Tam Điệp vui vẻ cho biết: “Nhà tôi có 3ha đất đều trồng dứa loại Cayen. Tôi làm công nhân từ năm 1982 nhưng đến năm 1996 là kinh tế gia đình phát triển mạnh nhất”. Ông Giang nhấp chén chè rồi kể từ từ cho chúng tôi nghe về những năm tháng làm không đủ ăn. Trước năm 1990, chúng tôi sống trong thời kỳ bao cấp, sáng nghe tiếng kẻng đi làm, trưa và tối nghe kẻng thì về. Lúc đó tôi và nhiều người có làm nhiều nhưng cũng không đủ tiền mua gạo, mắm muối sinh hoạt. Nhà Ông Giang có 3ha dứa mỗi năm cho thu hoạch trên 40 tấn, trừ chi phí thu nhập trên 30 triệu đồng. Sau khi xoá bỏ thời kỳ bao cấp, gia đình ông vừa trồng dứa kết hợp chăn nuôi đã xây đựng được nhà cửa khang trang, sắm xe máy…và có tiền nuôi mấy đứa con ăn học trên Hà Nội.
Từ năm 1995, công nhân được khoán đất đến từng hộ, đi làm không còn phải nghe tiếng kẻng và nhận tem phiếu như xưa. Phần lớn những gia đình trồng dứa bán cho công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao ngày nay đều phấn khởi bởi kinh tế không chỉ ổn định mà còn có của ăn của để.
Trên khắp cánh đồng dứa những người công nhân thi đua trồng thêm dứa, thu hoạch dứa, chăm sóc dứa. Không khí những ngày cuối năm trên cánh đồng dứa vừa rộn ràng vừa náo nhiệt. Ở Đồng Giao người dân coi cây dứa là cây làm giàu chứ không như nhiều nơi dân điêu đứng vì dứa.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết hàng năm công ty thu mua dứa của công nhân vẫn còn thiếu, có khi phải vào tận Thanh Hoá, Hoà Bình mua thêm. Sau khi thu mua dứa chúng tôi chế biến thành dứa cô đặc, dứa hộp xuất khẩu sang Anh, Pháp, Mỹ. Hiện nay công ty có trên 1000 công nhân đều được đóng bảo hiểm xã hội và thu nhập bình quân/đâù người/năm khoảng 30 triệu đồng. Năm 2006 xuất khẩu đạt doanh thu 3 triệu USĐ, đến năm 2008 là 5 triệu USĐ, vì thế đời sống của công nhân trồng dứa ngày một khấm khá.
Chỉ trong vòng 3-4 năm trở lại đây, được sự giúp đỡ về vốn và cây giống của công ty, gần 30 trang trại lớn nhỏ với tổng diện tích 567 ha đã hình thành ở khắp mọi nơi. Những đồi dứa Queen không hiệu quả được thay vào những vườn dứa giống mới Cayen cho năng suất và thu nhập cao làm giàu cho địa phương. Sự nghiệp của công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao luôn luôn gắn bó mật thiết với sự đi lên khởi sắc của thị xã Tam Điệp. Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao là khu công nghiệp chế biến hoa quả đồ sộ, là một trong 6 trung tâm chế biến thực phẩm hiện đại và quy mô nhất ở nước ta.
Trong suốt chặng đường hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, công nhân Đồng Giao luôn được Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Tổng công ty rau quả và nông sản sau sát chỉ đạo, đứng mũi chịu sào và kề vai sát cánh để giữ nông trường Đồng Giao, đưa Đồng Giao tiến lên thành công ty thực phẩm xuất khẩu bề thế như ngày hôm nay.
Quang Sơn - một vùng đồi khô cằn sỏi đá mà người Đồng Giao hay gọi “chế” thành đất “Quang Sỏi”. Nhà máy Xi măng Tam Điệp công suất 1,4 triệu tấn/năm đặt tại đây làm vùng đất “Quang Sỏi” ngày nào trở thành những dãy phố thẳng tắp, những con đường rải nhựa phẳng lì vào tận các hộ dân. Nhà Văn hoá TX Tam Điệp đứng sừng sững, án ngữ cạnh trụ sở Thị uỷ, UBND khang trang tươm tất. Tam Điệp mùa này rộn ràng như ngày hội. Người lớn lên đồi, vào xí nghiệp, đi cơ quan. Trẻ con ríu rít ở các khu nhà trẻ, trường mầm non khang trang đạt chuẩn quốc gia. Chếch về hướng Đông Bắc của thị xã, Dự án khu vui chơi giải trí hồ Đồng Thái và sân golf Yên Thắng 54 lỗ đang được khẩn trương xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2010 hứa hẹn nhiều tiềm năng du lịch cho Tam Điệp. Một thị xã từng bị xem là “Thị xã bị bỏ quên” bây giờ đang thức tỉnh vùng lên mạnh mẽ.
Mai Quý Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét