Thứ Tư, 05/09/2018, 01:36:04
Thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ triển khai nhiều mô hình giáo dục trường học gắn với cuộc sống nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, từng bước tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tuy là hình thức dạy học mới nhưng bước đầu đã nhanh chóng được các trường, giáo viên, học sinh đón nhận và hưởng ứng tích cực.
Ða dạng các mô hình giáo dục
Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ có hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận là hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Với mô hình trường học gắn với di sản, đến nay, tất cả các trường tiểu học ở Việt Trì đã đưa hát Xoan vào trường học bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các trường thường xuyên mời nghệ nhân ở các phường Xoan gốc đến dạy hát cho học sinh trong giờ hoạt động giáo dục tập thể; giáo viên lồng ghép dạy hát Xoan trong giờ âm nhạc và các giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt đội. Tại Trường tiểu học Ðinh Tiên Hoàng, ngoài việc đưa hát Xoan đến với học sinh, nhà trường còn thành lập câu lạc bộ hát Xoan ở tất cả các khối, lớp; tăng cường giao lưu các câu lạc bộ trong toàn trường và giao lưu với các nghệ nhân ở các phường Xoan gốc… Việc đưa hát Xoan vào dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm trong và ngoài nhà trường trở thành hoạt động thường xuyên, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa hát Xoan của tỉnh Phú Thọ.
Tại Trường THCS Thanh Ðình (TP Việt Trì), mô hình trường học gắn với vườn đào Nhà Nít được đánh giá là một trong các mô hình tiêu biểu. Xã Thanh Ðình có làng nghề trồng đào Nhà Nít được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là làng nghề truyền thống. Vì vậy, việc dạy cho học sinh quy trình trồng đào để phát triển làng nghề là rất cần thiết. Dẫn chúng tôi thăm mô hình, thầy giáo Hà Sỹ Toàn, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Ðình cho biết: Mô hình triển khai từ năm học 2017-2018, có diện tích khoảng 700 m2, với 150 gốc đào phai, đào bích đã và đang phát triển tốt. Trong quá trình thực hiện, nhà trường tổ chức các buổi ngoại khóa, trải nghiệm học tập cho học sinh; tích hợp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây đào cho học sinh trong giờ học môn Sinh học, Công nghệ, Hóa học. Em Lê Thị Minh Hảo, lớp 9A, Trường THCS Thanh Ðình chia sẻ: "Tham gia mô hình, chúng em được các thầy giáo, cô giáo hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, tỉa cành, tuốt lá, hãm gốc để hoa ra đúng dịp Tết khiến bạn nào cũng hào hứng. Việc học lý thuyết trên lớp và thực hành ngay trong khuôn viên trường khiến tiết học trở nên gần gũi, sinh động và hấp dẫn hơn".
Xuất phát từ việc học sinh ở nội trú, nhu cầu sử dụng rau sạch cao, đầu năm học 2017-2018, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ lựa chọn mô hình trường học gắn với trồng rau sạch. Theo thầy giáo Trần Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng nhà trường, với mô hình đang triển khai, bên cạnh việc cung cấp nguồn rau sạch phục vụ học sinh còn là nội dung dạy học. Sau mỗi tiết lý thuyết, giáo viên hướng dẫn học sinh thực hành ngay trong khuôn viên trường. Qua các tiết học thực hành, giáo viên giúp học sinh tìm hiểu, quan sát môi trường sống của thực vật trong tự nhiên để khắc sâu kiến thức, kỹ năng trong các môn học.
Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tỉnh Phú Thọ, đến nay, toàn tỉnh có 70 trường tiểu học, 52 trường THCS và năm trường THPT thực hiện mô hình trường học gắn với cuộc sống. Trong đó, có nhiều mô hình được triển khai diện rộng như: Mô hình trường học gắn với vườn chè (huyện Thanh Sơn); mô hình trường học gắn với cây bưởi đặc sản Ðoan Hùng (huyện Ðoan Hùng); mô hình trường học gắn với di sản hát Xoan và mô hình trường học gắn với vườn đào (TP Việt Trì); mô hình trường học gắn với chăn nuôi (huyện Thanh Thủy)…
Tăng cường phối hợp gia đình và cộng đồng
Theo thầy giáo Hà Sỹ Toàn, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Ðình (TP Việt Trì), mặc dù việc thực hiện mô hình trường học gắn với cuộc sống còn gặp một số khó khăn về tài liệu giảng dạy, kỹ thuật, kinh phí, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, chính quyền địa phương đã tin tưởng ủng hộ. Bên cạnh đó, cha mẹ học sinh tích cực ủng hộ cây giống, tư vấn kỹ thuật; tạo điều kiện để học sinh tham quan, trải nghiệm các mô hình, di sản văn hóa trên địa bàn. Theo Phó Trưởng phòng GD và ÐT huyện Thanh Sơn Phan Xuân Huy, mặc dù các trường trên địa bàn đều tham gia mô hình trường học gắn với cuộc sống, nhưng thực tế mới chỉ thực hiện được từng phần do còn gặp khó khăn về quỹ đất, kinh phí, kinh nghiệm. Vì vậy, Phòng GD và ÐT huyện đã chỉ đạo các trường nếu chưa đủ các điều kiện thì nên thực hiện từng phần của mô hình, tránh thực hiện hình thức, gây lãng phí. Các trường có thể linh hoạt cho học sinh tham quan, học tập ở một số mô hình hiệu quả ở các trường, trang trại, làng nghề, di tích, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Là người thường xuyên hướng dẫn giáo viên, học sinh Trường THCS Thanh Ðình chăm sóc đào theo đúng quy trình, kỹ thuật, ông Phan Văn Kiêu, Trưởng làng nghề hoa đào Nhà Nít (xã Thanh Ðình, TP Việt Trì) cảm thấy rất vui khi làm công việc này. Ông cho biết, từ khi Trường THCS Thanh Ðình xây dựng mô hình trường học gắn với vườn đào Nhà Nít, ông đã tham gia hướng dẫn giáo viên, học sinh rất chi tiết về cách chọn cây giống, cách đào hố, cách trồng, chăm sóc. Ðến nay, học sinh đã nắm vững quy trình chăm sóc đào. Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật, làng nghề đã tặng cho nhà trường 30 cây đào giống.
Ðến nay, mô hình trường học gắn với cuộc sống được đưa vào nhiệm vụ năm học ở Phú Thọ. Tuy vậy, các trường không đặt nặng vấn đề thành tích, mà có giải pháp thực hiện thiết thực, hiệu quả, sáng tạo, phù hợp năng lực, độ tuổi học sinh trên tinh thần tự nguyện. Chẳng hạn, đối với học sinh tiểu học thì mô hình chè, bưởi chủ yếu cho học sinh tham quan, tìm hiểu. Cũng mô hình này, học sinh THCS có yêu cầu cao hơn trong việc tìm hiểu về tên khoa học của cây, đặc tính sinh học, giá trị kinh tế, tác dụng trong đời sống. Lên THPT, học sinh cần được học cách ươm, chăm sóc, bảo quản, chế biến sau thu hoạch... Vì vậy, học sinh tham gia mô hình được đi tham quan, đồng thời giáo viên có trách nhiệm rà soát chương trình dạy học, tích hợp vào tiết dạy để lý giải những vấn đề thực tiễn.
Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Minh Tường cho biết, mô hình trường học gắn với cuộc sống đã góp phần thực hiện đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, gắn học tập với thực hành, gắn lý thuyết với thực tiễn, từng bước tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới và định hướng nghề nghiệp. Mô hình mới đã tạo ra môi trường học tập thân thiện, giúp học sinh hiểu giá trị của lao động, gắn kiến thức lý thuyết đã học với thực tiễn lao động, sản xuất. Các mô hình cũng hướng đến việc phát triển kỹ năng sống, giá trị sống, khả năng sáng tạo, hợp tác, làm việc với cộng đồng, giữ gìn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống, phát triển nghề của địa phương...
Theo đánh giá của Phó Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD và ÐT) Nguyễn Xuân Thành, hoạt động nói trên được nhiều địa phương như: Phú Thọ, Tuyên Quang, Hòa Bình, Lào Cai quan tâm, triển khai và bước đầu đạt được kết quả tích cực. Thông qua các mô hình, bài học ở môn Sinh học, Hóa học, Công nghệ... được các trường gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của địa phương. Cùng một nội dung kiến thức, nhưng mỗi địa phương có cách vận dụng khác nhau vì đặc thù sản xuất, kinh doanh khác nhau. Căn cứ chương trình, nhiệm vụ năm học, kế hoạch từng nhà trường, năm học 2018-2019, Bộ GD và ÐT khuyến khích các địa phương tăng cường phối hợp gia đình, cộng đồng thực hiện và mở rộng mô hình này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét