Thứ Sáu, 06/10/2017, 01:28:47
Sau ba năm thực hiện đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ), đến nay, phương thức tổ chức kỳ thi và tuyển sinh đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đánh giá cao.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức thành công, hiệu quả. Việc đổi mới cách thức tổ chức và phương thức thi cùng sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các sở GD và ĐT và trường ĐH, CĐ đã bảo đảm tính khách quan, trung thực, tạo được niềm tin của xã hội. Việc đặt điểm thi trường, liên trường phổ thông tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn, ở, tạo được tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài; thời gian thi được rút ngắn làm giảm sự vất vả của thí sinh và người nhà, không còn cảnh ùn tắc giao thông trong những ngày kỳ thi diễn ra như nhiều năm trước, công tác tổ chức thi nhẹ nhàng hơn…
Bên cạnh những kết quả đạt được, dư luận xã hội cho rằng, từ năm 2018 và các năm tiếp theo, Bộ GD và ĐT cần làm tốt khâu ra đề thi. Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cho thấy đã có sự phân hóa. Tuy nhiên, đã xảy ra nghịch lý: Mặc dù nhìn chung thí sinh đạt điểm cao nhưng các trường đại học vẫn gặp khó trong công tác tuyển sinh, không ít thí sinh đạt hơn 29 và 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng một. Những thí sinh đạt điểm thực tế cao nhưng trượt nguyện vọng một là do quy định về điểm ưu tiên chưa phù hợp. Vẫn biết rằng, trong giáo dục không có cào bằng, việc cộng điểm ưu tiên cho thí sinh ở những vùng khó khăn là cần thiết, nhưng thực tế cho thấy, Bộ GD và ĐT cần rà soát, nghiên cứu, tính toán hợp lý, tránh gây thiệt thòi cho cả thí sinh vùng khó khăn và thí sinh có kết quả thi đạt cao.
Theo các chuyên gia giáo dục, mấu chốt dẫn tới điểm thi THPT quốc gia năm 2017 tăng cao đột biến là đề thi trắc nghiệm được xây dựng chưa hợp lý. Đề thi trắc nghiệm của từng môn, từng phòng thi được rút ra từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, được thiết kế thành bốn đề gốc. Từ bốn đề gốc, “nhân bản” thành 24 mã đề khác nhau phục vụ từng phòng thi, cho nên đã không tránh khỏi sự trùng lặp. Vì vậy, mỗi đề thi trắc nghiệm cần bảo đảm ít nhất có tám đề gốc, khi “nhân bản” sẽ không xảy ra tình trạng nhiều mã đề thi giống nhau hoặc có khác nhau cũng chỉ là thay đổi thứ tự câu hỏi.
Năm 2017, Bộ GD và ĐT quy định, ngoài bài thi bắt buộc, thí sinh chọn một trong hai bài thi tổ hợp hoặc có thể chọn cả hai bài thi tổ hợp. Những thí sinh tự do được phép chọn môn thi thành phần của bài thi tổ hợp; thí sinh hệ THPT, giáo dục thường xuyên đã đăng ký bài thi tổ hợp nào phải làm hết các môn thành phần của bài tổ hợp đó. Quy định nói trên nhằm mục đích tránh hiện tượng học tủ, học lệch, nhưng vô hình trung đã tạo áp lực lo lắng, vất vả đối với thí sinh khi phải thi tất cả các môn thành phần, điều này chẳng khác gì là bắt buộc. Mục đích của kỳ thi THPT quốc gia là xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Vì vậy, với bài thi tổ hợp, Bộ GD và ĐT chỉ nên quy định thí sinh hệ THPT, giáo dục thường xuyên được đăng ký môn thi phù hợp trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, đồng thời điều chỉnh thời gian nghỉ giữa các môn thành phần của bài thi tổ hợp.
Bộ GD và ÐT cho biết sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, trong các năm 2018, 2019 và 2020, việc tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài trên máy tính.
Nhiều chuyên gia giáo dục kiến nghị, để làm tốt công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho những năm tiếp theo, bên cạnh xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, điều chỉnh cách ra đề thi trắc nghiệm, tăng độ phân hóa, Bộ GD và ĐT cần làm tốt hơn nữa công tác chỉ đạo; nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường sự phối hợp của các trường đại học với địa phương; giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.
QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét