19 thg 7, 2018

Ngăn chặn sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia

Thứ Năm, 19/07/2018, 09:22:29
 Font Size:     |        Print
Dư luận cả nước đang hết sức bất bình chung quanh việc 114 thí sinh của tỉnh Hà Giang được sửa, nâng điểm kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Kết quả kiểm tra, rà soát và chấm thẩm định toàn bộ các bài thi trắc nghiệm cho thấy, có hơn 330 bài thi của 114 thí sinh có điểm chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm so với điểm chấm thẩm định; không ít thí sinh có tổng điểm các môn tăng thêm từ 20 đến 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Sự việc được đánh giá là rất nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, gây mất niềm tin trong nhân dân; ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, ngay sau khi những sai phạm bước đầu trong chấm thi tại tỉnh Hà Giang được công bố, dư luận tiếp tục có những nghi ngờ về kết quả kỳ thi THPT quốc gia tại một số địa phương khác, cũng với dấu hiệu điểm cao bất thường ở những học sinh có học lực bình thường. Ngay trong tối 18-7, Bộ GD và ĐT tiếp tục ban hành quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Sở GD và ĐT hai tỉnh Sơn La và Lạng Sơn trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.
Dư luận mong chờ sự vào cuộc khẩn trương của Bộ GD và ĐT tại hai địa phương nêu trên sẽ làm sáng tỏ những nghi vấn, góp phần đem lại niềm tin cho người dân về một kỳ thi quốc gia quan trọng. Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, nếu gian lận trong thi cử không được phát hiện, kiên quyết xử lý, hậu quả để lại rất lớn. Để sự việc trót lọt, những thí sinh đạt điểm cao bất thường sẽ dễ dàng đỗ vào các trường đại học, trong khi các thí sinh học thật, thi thật sẽ mất đi cơ hội học tập và thậm chí cả tương lai sau này.
Không thể phủ nhận việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại các địa phương do Sở GD và ĐT chủ trì, các trường đại học, cao đẳng phối hợp tổ chức những năm gần đây đã tạo thuận lợi, giúp thí sinh không phải di chuyển xa, giảm chi phí cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, kết quả điểm thi tại tỉnh Hà Giang và những nghi vấn tại một số địa phương khác, đặt ra vấn đề cần làm rõ về tính hiệu quả, trung thực, độ tin cậy của kết quả kỳ thi.
Nếu quy trình coi thi, chấm thi… được quy định chặt chẽ, có sự tham gia giám sát của nhiều lực lượng như: công an, thanh tra, giảng viên các trường đại học, cao đẳng nhưng vẫn để xảy ra việc chỉnh sửa, nâng điểm bài thi một cách dễ dàng như ở Hà Giang thì không thể không xem xét lại quy trình, từ đó có phương án bảo đảm độ an toàn và bảo mật các bài thi, đề thi; cũng như cần làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan và động cơ thực hiện hành vi vi phạm quy chế thi để xử lý nghiêm khắc.
Đồng thời, các địa phương cần rà soát việc thực hiện quy trình liên quan kỳ thi THPT quốc gia cũng như vai trò, trách nhiệm trong phối hợp thực hiện tổ chức kỳ thi, coi thi, chấm thi để bảo đảm kết quả thi được công bằng, khách quan. Về phía Bộ GD và ĐT cần sớm có quy định đánh giá kết quả thi với kết quả học tập của thí sinh. Quy chế thi cần điều chỉnh tăng mức độ xử lý vi phạm để đủ sức răn đe, lập lại kỷ cương, nghiêm túc của kỳ thi ở các năm tiếp theo.
Thực tế, các quy trình coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố điểm… đều có giám sát, thanh tra ủy quyền của Bộ GD và ĐT; các phần dữ liệu cũng được địa phương báo cáo thường xuyên về Bộ, do đó Bộ GD và ĐT phải tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm để không tái diễn tình trạng can thiệp điểm thi trong các kỳ thi tới.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét