Cuối tháng
9-2013, huyện đảo Cồn Cỏ xảy ra cơn bão lịch sử số 10 làm sập hoàn toàn
Lớp học mầm non Hoa Phong Ba. Ðể duy trì công tác giáo dục, chăm sóc
trẻ, nhà trường đã mượn cơ sở vật chất của đơn vị khác làm nơi học tạm
cho học sinh. Ðược sự hỗ trợ của Bộ GD và ÐT cũng như các tổ chức, cá
nhân, các nhà hảo tâm, ngày 8-6-2014, tại huyện đảo Cồn Cỏ, công trình
Trường mầm non Hoa Phong Ba được khởi công xây dựng. Tháng 11-2015, công
trình được khánh thành và đưa vào sử dụng với diện tích khoảng 500 m2
bao gồm: một phòng làm việc giáo viên, hai nhà ở công vụ, một bếp nấu ăn
phục vụ cho học sinh và giáo viên, một lớp học tiểu học, một lớp học
mầm non và ba khu phụ trợ.
Ðến cuối năm 2017, tại huyện đảo Cồn Cỏ tiếp tục xảy ra một cơn bão
mạnh làm hư hỏng một số cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đồ
chơi ngoài trời, ảnh hưởng đến công tác dạy, học và vui chơi của học
sinh. Vì vậy, trường học trên đảo tiếp tục được các cá nhân, nhà hảo tâm
hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra. Ðiển hình, trong tháng 4
vừa qua, Ðoàn Thanh niên Báo Quân đội nhân dân phối hợp một số cơ sở
đoàn tổ chức lễ trao tặng Trường mầm non Hoa Phong Ba một số trang thiết
bị như: ti-vi, máy vi tính, sách, thiết bị dạy học, đồ chơi ngoài trời…
với tổng trị giá 120 triệu đồng; tặng huyện đảo Cồn Cỏ tủ sách thiếu
nhi trị giá 20 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ Trương Khắc Trưởng cho biết, mặc dù
còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, tổ chức bộ máy chưa hoàn thiện,
nhưng huyện luôn xác định công tác giáo dục là một trong những nội dung
ưu tiên. Trường mầm non Hoa Phong Ba được thành lập đã giải quyết nhu
cầu học tập của các cháu là con em các hộ gia đình đang sinh sống trên
đảo, tạo điều kiện cho bố mẹ các cháu yên tâm lao động, sản xuất. Nhờ sự
quan tâm, động viên của các tổ chức, cá nhân, cô, trò Trường mầm non
Hoa Phong Ba có thêm điều kiện, động lực để thực hiện tốt sự nghiệp giáo
dục, chăm sóc trẻ; giúp quân và dân huyện đảo thêm vững vàng trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ biển đảo.
Chúng tôi may mắn được dự một giờ học tại lớp học Trường mầm non Hoa
Phong Ba. Ðây là lớp học ghép, có hai cô giáo với 12 học sinh (từ 1 đến 5
tuổi). Do học sinh ở các độ tuổi khác nhau cho nên việc dạy dỗ, chăm
sóc trẻ đối với các cô giáo không hề dễ dàng. Cô giáo Hoàng Thị Hiếu, là
một trong những giáo viên mầm non đầu tiên tại huyện đảo Cồn Cỏ cho
biết: Cách đây dăm bảy năm, học sinh phải học tập trong môi trường thiếu
thốn, không bảo đảm các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục, thì
nay mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Tuy nhiên, do số lượng người học còn
ít, chưa có giáo viên tiểu học, cho nên chỉ duy trì được lớp học mầm
non. Với các cháu đến tuổi vào lớp 1 sẽ được gia đình đưa vào đất liền ở
với ông bà, người thân để học tập.
Trong khi đó, theo cô giáo Hoàng Thị Thắm, do lớp ghép nhiều độ tuổi
cho nên giáo viên chủ yếu sử dụng tài liệu trên mạng, từ đó xây dựng
thành các bài giảng dạy học phù hợp độ tuổi. Ðể khắc phục khó khăn, các
cô giáo tách học sinh theo từng độ tuổi để chăm sóc, giáo dục trẻ. Chẳng
hạn, những trẻ từ 1 đến 2 tuổi, thường xuyên quấy khóc, nhiệm vụ chính
của giáo viên là dỗ dành và trông trẻ; trẻ từ 3 đến 5 tuổi, các em được
học số, học chữ cái, vẽ, tô mầu... Trong hoạt động vui chơi, thì tất cả
các cháu được chơi chung. Qua quá trình học tập, học sinh từ 4 đến 5
tuổi đã biết vệ sinh cá nhân, nhận biết được bảng chữ cái, đọc, đếm được
từ 1 đến 10; biết phân biệt các hình dạng, mầu sắc, tô mầu không bị
lem… Bên cạnh việc dạy học, nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh
đi tham quan các di tích trên đảo, từng bước giúp các em hiểu được ý
nghĩa lịch sử hào hùng của huyện đảo Cồn Cỏ. Ðiều cô Thắm băn khoăn là
do không có lớp tiểu học, cho nên toàn bộ học sinh trên đảo đều phải xa
gia đình vào đất liền để học tiếp các lớp cao hơn. Ðiều đó gây nhiều khó
khăn trong việc chăm lo cho trẻ đến trường cũng như gây tâm lý lo lắng,
xáo trộn cuộc sống của người dân trên đảo. Vì vậy, các cô giáo mong
muốn có thêm trường tiểu học ở nơi đảo xa này.
Trước khi trở lại đất liền, cảm nhận của chúng tôi là sự cảm phục về
những nỗ lực, cố gắng của cô, trò nơi đây. Và chỉ có tình yêu học trò,
tình yêu biển đảo các cô mới vượt qua những khó khăn, có thêm động lực,
niềm tin để bám lớp, bám trường, góp phần giữ vững biển đảo tiền tiêu
của Tổ quốc.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét