Phát biểu khai
mạc buổi lễ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho
biết, thời gian qua, ngành giáo dục Thủ đô thực hiện phương châm “Kỷ
cương nghiêm - Chất lượng thực - Hiệu quả cao”, nhiều biện pháp quản lý
đã được áp dụng và tạo nên sự chuyển biến rõ nét trong các nhà trường.
Vì thế, chất lượng giáo dục đại trà của Hà Nội luôn ổn định, tạo điều
kiện cho giáo dục mũi nhọn phát triển. Đến nay, Hà Nội có gần 2.600
trường học và cơ sở giáo dục với 116 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Ngành giáo dục Thủ đô có nhiều sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong
việc thực hiện đổi mới các chương trình dạy học, góp phần nâng cao chất
lượng giáo dục toàn diện, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm. Để nâng
cao chất lượng giờ dạy, các trường đã thực hiện quy chế chuyên môn,
sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, tổ chức nhiều hội thảo, sinh hoạt chuyên
đề. Các cấp quản lý tăng cường dự giờ, thăm lớp, kiểm tra thường xuyên
và đột xuất.
Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, công
cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ
thông, mà trước mắt là việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục
phổ thông mới đang đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi sự nỗ lực, cố
gắng, tâm huyết, sáng tạo của mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý. Trong đó,
đội ngũ nhà giáo là yếu tố then chốt để đổi mới giáo dục, bởi không có
thầy giỏi về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt thì không có
nền giáo dục chất lượng.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ghi nhận, đánh
giá cao những kết quả đạt được của ngành giáo dục Thủ đô trong năm học
2016-2017. Ngành giáo dục Thủ đô đã quyết liệt đổi mới toàn diện trên
tất cả các mặt theo hướng sâu sát và hiệu quả; đi trước, đón đầu trong
việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, dạy và học; triển khai
các mô hình giáo dục, đào tạo mở, tiên tiến, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
đề nghị ngành giáo dục Thủ đô cần tiếp tục khắc phục những khó khăn;
khẩn trương thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học khoa học, hợp lý;
quan tâm, nghiên cứu đề xuất trang thiết bị dạy và học, sửa chữa những
hạng mục công trình chưa đồng bộ hoặc xuống cấp như phòng học tạm, nhà
vệ sinh cho các trường ngoại thành, vùng xa; phân luồng và hướng nghiệp
cho học sinh phổ thông; nghiên cứu, đề xuất bổ sung các chương trình
giáo dục ngoại khóa để các em có thêm những kỹ năng sống, kỹ năng thực
hành… Các nhà giáo cần tiếp tục trau dồi trình độ chuyên môn, đạo đức
nghề nghiệp, luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo…
Tại buổi lễ, có sáu tập thể được nhận Huân chương Lao động của Chủ
tịch nước; tám tập thể nhận Cờ Thi đua của Chính phủ; sáu tập thể và 11
cá nhân tiêu biểu nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 10 tập thể
nhận Cờ Thi đua xuất sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét