ND - Trước đây có không ít đề tài và công trình đập truyền thống "ra đời" tốn nhiều tiền của để ngăn mặn cho sông Hương (Thừa Thiên - Huế) nhưng không thành công. Trăn trở trước vấn đề trên, sau nhiều năm suy nghĩ, nghiên cứu, GS, TS Trương Đình Dụ, Cố vấn khoa học Trung tâm công trình đồng bằng ven biển và đê điều trực thuộc Viện Thủy công (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) đã nghiên cứu thành công công nghệ đập trụ đỡ khi thi công đập Thảo Long và nhiều công trình tầm cỡ quốc gia.
Việc chống xâm nhập nước mặn cho sông Hương được chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm từ lâu. Trước đây, độ mặn ở sông Hương không những gây mất mùa cho đồng bằng nam - bắc sông Hương, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến TP Huế. Ở thời Pháp thuộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng đập đá ở gần cửa Thuận An nhằm giảm mức độ mặn xâm nhập vào sông Hương. Đập này tồn tại một thời gian dài nhưng sau đó đã bị hỏng. Sau ngày giải phóng (30-4-1975) nước ta rất quan tâm đến việc giải quyết nguồn nước ngọt cho TP Huế và đồng bằng nam sông Hương, đó là dự án xây dựng đập Cồn ngăn sông Hương ở vị trí cách cầu Trường Tiền khoảng 8 km rồi đào kênh dẫn ngọt về hạ lưu nhưng cuối cùng dự án không thực hiện được. Năm 1978, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Sở Thủy lợi Bình - Trị - Thiên (cũ), các kỹ sư Lê Tấn Hàm và Lê Đệ đã có sáng kiến thiết kế và xây dựng thành công đập cọc ở vị trí Thảo Long ngày nay góp phần giảm mặn cho sông Hương, nhưng đập cọc không giải quyết triệt để ngăn mặn.GS, TS Trương Đình Dụ cho biết: Sau khi ứng dụng công nghệ đập trụ đỡ vào cống ngăn sông Thảo Long (hoàn thành năm 2006), đến nay được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao. Năm 2002, đề tài nghiên cứu mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý và triển khai. Cống ngăn mặn Thảo Long có ba hạng mục chính: cống ngăn mặn, cầu giao thông và đường dẫn hai đầu cầu. Ai cũng hiểu ngăn mặn giữ ngọt ở sông Hương là cần thiết nhưng về kỹ thuật thiết kế và thi công thì vô cùng khó khăn và giá thành quá cao. Không những thế, đập phải đặt ở vùng hạ lưu sông Hương, nơi có lòng sông rộng hơn 500 m, dòng lũ lớn tới 6.000 m3/s và điều đáng sợ nhất là lớp bùn sâu từ 10 đến 14 m. Đặc biệt là phải thi công như thế nào để khỏi cản lũ. Một điều hết sức quan trọng khi xây dựng đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long là không được làm mất vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng vốn có của dòng sông Hương.Năm 1998, Viện Khoa học Thủy Lợi (nay là Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long bởi vì Viện đã có kết quả nghiên cứu về công nghệ ngăn sông trong đề tài cấp Nhà nước: "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình tạo nguồn nước ngọt vùng ven biển". Trong quá trình thiết kế, GS, TS Trương Đình Dụ cùng nhóm đề tài đã lập nhiều phương án theo các công nghệ ngăn sông khác nhau. Khi đó Bộ cũng giao cho nhiều đơn vị tư vấn thiết kế lập các phương án để đối chứng và so chọn, trong đó có một phương án của Công ty Safere (một công ty lớn của Pháp). Qua quá trình chọn lọc, cuối cùng Bộ đã phê duyệt phương án thiết kế đập Thảo Long theo công nghệ đập trụ đỡ của Trung tâm Thủy công (nay là Trung tâm công trình đồng bằng ven biển và đê điều). Sở dĩ các phương án khác không được chọn lựa vì không có tính mới, không khả thi, lại theo công nghệ truyền thống, phải thi công bản đáy rộng trong hố móng khô quá lớn là điều khó thực hiện trong một mùa thi công. Còn công nghệ đập trụ đỡ có thể thi công trong dòng chảy không cần làm khô hoặc làm khô trong hố móng hẹp dễ vây chống.Công trình Thảo Long theo công nghệ đập trụ đỡ có 17 trụ bằng cọc khoan nhồi, 15 khoang thoát nước, trong mỗi khoang lắp cửa van clape trục dưới, rộng 31,5 m, cao 4,2 m, được đóng mở bằng xi-lanh thủy lực, điều khiển bằng máy tính đặt trong nhà quản lý. Phía bờ nam có bố trí âu thuyền rộng 8 m, dài 52 m. Tổng chiều dài thoát nước của đập Thảo Long là 480,5 m. Phía trên đỉnh cống là cầu giao thông lớn H30, XB80, mặt rộng 10 m. Nhờ ứng dụng công nghệ đập trụ đỡ cho nên công trình Thảo Long có những ưu điểm nổi bật: công trình thi công dưới nước, ngay trong lòng sông, nên trong thời gian thi công không ảnh hưởng đến thoát lũ và giao thông thủy. Chiều rộng thoát nước gần bằng lòng sông nên chỉ cần gia cố trước và sau đập bằng thảm đá. Khối lượng xây dựng giảm đáng kể, do không phải làm bản đáy và sân tiêu năng. Khoang đập rộng nên tạo được thông thoáng và vẻ đẹp tự nhiên của dòng sông. Cửa van lớn được điều khiển hiện đại, đáp ứng được yêu cầu thoát lũ và ngăn mặn kịp thời. Kết cấu trụ đỡ cho phép làm cầu lớn trên đập vừa tiết kiệm công sức, tiền của, lại tăng vẻ đẹp cho công trình. Những ưu điểm nổi bật về kỹ thuật đã góp phần giảm giá thành chi phí (151 tỷ đồng), tiết kiệm gần một nửa chi phí so với công nghệ truyền thống.Sau hai năm đưa công trình vào phục vụ sản xuất có hiệu quả, ngày 21-12-2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ khánh thành công trình ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long. Nhiệm vụ của công trình là cùng với hồ Tả Trạch ở thượng nguồn tưới cho hơn 30.000 ha đất trồng vùng đồng bằng sông Hương; cấp nước sinh hoạt cho TP Huế và các vùng phụ cận; bảo đảm khả năng thoát lũ tốt hơn hiện trạng. Công trình Thảo Long ra đời đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong vùng, bởi vì trước đây về mùa khô mặn xâm nhập sâu, vượt quá TP Huế về thượng nguồn 15 km, làm cho cả vùng sông đồng bằng sông Hương thiếu nước ngọt trầm trọng. Vì vậy, việc ngăn mặn giữ ngọt ở sông Hương không những có ý nghĩa về kinh tế - xã hội mà còn là nét văn hóa độc đáo của tỉnh Thừa Thiên - Huế.Theo GS, TS Trương Đình Dụ: Ứng dụng công nghệ đập trụ đỡ là một giải pháp công trình mới, phù hợp những khu vực đã quy hoạch và thuận lợi giao thông. Công trình này đã ứng dụng thành công ở một số công trình đồng bằng ven biển, như: cống Phó Sinh (Bạc Liêu), cống Hiền Lương (Quảng Ngãi)... Điển hình là công trình Thảo Long có quy mô lớn nhất Đông - Nam Á.Bài và ảnh: MAI QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét