20 thg 6, 2018

Giảm áp lực trong tuyển sinh vào lớp 10

Thứ Năm, 07/06/2018, 18:56:14
 

Các thí sinh trao đổi bài sau buổi thi môn Toán tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: THỦY NGUYÊN
Các thí sinh tại TP Hà Nội đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên năm học 2018-2019. Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội đã đánh giá công tác tổ chức kỳ thi và đề ra một số giải pháp để giảm tải, tạo thuận lợi cho thí sinh trong các năm tiếp theo.
Kỳ thi năm nay, Hà Nội được ghi nhận là một trong những địa phương có số lượng lớn thí sinh dự thi (94.499 em), tăng khoảng 22 nghìn thí sinh so với năm 2017. Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD và ĐT Hà Nội) Phạm Quốc Toản cho biết, với số lượng thí sinh thi vào lớp 10 tăng cao, để đáp ứng chỗ học cho học sinh THPT nhưng vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục, Hà Nội đã thành lập mới hai trường THPT công lập, năm trường THPT ngoài công lập; đầu tư cải tạo 327 phòng học; tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho tất cả các trường THPT công lập, ngoài công lập. Sĩ số học sinh lớp 10 năm học 2018-2019 tại các trường được giao tăng thêm nhưng không vượt quá 45 học sinh/lớp; tăng cường học hai ca/ngày ở các trường có đủ điều kiện. Với những giải pháp này, Hà Nội bảo đảm tỷ lệ học sinh vào THPT công lập là 60% (thực tế đã đạt 62%) theo nghị quyết của HĐND thành phố.
Ngoài ra, để giảm áp lực thi cử và tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập, năm học 2018-2019, Sở GD và ĐT Hà Nội cho phép các trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập được phép tuyển sinh theo phương thức xét tuyển từ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở bậc THCS. Qua đó, học sinh không cần tham dự kỳ thi cũng có thể được tuyển sinh vào các trường THPT ngoài công lập. Hệ thống các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên được phủ khắp tất cả các quận, huyện, thị xã sẽ đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên của mọi đối tượng. Học sinh hoàn toàn có thể lựa chọn học tập ở các trung tâm này, hoặc đi học nghề ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường cao đẳng nghề trên toàn thành phố. Các giải pháp nêu trên đã đem lại kết quả, đó là trong tổng số 104.585 học sinh lớp 9 THCS dự xét tốt nghiệp THCS thì kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ngày hôm qua chỉ có 94.499 học sinh dự thi, có khoảng 10 nghìn học sinh (chiếm khoảng 10%) không dự thi.
Từ năm học 2019-2020, dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội theo phương thức thi tuyển. Ngoài hai môn Toán, Ngữ văn, thí sinh làm thêm bài thi tổ hợp. Điều này khiến phụ huynh, học sinh lo lắng, giáo viên phải đổi mới cách dạy và học. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, phương thức thi tuyển kết hợp xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 được áp dụng tại Hà Nội từ năm học 2005-2006 đã bộc lộ nhiều hạn chế, học sinh học lệch các môn vì kỳ thi chỉ có hai môn Toán và Ngữ văn. Mặt khác, trong phương thức thi tuyển kết hợp xét tuyển, khâu xét tuyển dựa vào việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở bậc THCS chưa thật sự khách quan do việc đánh giá phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của mỗi giáo viên và có sự khác nhau giữa các trường. Sở sẽ sớm công bố đề thi minh họa để thầy, cô giáo và phụ huynh, học sinh nắm được nội dung, cách thức thi mới, tránh bị động, lo lắng không cần thiết. Đề thi bài tổ hợp sẽ gồm các câu hỏi trắc nghiệm khách quan, chủ yếu ở cấp độ nhận biết, một số ít câu ở mức thông hiểu, hoàn toàn nằm trong chương trình THCS, chủ yếu thuộc lớp 9, do đó học sinh không nhất thiết phải đi học thêm mà chỉ cần chăm chỉ, chuyên cần, chú ý nghe các thầy, cô giáo giảng bài trên lớp là có thể làm được.
Điều chỉnh kịp thời những bất cập, hạn chế trong công tác tuyển sinh, hạn chế tối đa nạn dạy thêm, học thêm, chạy trường, chạy lớp là những giải pháp hữu hiệu để giảm áp lực trong tuyển sinh đầu cấp.
Cán bộ coi thi làm lọt đề thi
Chiều 7-6, sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 các trường THPT công lập không chuyên, Sở GD và ĐT Hà Nội đã thông tin về một số sự cố xảy ra tại buổi thi môn Ngữ văn và Toán. Theo đó, chiều 7-6, sau khi tính giờ làm bài khoảng 60 phút, trên mạng xã hội xuất hiện bản chụp tờ đề thi môn Toán. Tương tự, vào sáng cùng ngày, sau khi thi khoảng 60 phút, trên mạng xã hội xuất hiện bản chụp tờ đề thi môn Ngữ văn. Sở GD và ĐT Hà Nội đã phối hợp Công an TP Hà Nội xác minh được người chụp hai tờ đề thi đưa lên mạng xã hội là giáo viên Nông Hoàng Phúc, Trường THCS Sóc Sơn, cán bộ coi thi số 2 (điểm thi Trường THPT Vân Nội, huyện Đông Anh). Đây là hiện tượng để lọt đề thi, không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét