13 thg 11, 2012

Gần 8 triệu tấn sắn ế: Cung vượt cầu





9:11 AM, 02/03/2009
Nhiều doanh nghiệp, công ty thu mua sắn lớn ở Chương Mỹ, Quốc Oai - Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến giá sắn tươi, khô năm nay rẻ là do dân trồng quá nhiều, trong khi đó phần lớn các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước thu mua sắn từ các doanh nghiệp rất “nhỏ giọt”(khoảng 10%) và giá chỉ bằng nửa so với năm ngoái nên người trồng sắn và các doanh nghiệp tiêu thụ đang cùng cảnh “tồn kho”
 
Gần 5 nghìn tấn sắn của công ty kinh doanh nông sản Trung Hoà đang ế ẩm


Doanh nghiệp tồn kho sắn
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, sản lượng sắn cả nước năm nay đạt khoảng 8 triệu tấn nhưng dân mới bán được 2 triệu tấn. Diện tích sắn trồng nhiều ở các vùng trung du miền núi phía Bắc như: Phú Thọ, Hoà Bình, Tuyên Quang... và các tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Giám đốc Công ty kinh doanh nông sản Trung Hoà Đỗ Quang Bắc cho biết: Hiện công ty đang tồn trong kho gần 5.000 tấn. Năm 2008 người trồng sắn thu nhập được nên mở rộng diện tích lên khoảng 50%. Tới thời điểm hiện nay, mặc dù thị trường sắn “khởi động” nhưng người trực tiếp làm ra củ sắn họ cũng không muốn bán vì giá quá rẻ, không đủ công và các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước chỉ thu mua của chúng tôi khoảng 10% số lượng sắn mà chúng tôi thu mua của bà con.
Ông Bắc cho biết thêm năm 2008 hơn 50% số công ty bị phá sản do phải vay lãi suất quá cao từ ngân hàng để thu mua sắn cho dân. Có thời điểm công ty của ông nhập sắn từ các chủ buôn nhỏ với giá 3.200 đồng nhưng khi bán cho các nhà máy chế biến thức ăn chỉ được 2000 đồng/kg.
Xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ - Hà Nội) là nơi tiêu thụ sắn lớn nhất miền Bắc. Hằng ngày các tỉnh khu vực phía Bắc vẫn nườm nượp đánh xe từ Hoà Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Phú Thọ... về đây bán cho các công ty, đại lý lớn nhưng hầu hết các công ty chưa tiêu thụ mạnh bởi giá cả bấp bênh và đầu ra gặp rất nhiều khó khăn. Ở xã Phú Nghĩa có hơn 100 công ty thu mua sắn. Hiện nay các công ty cũng đang điêu đứng vì không bán được sắn, thậm chí càng bán càng lỗ.
Doanh nghiệp “kêu cứu”
Nói về sắn năm nay, từ nhà nông cho đến doanh nghiệp không mấy mặn mà bởi giá sắn quá rẻ. Là người có thâm niên hơn 30 năm kinh doanh mặt hàng nông sản, ông Đỗ Quang Bắc trăn trở: “Nhà nước cần vào cuộc để giúp người dân và các doanh nghiệp tiêu thụ sắn.” Ông Bắc giải thích: 1 tạ sắn sấy khô được 50kg, sang tháng chỉ được 40kg và tháng sau nữa chỉ được 30kg. Nếu trong vòng một tháng nữa số lượng sắn còn lại dưới đất của người dân không bán được thì các doanh nghiệp không thu mua nữa vì lượng tinh bột giảm, không còn giá trị.
Ông Hoàng Duy Thịnh - Giám đốc Công ty Duy Thịnh phàn nàn. Với sắn khô công ty mua vào giá 2.100 đồng/kg, nhưng khi bán cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi họ chỉ trả 2000 đồng/kg. Hằng ngày công ty vẫn thu mua sắn của dân, chất đống càng ngày càng cao. Bằng thời điểm này năm ngoái các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đã dự trữ sắn chế biến tới 80%, và nông dân cũng đã thu hoạch xong.
Cũng theo ông Thịnh, nếu bây giờ thị trường Trung Quốc không nhập sắn nữa thì tất cả số sắn của các công ty đã mua và của người nông dân ở ngoài đồng chỉ có thể đem ra làm phân bón. Nhà nước cần kích cầu, cùng doanh nghiệp tìm đầu ra để xuất khẩu sắnđể nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước không phải điêu đứng vì sắn.
Một nông dân trồng sắn ở xã Tân Minh (Đà Bắc - Hoà Bình) nói, để bán được 1 triệu đồng từ sắn, anh đã phải thuê công dỡ và vận chuyển mất gần 1,5 triệu. Hiện mức giá sắn tươi người nông dân chỉ bán được từ 250 - 300 đồng/kg.
Mai Quý Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét