ND-Sống trong một gia đình có truyền thống hành nghề lương y ở Hải Phòng, thạc sĩ Vũ Thị Thuận ước mơ sau này sẽ tiếp nối nghề nghiệp của bố mẹ. Suốt những năm tháng sinh viên Trường đại học Dược Hà Nội, chị đã liên tục gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, trở thành gương mặt điển hình, niềm tự hào của trường. Khi ra trường, chị xác định, bằng mọi cách phải mang kiến thức học tập làm những việc có ý nghĩa thiết thực.
Thạc sĩ Vũ Thị Thuận( người thứ ba từ phải sang) kiểm tra "Dây chuyền sản xuất thuốc hoàn toàn tự động". |
Vượt khó bằng lòng nhiệt huyết
Rời giảng đường đại học (1979), chị được phân công về Sở Y tế Giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) với cương vị cán bộ kỹ thuật. Sau một thời gian, chị được phân công đảm đương một xưởng sản xuất thuốc tuềnh toàng. Nhưng nhờ sự thông minh, năng động, ngay từ những ngày đầu bước vào nghề, không theo lối mòn cũ, chị tập trung nghiên cứu tác dụng của những cây thuốc nam để chế ra những loại thuốc. Kết quả là những bài thuốc, loại thuốc của chị đã đến được với người bệnh, mang tác dụng tốt. Năm 1989 tập thể ban lãnh đạo công ty tín nhiệm bầu chị làm Phó Giám đốc kỹ thuật, kiêm Chủ tịch Công đoàn trong suốt 10 năm (1989-1999). Vũ Thị Thuận cùng Công đoàn công ty đã tham gia hiệu quả vào công tác quản lý doanh nghiệp; giám sát việc thực hiện chế độ chính sách xã hội; bảo vệ, chăm lo đời sống CBCNV lao động, thực hiện dân chủ trong đơn vị; bảo đảm công ăn việc làm, các chính sách tiền lương, tiền thưởng cho người lao động. Bình quân thu nhập của người lao động năm sau cao hơn năm trước (tăng 10%/năm). 100% số lao động được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo đảm an toàn khi lao động. Hằng năm, công ty phối hợp với chính quyền và đoàn thanh niên phát động phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo nhân dịp các ngày lễ lớn; thực hiện tốt công tác xã hội từ thiện; hỗ trợ nuôi dưỡng bà mẹ liệt sĩ, trẻ mồ côi; xây nhà tình nghĩa, ủng hộ các quỹ nhân đạo. Năm 1993, chị được đề bạt làm Phó Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm đường sắt. Khi đó nhiều người lo ngại doanh nghiệp của ngành giao thông sản xuất thuốc khó tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Mọi thứ khi đó đều là "ẩn số", chị tất bật cùng Ban giám đốc xoay xở, tìm việc làm cho người lao động. Ðích thân chị cùng công nhân đi mua sắn dây về làm bột sắn, lên Hòa Bình mua mơ tươi về chế biến xi-rô mơ, làm sữa đậu nành rao bán khắp ngõ ngách của Hà Nội. Thời ấy, dọc đường phố Hà Nội bạn bè học đại học cùng chị bung ra mở cửa hàng thuốc, công ty dược phẩm tư nhân thấy chị ngày nào cũng đạp xe nhễ nhại mồ hôi đi qua, nhiều người bảo: "Cậu học giỏi, nhanh nhẹn thế sao cứ bám lấy cái xưởng sắp chết chìm ấy làm gì, ra đây làm ăn với chúng mình". Lúc ấy, nghĩ đến công ty và mọi người đang rất khó khăn, chị đã quyết tâm ở lại. Sau nhiều năm bươn chải nhiều nghề, cuối cùng xí nghiệp do chị lãnh đạo đã có dấu hiệu tăng trưởng.
Tìm hướng đi riêng, mở rộng thị trường
Từ ngày 1-1-2000, công ty bắt đầu cổ phần hóa, với tên gọi Công ty cổ phần Traphaco. Công ty hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính. Chị chia sẻ: Ngành nghề gì muốn phát triển được, ngoài kinh nghiệm, kỹ thuật cần phải có chữ Tâm, lòng nhiệt huyết và muốn sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường phải biết lựa chọn con đường riêng cho mình, làm những cái mà người ta chưa làm. Trước "làn sóng" dược phẩm ngoại tràn vào thị trường trong nước, trong khi đó dược phẩm sản xuất trong nước xuất khẩu sang các nước lại không dễ dàng vì các quy định về nhập khẩu của họ rất khắt khe. Vì thế, mỗi đêm chị lại nghĩ một bước đi mới cho doanh nghiệp của mình. Và thế là thương hiệu dược phẩm Traphaco dần dần được biết đến với nhân sâm, tam thất, hoạt huyết dưỡng não, boganic... sau những tháng ngày ấp ủ dự định cuối cùng đã gặt hái được thành quả. Hiện nay, doanh nghiệp của chị là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dược cả nước có nhà máy thực hành, sản xuất thuốc hiện đại đạt tiêu chuẩn (GMP), có phòng nghiên cứu, thí nghiệm đạt tiêu chuẩn (GLP) và kho bảo quản thuốc đạt tiêu chuẩn (GSP), với gần 200 sản phẩm thuốc đông dược, chiếm 70% thị trường đông dược nước ta. Từ chỗ ban đầu vốn chỉ có 45 triệu đồng và xưởng vài chục mét vuông, đến nay, Traphaco đã có hàng trăm tỷ đồng tiền vốn và với gần một nghìn công nhân có tay nghề, kỹ thuật cao phục vụ sản xuất, kinh doanh. Mở hướng làm ăn mới, chị đã mạnh dạn lên Sa Pa đặt xưởng sản xuất liên doanh trồng cây a-ti-sô với vốn đầu tư ban đầu 45 tỷ đồng để thuê đất, thuê công nhân, mở xưởng chế biến. Năm 2001, khai thác cây a-ti-sô mà Pháp đưa sang ở Sa Pa đạt 50 nghìn tấn, rồi lên 100 nghìn tấn năm 2008. Và sau đó là một xí nghiệp rộng lớn trồng thuốc với vốn đầu tư hơn 60 tỷ được xây dựng tại làng Nghĩa Trai, một làng nghề truyền thống ở Hưng Yên. Thêm công việc, thêm gánh nặng nhưng với chị lại là niềm vui bởi hiện nay nhiều làng nghề đang bị mai một thì chị đã góp phần giữ gìn làng nghề trồng thuốc nổi tiếng. Khi nhiều sản phẩm của Traphaco nổi tiếng trên thị trường, đã có rất nhiều sản phẩm khác làm nhái tương tự. Tính trước được chuyện này, chị đã đăng ký bảo hộ độc quyền thương mại Traphaco trong nước và tại một số nước Bắc Âu, Trung Quốc, Nhật Bản...
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào thực tiễn
Năm 2004, tám dạng thuốc được bào chế mới do Bộ Y tế công bố thì có bốn dạng là của Traphaco. Khéo léo kết hợp các dược liệu truyền thống với các dược liệu mới bằng nghiên cứu khoa học, chị đã thành công và chèo chống "con thuyền" Traphaco vươn rộng thêm ra thị trường thế giới, như: Nga, Ô-xtrây-li-a, Lào... Năm 2005, sản phẩm của công ty đạt tiêu chuẩn ISO do tổ chức của Anh công nhận và cách đây hai năm đạt chứng chỉ ISO 9001-2000; ISO 14001-2004. Hằng năm có hàng chục sản phẩm mới được tung ra thị trường. Không chỉ nghiên cứu khoa học, để công ty và sản phẩm có chỗ đứng chị còn nghiên cứu đến yếu tố tâm lý của con người qua mầu sắc trên bao bì, chẳng hạn như: Thuốc bổ máu, hộp thuốc mầu hồng, đau dạ dày vỏ hộp thuốc mầu xanh... ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, điển hình nhất là sản phẩm hoạt huyết dưỡng não, boganic... (đề tài cấp Nhà nước và là kết quả của dự án cây chè dây). Thành công thuốc hoạt huyết dưỡng não cho công ty doanh thu từ sản phẩm này mỗi năm lên tới 100 tỷ đồng. Theo chị, Sa Pa là nơi lý tưởng để nghiên cứu trồng những cây thuốc quý vì điều kiện khí hậu tốt. Như cây chè dây mọc tự nhiên, muốn có nguồn thuốc mình phải trồng theo công nghệ (GACP) trồng sạch, bảo vệ môi trường, an toàn, chủ động nguồn nguyên liệu, nguồn tài nguyên. Hiện công ty đang nghiên cứu cây ô đầu cho vị thuốc phụ tử, đến thuốc trợ tim, cường tim. Nhiều cây thuốc trước đây nhập từ nước ngoài giờ không phải nhập. Hiện nay, Traphaco đã chủ động được 60% nguồn nguyên liệu thuốc trong nước, phần nhập khẩu, chủ yếu là bao bì, tá dược cao cấp và một số dược liệu nước ta không có.
Bản thân chị đã và đang làm chủ hơn mười đề tài khoa học, dự án cấp Nhà nước, như: "Nghiên cứu xây dựng quy trình chế biến dược liệu sạch a-ti-sô, bạch chỉ, cúc hoa để bào chế một số chế phẩm chất lượng cao"; Ðề tài cấp Nhà nước: "Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất Ampelop làm thuốc điều trị viêm loét dạ dày- tá tràng". Qua nhiều năm đóng góp công sức cho ngành dược, Công ty Traphaco được Ðảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Cá nhân chị được nhận:
Giải thưởng quốc tế Cô-va-lép-xcai-a (2005) cho tập thể nữ khoa học và danh hiệu Giám đốc kinh doanh giỏi, Doanh nhân Việt Nam (2008).
Bài và ảnh: Mai Quý Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét