3 thg 9, 2014

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ bảy, 30/08/2014 - 03:09 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Dây chuyền gieo hạt tự động không chỉ nhanh mà còn đạt độ chính xác cao.
Dây chuyền gieo hạt tự động không chỉ nhanh mà còn đạt độ chính xác cao.

Nhằm phát triển ngành trồng rau, hoa theo hướng an toàn, hiệu quả, tạo tiền đề quan trọng trong tiến trình chuyển đổi từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất theo hướng công nghệ cao, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao". Từ dự án này đã hình thành ba mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính.
Sau hơn một năm triển khai, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện được 3/18 mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao, bước đầu đem lại kết quả khá tốt.
Đó là các mô hình sản xuất giống cà chua ghép, trồng chuối ngự nuôi cấy mô và trồng hoa phong lan. Đến thăm mô hình sản xuất giống cà chua ghép tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng chúng tôi thấy người lao động không phải lao động vất vả vì được làm việc trong môi trường nhà kính. Mô hình nói trên có diện tích 500 m 2 , được thiết kế bằng khung giàn thép. Ở bên trong có hệ thống điều hòa không khí, giá đỡ và hệ thống chiếu sáng được lắp đặt trên các thanh xà gồ bằng bóng đèn nê-ông...
Ông Nguyễn Văn Đề, chủ mô hình vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn vừa cho biết: Gia đình làm nghề sản xuất cây giống bắt đầu từ năm 1985, đến đầu năm 2014 thì sản xuất chủ yếu giống cà chua ghép. Trước đây, để sản xuất được giống cà chua ghép, gia đình phải đi thuê đất ở huyện Tam Đảo vì ở đó khí hậu thuận lợi, tuy nhiên việc đi lại, vận chuyển gặp không ít khó khăn, tốn kém.
Đầu năm 2014, được dự án hỗ trợ 200 triệu đồng, gia đình xây dựng hệ thống nhà kính với tổng mức đầu tư là 600 triệu đồng, Sở KH và CN Vĩnh Phúc trợ giúp về kỹ thuật. Theo ông Đề, qua nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, ông đã sử dụng cây cà chua ghép trên gốc cây cà tím và kết quả cho thấy đã hạn chế được bệnh héo xanh vi khuẩn, sương mai, đốm lá, xoăn vàng lá...
Thực tế cũng cho thấy, cây cà chua ghép trên gốc cà tím có khả năng chịu nhiệt, ngập úng, cho nên người dân có thể trồng nhiều vụ trong năm. Cà chua ghép trên gốc cà tím có bộ rễ khỏe, giúp tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, các chùm hoa phân bố đều cho nên dễ đậu quả kể cả trong điều kiện thời tiết bất thường. Cây cà chua ghép cho năng suất, giá bán cao hơn từ 20 đến 25% so với cây cà chua không ghép.
Về nguồn gốc của gốc ghép, gia đình ông Đề đã sử dụng giống cà tím EG203 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công nhận.
Qua nhiều năm thử nghiệm và triển khai sản xuất trên diện rộng, giống cà tím này đã thể hiện được ưu điểm vượt trội so với các giống cà tím khác ở khả năng kháng bệnh cũng như đạt năng suất, chất lượng cao.
Ngoài giống cà chua ghép, gia đình ông Đề còn sản xuất được 20 loại giống rau, dưa, bầu, bí (riêng giống cà chua ghép chiếm 70% diện tích). Ông Đề cho biết thêm: Năm nay có nhà kính, gia đình dự định sản xuất 1,5 triệu cây cà chua ghép vì nhu cầu của người dân với giống này khá cao.
Thông qua việc sản xuất giống cà chua ghép cũng như một số giống cây khác, gia đình ông Đề đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân từ ba đến sáu triệu đồng/người/tháng.
Đề cập kỹ thuật sản xuất, ông Đề cho biết: Quy trình sản xuất giống cà chua ghép cũng như các loại giống cây khác rất cần sự chịu khó, khéo léo và tỉ mỉ của các bộ phận kỹ thuật. Công việc đầu tiên là sản xuất giá thể gồm nhiều thành phần như: Đất, xơ dừa, trấu hun, phân hữu cơ hoai mục rồi nghiền thành bột hỗn hợp. Các chất hỗn hợp nói trên sau khi đóng thành bầu được cho lên băng chuyền "gieo" hạt tự động. Cứ như vậy, hàng chục bầu cây giống được "gieo" hạt chỉ trong nháy mắt với độ chính xác cao.
Khi hạt giống nảy mầm, chúng được đem từ nhà kính ra ngoài trời trồng. Sau khi cây cà tím trồng được 30 ngày tuổi, cà chua 20 ngày tuổi thì bắt đầu ghép.
Những cây đã ghép đều phải chuyển vào nhà kính để điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ phù hợp. Ghép được khoảng 10 ngày thì có thể bán cho người dân về trồng. Trước đó, để sản xuất được hơn một triệu cây cà chua ghép, gia đình ông Đề đã sử dụng một ha đất ở xã Đại Đồng (Vĩnh Tường), một ha đất tại huyện Tam Đảo để trồng cây cà tím, cà chua làm nguyên liệu ghép.
Chia sẻ về dự án nói trên, Giám đốc Sở KH và CN Vĩnh Phúc Ngô Khánh Lân cho biết: Căn cứ vào Nghị quyết của HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao", do Sở KH và CN Vĩnh Phúc làm chủ dự án. Dự án được phê duyệt từ năm 2013 nhưng triển khai thực tế đầu năm 2014. Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ, mỗi huyện, thị xã, thành phố thực hiện thí điểm hai mô hình, tuy nhiên đến nay dự án mới triển khai được ba mô hình và ba mô hình khác đang trong giai đoạn thiết kế. Trong ba mô hình đã triển khai, mô hình sản xuất giống cà chua ghép ở Vĩnh Tường được sở đánh giá cao, mỗi năm sản xuất được hơn một triệu cây cà chua giống, cung cấp cho tỉnh Vĩnh Phúc và người dân ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Vĩnh Phúc hiện nay cũng gặp phải một số khó khăn, hạn chế.
Ông Ngô Khánh Lân chia sẻ: Quan điểm của tỉnh cũng như Sở KH và CN là luôn chú trọng, ưu tiên và sẵn sàng đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, do việc tuyên truyền đến người dân còn hạn chế cho nên số hộ dân tham gia chưa nhiều, một số khác mặc dù đăng ký tham gia nhưng sau đó xin rút với lý do không đủ kinh phí đầu tư. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất; nhân rộng các mô hình trồng rau, hoa, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao.
LONG THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét