13 thg 11, 2012

Đà Bắc - Hoà Bình: Sắn "phụ" người nghèo





9:10 AM, 23/02/2009
Như mọi năm, đến thời điểm này người dân ở (Đà Bắc - Hoà Bình) đã vỡ đất trồng xong sắn nhưng do giá sắn rẻ chỉ bằng nửa so với năm ngoái (300 đồng/kg), nên người trồng sắn và lái buôn đang khốn khổ về sắn. Tổng diện tích đất trồng sắn năm 2008 của huyện là 2.400 ha, thu hoạch được khoảng 30%.
 
Sắn được mùa mà dân không vui!



300 đồng/1kg sắn tươi
Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Pheo Hà Văn Thích cho biết, theo thời vụ lẽ ra đến thời điểm này người dân đã thu được khoảng 90% diện tích sắn và trồng mới tươm tất. Năm ngoái tổng diện tích đất sắn của xã là 90 ha, bà con bán được (700đồng/kg) phấn khởi lắm, nên họ đã tăng diện tích xấp xỉ 150 ha với mong muốn sớm thoát nghèo. Nhưng không ngờ năm nay sắn rẻ là vậy mà người ta chẳng thèm mua.
Từ thành phố Hoà Bình, dọc theo tỉnh lộ 433 từ đầu huyện đến xã xa nhất có hàng nghìn ha sắn của nông dân đã rụng lá chờ thu hoạch, nhưng phần lớn vẫn đang nằm yên dưới đất.
Xã Tân Pheo hiện mới có khoảng 30% diện tích sắn thu hoạch. Theo lời ông Chủ tịch Hội nông dân, những người bán là do đã nhận tiền của lái buôn từ trong năm để đầu tư sản xuất nên họ mới mua. Một phần bán được vì sắn nằm ngay đường tỉnh lộ, thuận lợi xe vận chuyển. Trong tổng diện tích 30% mà dân đã bán hầu hết rơi vào những hộ quá nghèo, không còn thóc gạo để ăn phải bán tống bán tháo để chi tiêu.
Nhà ông Đặng Văn Sơn ở xóm Bon vừa bán được 20 tấn sắn buồn rầu kể: “Năm nay được mùa mà không vui. Dân ở đây năm nay nhà ít cũng hơn chục tấn sắn, nhà nhiều thì 4 - 50 tấn. Nhà mình đi thu hoạch sắn cách đây 3km. Cả ngày mỗi người gùi được 4 chuyến khoảng 150 - 200kg. Như năm ngoái được giá mọi người phấn khởi thu nhanh, chứ năm nay mà đi thuê người thu hoạch thì thà để dưới đất còn hơn! Một ngày người khoẻ gùi được 200kg sắn về nhà khi bán nhân với giá 300 đồng/kg được 60.000 đồng, trả công cho người ta là hết. Vậy là cả năm trồng sắn không công!”. Năm nay mình thu được 20 tấn, nhân với giá 300 đồng/kg được 6 triệu mà mình đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc mất khoảng 6 triệu đồng rồi”.
Năm ngoái nhiều bà con ở đây đã mất nhiều tiền đầu tư đi sang tỉnh Phú Thọ mua giống thuê xe chở về.
Gia đình ông Sơn là một trong số ít nhà may mắn bán được sắn dù biết là rất rẻ không có công. Ông bảo với tôi không bán thì lấy tiền đâu mà mua gạo, mua mắm và đóng học cho con.
Sang các xã Tân Minh, Đoàn Kết, Cao Sơn nghe bà con kể chuyện vế sắn mà buồn cho họ. Do ở địa hình cao, nhiều đồi dốc nên lúa nước ở đây chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Theo người dân xã Tân Minh, xã Đoàn Kết, vài năm nay họ coi sắn là cây cứu đói nhưng giờ lại đói vì sắn.
Vì trồng nhiều, họ không thể thái ra phơi khô xuể được nên có nhà dù giá rẻ mà có người hỏi mua cũng vẫn bán. Còn với những hộ có sắn ở những nơi không thuận lợi cho xe đi lại thì người dân chỉ còn chờ đợi chứ làm gì có tiền mà thuê người thu mang ra đường tỉnh lộ.
“Phần lớn người trồng sắn mong muốn bây giờ bán được để còn trồng sắn mới cho vụ sau. Nhưng có phải muốn bán là bán được đâu?" - Một nông dân tên Bàn Văn Hịn ngán ngẩm nói.
Dân buôn cũng buồn

Cả tuần nay mới có xe vào mua sắn
Chúng tôi sang xóm Cò Phày, xã Tân Minh đúng lúc có lái buôn đang cân sắn cho vài hộ rìa đường. Một lái buôn tên Tuấn nói: “Năm ngoái hầu như ở xã Tân Minh, Tân Pheo tôi thu mua hết. Nhưng năm nay do giá sắn thấp mình chạy không có lãi nên chỉ thu mua những hộ đã ứng tiền của mình từ trước. Xe có trọng tải 3,5 tấn nhưng luôn phải chở trên 10 tấn ra tận Quốc Oai, Hà Nội. Hơn trăm cây số mà chỉ bán được giá 500 đồng/kg. May mà xe của nhà, mình tự lái chứ đi thuê xe, thuê người lái có mà mỗi chuyến lỗ tiền triệu".
Anh Lường Văn Chương buồn rầu nói: “Nhà mình vừa bán được 2 tấn, nhân với giá 3.000đồng/kg là 600.000 đồng nhưng phải trừ đi 300.000 đồng tiền vay của lái buôn năm ngoái. Trong đồi nhà mình vẫn còn khoảng chục tấn, nhưng ông Tuấn bảo không mua nữa thì biết làm thế nào. Không bán được chắc phải để sang năm luôn chú ạ vì nếu đến tháng 3 âm lịch mà không làm đất trồng mới được thì đành để dưới đất và đi vay nợ đong gạo sống qua ngày. Nghĩ về sắn năm nay cả xóm chảy nước mắt!
Ông Hà Văn Thích, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Pheo cho biết, thời điểm trồng sắn thích hợp nhất là từ tháng 1 và muộn nhất đến 20-3 âm lịch. Nếu bà con nông dân không giải phóng được đất thì coi như một năm nay cái đói lại đe doạ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hoà Bình hiện có trên 13 nghìn ha sắn, tập trung chủ yếu ở các huyện Đà Bắc, Lạc Sơn, Tân Lạc... Riêng Đà Bắc là 2.400 ha, Lạc Sơn: 2.500 ha, Tân Lạc: 1.600 ha.
Đến thời điểm này, mặc dù đã bước sang vụ trồng sắn mới nhưng chỉ có khoảng 30% diện tích sắn được thu hoạch. Năng suất bình quân 11 tấn/ha, ước tính toàn tỉnh hiện vẫn còn trên 110 nghìn tấn sắn tươi vẫn đang nằm rải rác dưới đất vì người người dân thu hoạch quá ít do giá quá rẻ.
Năm nay người nông dân biết sắn “phụ” nhưng vẫn phải trồng tiếp vì ở những sườn đồi dốc này không có cây hoa màu nào phát triển được như cây sắn.
Mai Quý Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét