7 thg 12, 2014

Cả đời cống hiến cho sự nghiệp "trồng người"

Thứ bảy, 06/12/2014 - 02:38 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    

LTS - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa có thư khen ba nhà giáo tận tụy vì học sinh. Ðây là những nhà giáo tuy về hưu đã lâu, tuổi đã cao, song vẫn tiếp tục cưu mang, dạy dỗ nhiều lớp trẻ em cơ nhỡ, nghèo khó, con em người lao động khó khăn, không có điều kiện đến trường, giúp các em không chỉ biết chữ mà còn có cơ hội vươn đến tương lai tốt đẹp hơn. Chúng tôi xin giới thiệu gương ba nhà giáo cả đời cống hiến cho sự nghiệp "trồng người".
"Lớp ghép" giữa Thủ đô
Nhà giáo Nguyễn Trà hướng dẫn học sinh làm bài tập tại lớp học Hướng Thiện.
Với lòng yêu nghề mến trẻ, từ năm 1992 đến nay, nhà giáo Nguyễn Trà (Hà Nội) đã mở nhiều lớp học miễn phí dạy chữ cho trẻ em lang thang, trẻ em từ nơi khác theo bố mẹ về Hà Nội sinh sống do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện tới trường và những học sinh có nhu cầu học chương trình nâng cao. Những ngày mới "thành lập", lớp học có tên gọi Tình Thương, sau đó đổi tên là Hướng Thiện. Trước đây, lớp học được duy trì mỗi tuần bốn buổi, nhưng hiện nay do nhà giáo Nguyễn Trà tuổi đã cao, sức khỏe kém hơn cho nên lớp học duy trì mỗi tuần từ một đến hai buổi. Dòng họ nhà giáo Nguyễn Trà có hơn 10 thế hệ làm nghề dạy học. Gia đình ông có mười người, trong đó năm người có trình độ tiến sĩ, cử nhân; các con, cháu của nhà giáo đều học tập ở các trường chuyên, lớp chọn các môn khoa học tự nhiên cũng thường xuyên giúp ông và bố dạy học. Là trưởng họ, thường xuyên lo giỗ chạp cho nên nhà giáo Nguyễn Trà mua sắm nhiều bàn ghế. Những bộ bàn ghế này được ông tận dụng làm bàn học cho học sinh ở nhà cũng như ở đình làng Trung Tự. Nằm giữa Thủ đô nhưng lớp học Hướng Thiện lại khá giống với các lớp ghép vùng cao vì có nhiều học sinh từ bậc mầm non đến đại học.
Nhà giáo Nguyễn Trà, 82 tuổi, vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn. Trước khi mở lớp dạy học, ông là giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội). Khi về hưu, ông phụ trách tiểu ban di tích đình làng Trung Tự. Tại đây, nhiều người biết ông là thầy giáo, tính tình cởi mở cho nên nhờ dạy học cho con. Ngoài việc dạy học cho trẻ em lang thang, con nhà nghèo, lớp Hướng Thiện còn có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học và nhiều bác sĩ cũng tìm đến học tiếng Pháp. Hiện nay, nhà giáo Nguyễn Trà chủ yếu dạy môn Toán và Ngoại ngữ (tiếng Pháp, tiếng Anh) khối THCS, THPT; khối tiểu học do nhà giáo Nguyễn Văn Ðôn, Lã Thị Viên đảm nhận. Lớp học có tổng số hơn mười học sinh, trong đó nửa lớp dành cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chưa một ngày được đến trường vì thường xuyên phải theo bố mẹ đi nhặt rác, đánh giày kiếm sống. Số học sinh còn lại chủ yếu học chương trình nâng cao hoặc nhờ thầy giảng những bài tập chưa hiểu trên lớp. Phương pháp giảng dạy của thầy Trà khá linh hoạt, gần gũi và dễ hiểu.
Tâm sự với chúng tôi, nhà giáo Nguyễn Trà cho biết: Lớp học được mở ra và tồn tại đến bây giờ là "cái duyên" của người "cho chữ, xin chữ". Lớp học chưa một ngày tổ chức khai giảng, không phấn trắng, mực đen, không có tiếng trống trường, nhưng các em luôn ý thức học tập và lễ phép. Ông nói: Lớp học này không phải của riêng thầy Nguyễn Trà mà còn có sự tham gia đóng góp trí tuệ từ các con, cháu của học sinh cũ, cho nên gọi là lớp học Hướng Thiện của gia đình thầy Nguyễn Trà. Từ lớp học nói trên, nhiều em đã biết chữ, thành đạt. Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) hằng năm, nhiều thế hệ học trò đang công tác ở mọi miền Tổ quốc vẫn tìm về thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn đối với nhà giáo Nguyễn Trà.
Chia sẻ cảm xúc khi được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có thư khen, nhà giáo Nguyễn Trà nhớ lại: Có một điều trùng hợp, trong thời phong kiến, tất cả các nhà giáo của chi họ Nguyễn, khi về hưu đều được tặng "sắc phong". Ðến thời tôi là đời thứ 15 cũng vinh dự được tặng "sắc phong" của Chủ tịch nước, đây là niềm tự hào, là động lực để tôi tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ của mình cho sự nghiệp "trồng người".
MAI QUÝ TÙNG
Cô giáo của nhiều trẻ em cơ nhỡ
Cô giáo Nguyễn Thị Thông dạy chữ cho trẻ em nghèo vùng biển Ngư Lộc (Thanh Hóa).
Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, từ buổi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Thị Thông nuôi dưỡng mơ ước, nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành giáo viên. Năm 1966, tốt nghiệp sư phạm, cô được phân công về giảng dạy ở Trường phổ thông cơ sở xã Ða Lộc rồi luân chuyển, công tác ở nhiều cơ sở giáo dục, được bổ nhiệm làm lãnh đạo Trường tiểu học Ngư Lộc. Với cô Nguyễn Thị Thông, người từng có 35 năm công tác trong ngành giáo dục, lại công tác chủ yếu ở các xã vùng biển nghèo, cô luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Yêu thương con trẻ, thường ngày tiếp xúc với những ngư dân tuổi đã cao nhưng không biết chữ thôi thúc cô lựa chọn, tiếp tục làm những việc thiết thực, phù hợp với năng lực, khả năng của mình. Ngư Lộc đất chật, dân đông nhưng không có đất canh tác và hoạt động kinh tế chủ đạo là khai thác, chế biến hải sản. Gia cảnh khó khăn, thương bố mẹ tất tả mưu sinh, nhiều trẻ em từng bỏ học giữa chừng đi "mót cá", bóc tôm, làm chược, bán hàng dạo hoặc tìm đến các khu đô thị, thành phố hành nghề đánh giày, bán báo. Khi đến tuổi về hưu cô Thông vẫn đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động trẻ lang thang trở về nhà, mở lớp dạy chữ cho con trẻ. Buổi đầu, cô Thông sử dụng chính ngôi nhà của mình tổ chức lớp học. Cô tiết kiệm chi tiêu, dành một phần lương hưu của mình để sắm đồ dùng, thiết bị dạy học, mua bút, sách, vở cấp cho học sinh nghèo. Kỳ lễ, Tết cô tổ chức bữa cơm tại gia đình để học trò cùng được chung vui. Trò bị ốm, cô đến thăm hỏi động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất. Cách đây chừng bảy năm, tôi từng có dịp đến lớp học tình thương do cô tổ chức tại nhà, nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở thôn Thành Lập. Hơn chục học sinh nhưng có tới vài nhóm tuổi và trình độ đầu vào cũng "khấp khểnh" khó so. Dẫu vậy, tình yêu thương con trẻ, đam mê, trăn trở với sự nghiệp trồng người tiếp thêm nghị lực cho cô Thông vượt qua khó khăn, tổ chức thành công lớp ghép. Bầu nhiệt huyết, tấm lòng bao dung của người phụ nữ nhân hậu, người kỹ sư tâm hồn tạo ra sức hấp dẫn, thu hút nên trẻ theo học lớp tình thương tăng nhanh. Mỗi năm học đi qua, những đứa trẻ vùng biển nghèo được cô giáo Thông "dạy đuổi", "dạy kèm" tiếp tục vươn lên khẳng định thành tích học tập, rèn luyện của mình ở các lớp đại trà. Ngoài dạy học miễn phí cho hàng trăm học trò bậc tiểu học, cô Thông còn đến các gia đình vận động những người lớn tuổi tham gia học lớp xóa mù chữ. Biết ngư dân bám biển dài ngày mưu sinh, lớp xóa mù chữ do cô phụ trách được tổ chức linh hoạt, nhằm vào buổi tối, tạo điều kiện cho những người từ 30 tuổi đến 55 tuổi theo học. Những năm qua, cô Thông đã vận động, tổ chức cho 59 người theo học, hoàn thành chương trình xóa mù chữ.
Trong thư gửi các nhà giáo vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận: Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thông, tuy nghỉ hưu đã lâu, tuổi đã cao, song không quản công sức, khó nhọc, tiếp tục cưu mang, dạy dỗ miễn phí cho nhiều lớp trẻ em cơ nhỡ, nghèo khó, con em người lao động do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường. Ðó là phần thưởng là lời động viên quý báu để cô giáo Nguyễn Thị Thông tiếp tục vượt qua khó khăn làm tốt sự nghiệp "trồng người".
MAI LUẬN
Dạy bơi miễn phí cho học sinh vùng sông nước
Thầy giáo Lê Trung Sứng trong giờ dạy bơi cho các em học sinh Trường tiểu học Long Hòa 1 (Cần Thơ).
Năm 1983, tốt nghiệp Trường trung học Sư phạm Hậu Giang, thầy Sứng về công tác tại Trường tiểu học Long Hòa 3 (huyện Bình Thủy, tỉnh Hậu Giang, nay là quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Sau đó, thầy chuyển công tác về điểm trường Trường tiểu học Long Hòa 1 cho đến nay. Thời gian đầu, thầy dạy tất cả các môn ở khối tiểu học, rồi chuyển sang dạy bộ môn giáo dục thể chất ở khối tiểu học và bắt đầu dạy bơi miễn phí cho học sinh.
Trường tiểu học Long Hòa 1 nằm cặp Rạch Cam, con đường dẫn vào trường tuy đã được bê-tông hóa nhưng từ trung tâm TP Cần Thơ muốn đến điểm trường, phải qua nhiều sông, rạch. Chứng kiến nhiều học sinh rơi xuống sông và đuối nước do không biết bơi, thầy nảy ra ý định lồng ghép thêm các kỹ năng cơ bản về bơi lội trong giờ học thể dục để giúp học sinh đến trường an toàn trong mùa nước nổi. Ban đầu, thầy chỉ dạy một vài kiến thức cơ bản về bơi lội như các động tác tay, chân cho học sinh. Khó khăn lớn nhất của thầy là môn bơi lội lại không nằm trong chương trình dạy, trường cũng không có hồ bơi để dạy thực hành. Suy đi nghĩ lại, thầy quyết định, đưa học sinh ra Rạch Cam trước cổng trường cho học thực hành. Từ đó, trong giờ dạy thể dục, thầy chọn những học sinh từ lớp hai đến lớp năm yêu thích bơi lội để tham gia khóa thực hành. Thầy gặp Ban giám hiệu đặt vấn đề dạy bơi cho học sinh nhưng lãnh đạo trường còn e ngại vì sợ không bảo đảm an toàn. Sau đó, thấy được việc làm nhân văn của thầy, ban giám hiệu đã đồng ý với điều kiện thầy phải thuyết phục được phụ huynh đồng ý, nhà trường mới ủng hộ.
Nhiều phụ huynh thẳng thừng khước từ lời đề nghị về cách dạy bơi của thầy. Không nản lòng, sau giờ dạy ở trường, thầy đạp xe, gõ cửa từng nhà vận động. Sau một thời gian dài kiên trì thuyết phục, bốn phụ huynh cảm động trước sự nhiệt thành của thầy cho nên đồng ý cho con em họ tham gia. Thầy bắt đầu huấn luyện bơi cho bốn em. Sau giờ học, khoảng năm giờ chiều thầy cùng trò lại ra Rạch Cam trước cổng trường và bắt đầu hành trình chinh phục con nước. Sau đó, toàn bộ các em này đều bơi giỏi và được đại diện cho trường dự thi các giải phong trào và đạt nhiều thành tích cao. Nhiều học sinh trong trường thấy bạn cùng lớp biết bơi, đi thi các giải quận, thành phố, về nhà thuyết phục phụ huynh cho phép theo thầy học bơi ngoài giờ. Nhiều người dân trong vùng, phụ huynh ở các trường lân cận như: Long Hòa 3, Long Tuyền... cũng đưa con em đến nhờ thầy dạy bơi.
Ðể bảo đảm an toàn cho học sinh, thầy khoanh vùng bơi trên một đoạn sông, rồi đóng cọc, rào lưới như hồ bơi dã chiến, để các em thực hành với nguồn vật liệu do thầy vận động từ sự đóng góp của phụ huynh và người dân trong khu vực. Do không có nhiều kinh phí mua phao, thầy tự bỏ tiền và vận động thêm phụ huynh mua can nhựa 10 lít làm phao cho học sinh mới tập bơi. Thầy phân loại học sinh ra từng tốp, nếu học sinh nào chưa biết bơi thì sẽ cho từng em một xuống nước để tập dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy. Khi các em biết bơi chập chững thì mỗi tốp xuống nước gồm bốn em, dưới sự giám sát của thầy và bốn em bơi giỏi nằm trong đội bơi của trường. Em Trần Minh Thành, học sinh lớp bốn, Trường tiểu học Long Hòa 1, cho biết: "Tham gia lớp học bơi, em được thầy Sứng tận tình chỉ dạy những kỹ năng bơi lội cơ bản. Em cố gắng luyện tập để bảo vệ bản thân, phấn đấu trở thành vận động viên bơi lội giỏi, đền đáp công ơn của thầy".
Từ lớp dạy bơi trên sông, nhiều học trò của thầy Sứng đã trở thành vận động viên bơi lội nổi tiếng như: Nguyễn Thị Ánh Viên, nữ vận động viên bơi lội số 1 Việt Nam; Ngô Minh Nhanh, vận động viên từng giữ hai kỷ lục quốc gia, nay là huấn luyện viên Trung tâm thể dục - thể thao TP Cần Thơ; Nguyễn Hoàng Vũ, huấn luyện viên Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia 4... Thầy Lê Trung Sứng chia sẻ: "Tôi dạy bơi không phải để lấy tiếng, mà xuất phát từ nhu cầu và sự yêu mến các em. Tôi mong các em có thêm kỹ năng để tự vệ, nếu bơi giỏi thi đấu đạt thành tích cao càng tốt, sau này giúp ích cho xã hội".
Bài và ảnh: THANH TÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét