25 thg 5, 2017

Tạo thuận lợi cho thí sinh

Thứ Năm, 25/05/2017, 03:47:04
 Font Size:     |        Print
 

Giờ ôn tập của học sinh lớp 12, Trường Phan Đăng Lưu (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH
 Font Size:     |  
LTS - Chỉ còn gần một tháng nữa kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2017 chính thức diễn ra (từ ngày 22 đến 24-6). Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng như các địa phương đã và đang gấp rút công tác chuẩn bị nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh dự thi, bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, hiệu quả.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) cho thấy, cả nước có gần 860 nghìn thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2017, trong đó, gần 75% số thí sinh đăng ký thi và lấy kết quả xét tuyển vào đại học. Bộ GD - ĐT triển khai nhiều giải pháp tích cực để thí sinh dự thi đạt hiệu quả.
Những điểm mới
Bộ GD - ĐT cho biết, năm 2017 là năm thứ ba kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội nhưng kết quả vẫn bảo đảm độ tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) khối các trường sư phạm. Để từng bước khắc phục các hạn chế kỳ thi THPT quốc gia những năm trước, điểm mới của kỳ thi năm 2017 là mỗi tỉnh, thành phố sẽ tổ chức một cụm thi do sở GD - ĐT chủ trì với các điểm thi được đặt tại các trường hoặc liên trường THPT ở các quận, huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Tham gia coi thi, chấm thi là giáo viên các trường phổ thông và cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ nhằm chia sẻ trách nhiệm, cùng phối hợp các sở GD - ĐT chủ trì cụm thi để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ tổ chức năm bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học Xã hội (KHXH). Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn khác theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Hình thức thi này sẽ hướng cho học sinh học tập toàn diện, khắc phục dần tình trạng học tủ, học lệch. Kỳ thi được tổ chức trong 2,5 ngày. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia các khâu của kỳ thi, nhất là khâu coi thi sẽ vất vả hơn. Để khắc phục khó khăn, Bộ GD - ĐT đã có các biện pháp về quản lý và kỹ thuật; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, bộ, ngành… để kỳ thi được tổ chức an toàn, tin cậy và khách quan.
Phó Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD - ĐT) Trần Văn Nghĩa cho biết, đến nay công tác chuẩn bị, phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng phục vụ tốt kỳ thi. Với sự điều chỉnh về cách thức tổ chức, số phòng thi tăng lên, số thí sinh trên một phòng thi giảm xuống, đồng nghĩa với việc phải tăng cường cán bộ làm công tác coi thi. Qua thống kê, các hội đồng thi cần 80 nghìn cán bộ, giáo viên, giảng viên; bình quân mỗi phòng có hai giám thị, bảy phòng có một giám biên. Mặc dù kỳ thi được giao cho các địa phương chủ trì, nhưng vai trò của các trường ĐH vẫn thể hiện rõ nét trong kỳ thi năm nay thông qua việc cử cán bộ, giảng viên tham gia coi thi trực tiếp tại các địa phương (theo tỷ lệ 1-1). Vì vậy, công tác chuẩn bị, tổ chức thực tế vẫn như mọi năm, không quá căng thẳng.
Thời gian tới, theo phân công nhiệm vụ, Giám đốc Sở GD - ĐT các tỉnh, thành phố sẽ ban hành quyết định thành lập hội đồng thi và các ban của hội đồng thi. Trước ngày 27-5, các trường ĐH, CĐ được giao nhiệm vụ phối hợp gửi danh sách cán bộ, giảng viên tham gia các khâu tổ chức thi cho đơn vị chủ trì cụm thi.
Bảo đảm các khâu “kỹ thuật”
Phó Cục trưởng Trần Văn Nghĩa cho rằng, việc đổi mới phương thức thi năm nay sang thi trắc nghiệm là đã rút ngắn thời gian thi, sẽ bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan, hạn chế nhiều nhất gian lận, tiêu cực. Tuy nhiên, đề thi trắc nghiệm cũng đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, kinh phí trong xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi. Điều đó đã tạo ra băn khoăn, lo lắng đối với thí sinh, phụ huynh và xã hội, nhất là đề thi của bài thi Toán và KHXH. Việc tổ chức các bài thi tổ hợp cũng dẫn đến phức tạp hơn trong công tác coi thi; khối lượng công việc trong in đề thi vì thế cũng tăng lên, tạo tâm lý lo lắng đối với các sở GD - ĐT. Vì vậy, Bộ GD - ĐT đã tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận; công bố các đề thi minh họa, thử nghiệm, tham khảo để giúp thí sinh tập dượt, làm quen với phương thức thi mới. Bên cạnh đó, Bộ GD - ĐT cũng biên soạn tài liệu “hướng dẫn trong phòng thi” như một cuốn “cẩm nang” rút gọn để cung cấp cho các cán bộ làm công tác tại điểm thi; hướng dẫn các sở GD - ĐT xây dựng kế hoạch và quy trình in đề thi nhằm hạn chế các sai sót.
Đến nay, Bộ GD - ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch, phù hợp với hướng dẫn khung kế hoạch thời gian năm học 2016-2017; nghiêm cấm việc cắt xén chương trình. Đồng thời, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, tư vấn các cơ sở giáo dục về dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học bảo đảm khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh. Việc tổ chức hướng dẫn ôn tập cho học sinh; trong đó, lưu ý việc ôn tập cho các học viên đã hoàn thành chương trình THPT trước đây nhưng chưa tốt nghiệp THPT, nay có nguyện vọng ôn tập, chuẩn bị dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 với tư cách thí sinh tự do tại các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng được triển khai.
Để tổ chức ôn tập hiệu quả cho học sinh, giáo viên bộ môn là người chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy trên lớp cho phù hợp; hướng dẫn học sinh hệ thống lại toàn bộ kiến thức từng chương theo yêu cầu học đến đâu chắc đến đó; ôn tập kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm.
NGUYỄN QUÝ XUÂN
Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội)
Để kỳ thi đạt kết quả tốt, các trường THPT cần chuẩn bị đội ngũ có phẩm chất, đạo đức, chuyên môn giỏi, nhiệt tình và trách nhiệm. Theo đó, các trường THPT cũng như giảng viên đại học được phân công tham gia công tác coi thi, chấm thi phải được tập huấn kỹ về quy chế; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch và đề xuất phân bổ điểm thi phù hợp. Đối với các trường THPT hiện nay cần tổ chức ôn tập cho học sinh đạt kết quả tốt, bám sát yêu cầu kỳ thi; công tác tổ chức thi bảo đảm an toàn, khách quan, công bằng; bảo đảm điều kiện an ninh, trật tự để không xảy ra vụ việc đáng tiếc trong kỳ thi...
NGUYỄN QUỐC BÌNH
Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội)
LONG THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét