4 thg 9, 2012

Chuyện học ở quê lúa

Cập nhật lúc 02:01, Thứ tư, 05/09/2012 (GMT+7)

Tủ sách lớp học ở Trường THCS An Vinh (Quỳnh Phụ, Thái Bình) là nơi giúp các em học sinh nâng cao ý thức tìm tòi, học hỏi.  
 
Không phải là "đất học" nhưng những năm gần đây, kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ), tỉnh Thái Bình luôn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Ðây cũng là địa phương đầu tiên hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học mức độ hai và là một trong chín tỉnh dự kiến hoàn thành phổ cập mầm non năm tuổi trong năm 2012...
Từ những cách làm hay
Khi được hỏi về chuyện học tập của con em địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy, Thái Bình) Ðồng Minh Chính cứ trăn trở nêu việc đầu tư cho chuyện học của con em mình chưa nhiều vì đời sống của người dân vùng ven biển nơi đây còn nhiều khó khăn. Ở các thôn, nhất là những thôn có các hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt hải sản thì sự quan tâm của bố mẹ đến việc học tập của con cái có phần hạn chế. Nhưng điều mừng là nơi đây không có cháu nào bỏ học bởi đã hình thành nên những thôn, làng "ông, bà trông cháu". Khi bố mẹ mải lo kiếm sống thì việc học tập, đến trường của trẻ đều do ông, bà chăm lo. Vì vậy, theo thống kê của trưởng thôn Ðồng Xuân (xã Thụy Trường) Nguyễn Ðức Tân thì tất cả 40 học sinh tiểu học, trong đó có sáu học sinh thuộc diện khó khăn nhưng đều đi học chuyên cần. Ðáng chú ý, cả thôn hằng năm đều có gần chục học sinh đỗ các trường đại học trên cả nước.
Không chỉ tinh thần hiếu học ở mỗi người dân luôn được hun đúc mà trong mỗi trường, lớp học cũng có những cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Cô giáo Vũ Thị Thoại, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thụy Trường "bật mí" về phương pháp giảm chi phí học tập cho học sinh. Cùng với phong trào của toàn ngành được phát động, nhà trường đã tổ chức "tủ sách dùng chung". Với một bộ sách mới, học sinh sẽ thuê bằng khoảng 30% đến 35% giá bìa. Kết thúc năm học, học sinh trả lại sách cho nhà trường để học sinh khóa sau thuê với giá giảm dần 10% đến 15%. Việc làm này vừa giảm tối đa chi phí học tập của học sinh, giúp các em tính tiết kiệm, cẩn thận. Ðến nay, 70% số học sinh của trường học bằng sách thuê.
Rời Thái Thụy, đến với Trường THCS An Vinh, huyện Quỳnh Phụ, chúng tôi cứ băn khoăn khi thấy mỗi lớp học đều có một tủ sách. Phải chăng các trường học vẫn còn thiếu phòng học chức năng, tư liệu thư viện? Trưởng phòng GD và ÐT Lại Cao Hạnh cười tâm đắc: An Vinh là trường chuẩn quốc gia đấy chứ. Nhưng cũng như nhiều trường trong huyện triển khai hiệu quả phong trào văn hóa đọc, xây dựng các tủ sách lớp học như các thư viện mở để học sinh tự quản nhằm kích thích tinh thần tự học, sáng tạo, tìm hiểu kiến thức của học sinh là cái riêng của mỗi trường học ở Quỳnh Phụ. Theo đó, các tủ sách là các loại sách tham khảo và mọi học sinh đều có thể tự nguyện đóng góp và chia sẻ các loại sách để tìm hiểu kiến thức, nâng cao hiểu biết, chuyên cần đến lớp và tính tự quản của các lớp học. Ðến nay, mô hình tủ sách lớp học đã được triển khai xây dựng ở gần 600 lớp học trên địa bàn.
Có lẽ "rào cản" lớn nhất cho phát triển giáo dục Thái Bình là gần 90% dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp, bình quân thu nhập thấp thì việc chăm lo cho giáo dục chưa nhiều. Nhưng bù lại tinh thần hiếu học của mỗi người dân, mỗi dòng họ, mỗi thôn, làng ngày càng được hun đúc cùng với những nỗ lực, những cách làm của mỗi trường, lớp học và các cấp quản lý giáo dục đã góp phần tạo nên những cú huých cho giáo dục nơi đây vươn lên. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Thái Bình Trần Hồng Sơn, ngoài sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, kinh nghiệm cho thấy, ngành GD và ÐT  luôn phải tìm tòi những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đồng bộ giữa các cấp học. Trong đó, các trường mầm non đều được chuyển từ tư thục sang công lập giúp cho các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác và tạo điều kiện thuận lợi chăm sóc, giáo dục trẻ. Giáo dục tiểu học đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, với phương châm, lớp một là nền tảng của mọi cấp học. Từ nền tảng đó, giáo dục THCS được tập trung vào quá trình đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá và lấy kiểm tra, đánh giá để thúc đẩy đổi mới phương pháp. Riêng với bậc THPT, ngoài việc coi trọng "đầu vào" trong tuyển chọn lớp 10 nhằm đánh giá chất lượng giáo dục THCS còn là việc lấy chất lượng giáo dục toàn diện làm mục tiêu hàng đầu.
Ðến những thành công
Sự chung sức, đồng lòng của người dân được thể hiện rất rõ khi coi đầu tư việc học của con em là đầu tư cho tương lai, là "gia sách hàng đầu". Chẳng thế mà gặp chúng tôi khi đang tham gia "nghề tay trái", làm thợ xây, bác Lang Minh Ðức, thôn Quý Sơn, xã Song An (huyện Vũ Thư) vừa quệt mồ hôi, cười vui vẻ kể về hai người con đang học Ðại học Xây dựng và Ðại học Công nghiệp Hà Nội. Niềm vui của bác Ðức cũng dễ hiểu khi cuộc sống chỉ trông chờ vào đồng ruộng của người nông dân một nắng hai sương được đền đáp bằng những thành quả là thế hệ tương lai khôn lớn, chăm ngoan học giỏi. Niềm vui ấy không chỉ len lỏi trong mỗi người dân, mà còn ở mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi nhà trường. Ðến Trường THCS An Vinh khi thầy trò nhà trường đang chuẩn bị các hoạt động giới thiệu phương pháp học tập bộ môn cho học sinh lớp 6, cũng là lúc nhà trường đang lập báo cáo thành tích cho việc nhận bằng khen. Ngôi trường vùng quê nghèo đạt chuẩn quốc gia, nhiều năm liền có 100% số học sinh trong độ tuổi trên địa bàn đến lớp, không có học sinh nào bỏ học... Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thụy Anh (Thái Thụy) Nguyễn Tất Toàn lại có nỗi niềm riêng khi chia sẻ về kết quả giáo dục với lo lắng về học sinh thuộc địa bàn 14 xã còn khó khăn. Thế nhưng, việc một trường nông thôn luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh với tỷ lệ tốt nghiệp thường xuyên đạt 100%, tỷ lệ học sinh đỗ đại học hằng năm đạt từ 70% đến 80%, có lẽ cũng là những điểm nhấn đáng mừng.
Thống kê của Sở GD và ÐT Thái Bình cho thấy, tỷ lệ huy động trẻ đi học ở tất cả các ngành học, cấp học của tỉnh đều đạt tỷ lệ cao, nhiều năm không có học sinh tiểu học bỏ học. Ðến nay, toàn tỉnh có 41,8% số trường mầm non, 97,26% số trường tiểu học, 58,67% số trường THCS và 35% số trường THPT đạt chuẩn quốc gia... Thành tích thi đại học, cao đẳng của tỉnh Thái Bình luôn giữ ổn định ở thứ hạng cao so các tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm 2010 xếp hạng điểm thi đại học của tỉnh đứng thứ tư toàn quốc, năm 2011 đứng thứ năm. Riêng năm 2012, thống kê sơ bộ có 6.588 học sinh (chưa kể khối quân sự, công an) đỗ đại học đợt một (bằng 41,57% so số học sinh tốt nghiệp THPT), trong đó có bốn thủ khoa và 442 học sinh của 26 trường THPT dự thi đạt từ 24 điểm trở lên.  
Những con số thống kê thô cứng nêu trên dù không phản ánh được tất cả nhưng cũng cho thấy, dù vẫn còn khó khăn, bất cập nhưng với truyền thống hiếu học, ý thức chăm lo cho giáo dục và đào tạo của chính quyền và người dân đã góp phần tạo nên những bước ngoặt nâng cao chất lượng giáo dục đồng bộ giữa các cấp học, bậc học trên đất lúa Thái Bình.
Bài và ảnh: XUÂN KỲ, MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét