26 thg 12, 2017

Khắc phục hạn chế của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học

Thứ Ba, 26/12/2017, 03:47:45
 

Giờ học môn tiếng Việt tại Trường tiểu học Bản Hát, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Ảnh: ĐĂNG KHOA
Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học được ban hành cách đây nhiều năm đã bộc lộ không ít hạn chế, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Vì vậy, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của hai luật này đang được đưa ra lấy ý kiến theo hướng phù hợp Hiến pháp năm 2013 cũng như Nghị quyết số 29 của Hội nghị T.Ư 8 (khóa XI) về “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”; bảo đảm tính thống nhất, toàn diện và thiết thực…
Chú trọng đội ngũ nhà giáo
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cho biết, dự thảo Luật Giáo dục tập trung sửa đổi, bổ sung 29 điều. Theo đó, hệ thống giáo dục quốc dân được thiết kế theo hướng mở, nhằm đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học; tạo điều kiện để người học dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo. Đáng chú ý, dự thảo luật cũng quy định, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, vấn đề chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo cũng được đề cập để sửa đổi, bổ sung; tiến tới tất cả nhà giáo (từ tiểu học đến THPT) phải có trình độ đại học trở lên. Căn cứ vào thực tiễn đội ngũ nhà giáo, dự thảo luật đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng…
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Giáo dục, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết: Dự thảo cần điều chỉnh một số nội dung phù hợp thực tiễn. Cụ thể, tính đến năm học 2016-2017, giáo viên tiểu học có trình độ trên chuẩn mới đạt 86,7%. Như vậy, nếu không có giải pháp nâng trình độ giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng sẽ khó đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp là hoàn toàn phù hợp, vì Nghị quyết số 29 cũng quy định điều đó. Trong khi đó, đại diện Sở GD và ĐT tỉnh Cao Bằng cho rằng, Luật Giáo dục năm 2005 quy định, trường, lớp mẫu giáo nhận trẻ từ ba tháng tuổi. Vì vậy, trong dự thảo luật lần này cần bổ sung quy định các cơ sở giáo dục mầm non công lập phải có lớp nhận trẻ từ ba tháng tuổi trở lên. Thực tế tại Cao Bằng và không ít địa phương khác cho thấy, phần lớn các cơ sở giáo dục mầm non chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, gây khó khăn cho cha mẹ học sinh.
Chung quanh chính sách tiền lương, nâng chuẩn trình độ giáo viên, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Đức Hữu khẳng định, bộ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các địa phương để có những điều chỉnh, đề xuất phù hợp. Trước mắt, Bộ GD và ĐT sẽ hướng dẫn các địa phương nâng cao trình độ giáo viên cho phù hợp thực tiễn, nhất là những nơi có điều kiện khó khăn.
Gỡ “nút thắt” trong đổi mới giáo dục đại học
Đối với dự thảo Luật Giáo dục đại học có mười chương, 36 điều được sửa đổi, bổ sung. Điểm mới là phương thức tổ chức đào tạo sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học; việc phân tầng, xếp hạng được sửa đổi, bổ sung theo hướng đề cao quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo là quy định về hội đồng trường được thành lập ở trường đại học, học viện công lập. Số lượng thành viên hội đồng trường phải là số lẻ, ít nhất 17 người; đại diện giảng viên ở khoa, bộ môn chiếm tỷ lệ tối thiểu 25% tổng số thành viên; các thành viên bên ngoài trường chiếm tỷ lệ tối thiểu 30% tổng số thành viên. Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu, không kiêm nhiệm các chức vụ quản lý khác…
Theo Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) Nguyễn Thị Tính: Nên chọn phương án hai là tổ chức thực hiện quy trình bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng cần bổ sung tiêu chuẩn hiệu trưởng trước khi được bầu phải quản lý cấp trường ít nhất 5 năm. Về thành phần hội đồng trường, theo Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Nông lâm Bắc Giang Nguyễn Bình Nhự, nên tăng số cán bộ, giảng viên trong trường tham gia hội đồng trường nhưng giảm bớt số lượng thành viên là người ngoài trường nhằm tăng cường tính sát thực của hội đồng đến các hoạt động chuyên môn. Hiệu trưởng Trường đại học Tân Trào Nguyễn Bá Đức, cho rằng, vấn đề đặt ra là ngân sách hoạt động cho hội đồng trường được lấy từ nguồn nào, có độc lập với ngân sách hoạt động của hiệu trưởng; bộ máy giúp việc cho hội đồng trường được thành lập từ đâu? Dự thảo luật cần làm rõ để không tăng thêm cán bộ trong trường và bảo đảm hoạt động độc lập với hội đồng trường. Còn Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên) Trần Văn Tuấn, nêu quan điểm, ngân sách hoạt động của hội đồng trường nên theo quy chế chi tiêu nội bộ của trường đại học để phù hợp kế hoạch thu, chi tài chính hằng năm. Theo đó, trong kế hoạch hằng năm, có dành riêng kinh phí hoạt động cho hội đồng trường…
Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các địa phương, trường đại học để bản dự thảo Luật Giáo dục đại học được hoàn thiện, bảo đảm tính toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm vào những nội dung vướng mắc nhất trong thực hiện tự chủ và nâng cao chất lượng đại học. Đồng thời, bảo đảm tính thiết thực, khả thi để giải quyết “nút thắt” trong thực hiện đổi mới và tự chủ giáo dục đại học…
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét