10 thg 10, 2016

Phát triển các trường trung học phổ thông chuyên

Thứ Ba, 11/10/2016, 01:52:54
 Font Size:     |        Print
 

Học sinh lớp 11 chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Ðịnh) trong giờ học tập.
 Font Size:     |  
Từ năm 2010 đến 2016, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) cùng các địa phương thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề án phát triển các trường THPT chuyên. Bên cạnh duy trì những kết quả đạt được, mục tiêu từ nay đến năm 2020 là xây dựng và phát triển trường THPT chuyên có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại.
Ðầu tư "kép"
Ðầu tư "kép" là đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Nói đến trường THPT chuyên, nhiều người nghĩ ngay rằng cơ sở vật chất sẽ tốt hơn các trường THPT không chuyên, cho nên có nhiều học sinh giỏi. Tuy nhiên, bên cạnh một số trường được địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, cũng còn không ít trường THPT chuyên đã xuống cấp, diện tích chật hẹp, thiếu phòng học chức năng, ký túc xá…, chưa đáp ứng yêu cầu chung của đề án. Thầy giáo Vũ Ðình Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Tuyên Quang (Tuyên Quang) nêu thực trạng: Ðội ngũ giáo viên của trường còn thiếu (mới đạt tỷ lệ 2,4 giáo viên/lớp); chất lượng đội ngũ chưa đồng đều; cơ sở vật chất thiếu thốn (không có khu nội trú, khu tập luyện thể dục thể thao, nhà đa năng). Vì vậy, nhiều khả năng từ nay đến khi kết thúc đề án (năm 2020), Trường THPT chuyên Tuyên Quang không đáp ứng được tiêu chí đạt chuẩn quốc gia.
Theo TS Vũ Ðình Chuẩn, Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD và ÐT), thời gian qua, các địa phương thực hiện có hiệu quả sáu mục tiêu đề án, nhất là mục tiêu về xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tại thời điểm xây dựng đề án (năm học 2009 - 2010), cả nước có 68 trường chuyên, bảy khối chuyên; tỉnh Ðác Nông chưa có trường chuyên. Ðến nay, cả nước có 47 trong tổng số 75 trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 62,6%). Trong đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Lâm Ðồng, Ðồng Tháp, An Giang… có hai trường chuyên, khối chuyên trở lên.
Ðể nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn, Bộ GD và ÐT đã tăng quyền tự chủ cho các địa phương về công tác tuyển sinh. Khi có cơ chế tự chủ tuyển sinh, một số địa phương như: Nam Ðịnh, Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Thọ… đã sử dụng bộ công cụ trắc nghiệm để đánh giá chỉ số IQ, EQ, AQ của học sinh. Mặc dù việc sử dụng kết quả trắc nghiệm năng lực để tuyển sinh còn ở mức độ ban đầu nhưng từ kết quả đo được cho thấy, đây là cơ sở quan trọng nhằm phát hiện năng lực tư duy khoa học, khả năng xử lý thông tin và khả năng vượt khó của học sinh.
Khi chất lượng dạy và học tại các trường THPT chuyên được nâng lên, Bộ GD và ÐT cũng điều chỉnh một số cách đánh giá, lựa chọn học sinh giỏi (chủ yếu trường THPT chuyên) theo hướng tiệm cận với yêu cầu chung của thế giới. Từ năm học 2011 - 2012, Bộ GD và ÐT đã đưa các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết vào thi môn Ngoại ngữ. Từ năm học 2012 - 2013, đưa nội dung thực hành, thí nghiệm vào thi các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Ngoài ra, việc thi chọn và tập huấn đội tuyển quốc gia dự Ô-lim-pích khu vực, quốc tế cũng có những điều chỉnh khi tổ chức thêm vòng thi tuyển chọn, tổ chức thi thực hành đối với các môn thực nghiệm, tăng thời gian tập huấn. Với những điều chỉnh trên, thành tích của các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, Ô-lim-pích khu vực và quốc tế đã tiến bộ vượt bậc so với các năm trước. Số lượng và chất lượng giải của đội tuyển quốc gia các môn khoa học thực nghiệm được nâng lên rõ rệt. Qua các năm tham gia Ô-lim-pích khu vực và quốc tế, các đoàn học sinh Việt Nam đều đạt thành tích xuất sắc.
Những cách làm hiệu quả
Từ nhiều năm nay, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Ðịnh) luôn là điểm sáng trong hệ thống các trường chuyên cả nước. Theo thầy giáo Vũ Ðức Thọ, Hiệu trưởng nhà trường: Nhà trường luôn xác định, muốn nâng cao chất lượng học sinh giỏi thì trước hết cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Nhà trường thường xuyên liên hệ các trường sư phạm để "mời" những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc cũng như giáo viên dạy giỏi trong tỉnh về trường. Sau khi tìm đủ nguồn, nhà trường tổ chức kỳ thi để đánh giá đúng năng lực từng giáo viên; lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu. Hằng năm, trường cử từ hai đến ba giáo viên "cốt cán" của mỗi tổ chuyên môn rà soát, chỉnh sửa chương trình khung cho phù hợp với nội dung dạy học và thi cử. Dựa trên chương trình khung đã xây dựng, các giáo viên sẽ xây dựng hệ thống bài giảng của mình và chỉnh sửa hằng năm cho phù hợp đối tượng học sinh từng lớp…
Trong khi đó, Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn (Ðà Nẵng) đã xác định, để nâng cao chất lượng giáo dục cần chú trọng hợp tác quốc tế. Trường đã triển khai nhiều chương trình trao đổi học sinh, cử giáo viên tập huấn ở nước ngoài và một số hoạt động dạy học bằng Tiếng Anh, Tiếng Pháp do người bản xứ trực tiếp giảng dạy nhằm trang bị cho học sinh năng lực để hội nhập thế giới. Những năm qua, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) luôn chú trọng phát triển thành trung tâm giáo dục chất lượng cao. Theo cô giáo Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng nhà trường: Ðể làm được điều đó, trường đã thực hiện bốn nhóm giải pháp, trong đó chú trọng nhóm giải pháp về xây dựng trường thành hệ thống giáo dục mở; tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Môi trường học tập mở gắn với hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã tạo cơ hội cho học sinh được trao đổi các ý tưởng và học hỏi phương pháp tiếp cận vấn đề, phương pháp học tập sáng tạo. Từ đó, ước mơ và khát vọng của học sinh được nảy nở, phát triển cho nên các em đã hăng say trong học tập, dám ước mơ, khao khát vươn lên.
Sau hơn 5 năm triển khai đề án, Bộ GD và ÐT khẳng định, việc đầu tư cho trường chuyên hiện còn hạn chế, nhất là cơ sở vật chất. Vì vậy, sở GD và ÐT các tỉnh, thành phố cần tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư nhiều hơn và đầu tư sáng tạo hơn. Yêu cầu đặt ra đối với các trường THPT chuyên là giáo dục toàn diện để học sinh phát triển hài hòa các mặt (đức, trí, thể, mỹ). Trên cơ sở đó, tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu riêng của từng học sinh. Ðiều này phù hợp với mục tiêu giáo dục nói chung, trong đó, trường chuyên phải thể hiện rõ hơn về bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Có như vậy, trường chuyên mới tạo sự khác biệt để trở thành hình mẫu giúp các trường THPT không chuyên học tập.
Quý Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét