Thứ Bảy, 13/01/2018, 02:31:20
|
Bộ
Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cho biết, việc tuyển sinh đầu cấp THCS
và THPT năm 2018 dự kiến sẽ có một số điều chỉnh. Trong đó, dự kiến bỏ
quy định cộng điểm khuyến khích (điểm học nghề lớp 9) khi tuyển sinh vào
lớp 10; không sử dụng kết quả các cuộc thi do địa phương tổ chức làm
căn cứ để tuyển sinh đầu cấp THCS và THPT.
|
Thực
tế thời gian qua cho thấy, quy định tổ chức học và thi nghề cho học
sinh phổ thông của ngành giáo dục chủ yếu để phục vụ mục đích sử dụng
trong cộng điểm khuyến khích khi tuyển sinh đầu cấp. Nhiều địa phương tổ
chức, tham gia không ít các cuộc thi như: giải Toán và Vật lý trên
mạng, tiếng Anh trên mạng, giải Toán trên máy tính cầm tay... Bên cạnh
đó, nhiều phòng GD và ĐT, trường học, kể cả doanh nghiệp cũng tham gia,
tổ chức các cuộc thi cho học sinh với mục đích lấy kết quả cuộc thi để
đánh giá, xếp loại thi đua cá nhân, đơn vị, thu phí, tạo “thương hiệu”
thu hút người học và dùng làm tiêu chí tuyển sinh đầu cấp.
Theo Bộ GD và ĐT, việc cho phép học sinh phổ thông được cộng điểm khuyến khích hoặc lấy kết quả các cuộc thi làm tiêu chí tuyển sinh là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số lượng các cuộc thi, gây áp lực cho học sinh, không nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội. Vì vậy, việc thay đổi quy định không cộng điểm khuyến khích, không lấy kết quả các cuộc thi làm một tiêu chí tuyển sinh là một giải pháp giảm gánh nặng cho học sinh và giáo viên. Việc không giao các sở GD và ĐT tiếp tục quy định đối tượng cộng điểm khuyến khích nhằm bảo đảm mục tiêu chọn được đúng học sinh có năng lực tiếp tục học ở cấp THPT, phân luồng, hướng nghiệp; khắc phục hiện tượng làm đẹp hồ sơ. Việc bỏ cộng điểm khuyến khích và tiêu chí theo các cuộc thi trong tuyển sinh là phù hợp, nhận được sự đồng tình của giáo viên, học sinh. Vấn đề đặt ra là cần có lộ trình hợp lý. Bởi kết thúc học kỳ I năm học 2017 - 2018, các trường THCS trên cả nước đã tổ chức thi nghề cho học sinh lớp 9. Nếu bỏ ngay năm nay sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi học sinh, gây tâm lý không tốt đối với học sinh, cha, mẹ học sinh và giáo viên. Vì vậy, Bộ GD và ĐT cần quyết định thay đổi ở thời điểm thích hợp, tránh “đẽo cày giữa đường”. Mặt khác, cần đưa ra phương pháp cụ thể, hướng dẫn các địa phương thực hiện tuyển sinh đầu cấp hiệu quả, do khi học sinh không còn điểm khuyến khích từ học nghề, từ các cuộc thi, việc tuyển sinh đầu cấp tại các trường sẽ gặp khó khăn trong phân loại học sinh. Đối với các sở GD và ĐT, căn cứ điều kiện thực tế, ban hành văn bản quy định để các trường tuyển sinh thuận lợi, công bằng. Đáng chú ý, đối với các cơ sở giáo dục, cần xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp thực tiễn; thay đổi phương pháp giảng dạy, khơi dậy niềm đam mê học tập và giúp học sinh phát huy hết khả năng, sở trường. Ngành giáo dục tích cực đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên để học sinh có kết quả học tập thực thụ làm căn cứ để tuyển sinh chứ không phải dựa vào các tiêu chí điểm cộng, tiêu chí phụ cho đẹp hồ sơ nhưng chất lượng hạn chế. |
QUÝ TÙNG |
29 thg 1, 2018
Giảm gánh nặng, tránh làm đẹp hồ sơ trong tuyển sinh đầu cấp
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét