Trong
ngày thi đầu, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Phùng Xuân Nhạ
kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại một số cụm
do các trường đại học chủ trì tại Hà Nội và điểm thi do Sở GD và ĐT Hà
Nội chủ trì. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sau khi kiểm tra một số
cụm, điểm thi và báo cáo nhanh của các địa phương cho thấy, công tác
chuẩn bị kỳ thi chu đáo, tâm trạng thí sinh tự tin làm bài. Trao đổi
với các phụ huynh thì phần lớn cho biết đều sáng đi tối về, hoặc đi về
ngay sau khi kết thúc môn thi mà không phải thuê trọ vất vả. Đây là kết
quả việc phối hợp giữa Bộ GD và ĐT và các tỉnh, thành phố để tổ chức
các cụm thi ngay tại địa phương, thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh.
Đối với cán bộ coi thi tuy vất vả hơn chút nhưng đều thấy được trách
nhiệm và quyết tâm, cho nên kỳ thi đã được chuẩn bị chu đáo, khởi đầu
nghiêm túc. Tuy nhiên, những ngày tới, các hội đồng thi cũng không được
chủ quan, ở cả hai loại cụm thi đều phải bảo đảm đúng quy chế, minh
bạch, an toàn trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Nhất là lứa tuổi của thí sinh tâm lý thường không ổn định, bước vào kỳ
thi thường hồi hộp, lo lắng, cho nên cán bộ coi thi cần tạo tâm lý
thoải mái, nhẹ nhàng để thí sinh không thấy căng thẳng, nghiêm túc làm
bài tốt ở tất cả các môn thi.
Ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân ở các địa phương cho thấy, công
tác hỗ trợ thí sinh (TS), người nhà cũng được quan tâm. Để bảo đảm các
điều kiện thuận lợi về chi phí, ăn ở cho TS dự thi, tỉnh Lai Châu đã hỗ
trợ bằng tiền cho các TS là con em đồng bào dân tộc thiểu số, con em
hộ nghèo, gia đình chính sách, học sinh ở vùng sâu, vùng xa thuộc các
xã đặc biệt khó khăn có khoảng cách từ nhà đến các điểm dự thi hơn 10
km, với số tiền là 120 nghìn đồng/ngày/TS. Tại Tuyên Quang, UBND tỉnh
đã hỗ trợ các TS (nhà cách xa điểm thi từ 8 km trở lên) tại cụm thi do
Sở GD và ĐT chủ trì với mỗi em 500 nghìn đồng. Trường đại học Vinh và
các địa phương huy động tài trợ gần chín nghìn suất cơm miễn phí, 10
nghìn chỗ trọ giá rẻ, 10 nghìn chai nước khoáng, 20 nghìn hộp sữa tươi
và hàng nghìn áo phông và mũ che nắng cho TS. Tỉnh Kon Tum đã trích
kinh phí hơn 236 triệu đồng hỗ trợ TS là người dân tộc thiểu số, với
mức từ 300 đến 500 nghìn đồng/TS; tỉnh Đác Nông đã trích ngân sách địa
phương hỗ trợ 310 TS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức 510 nghìn
đồng/TS; Trường đại học Marketing TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 20 triệu đồng
mua vé xe buýt cho những thí sinh ở xa trung tâm.
Đáng chú ý, vấn đề bảo đảm nghiêm quy chế được các ban chỉ đạo thi
cũng như các hội đồng thi chú trọng. Tại cụm thi số 4 (Hà Nội) do Học
viện Kỹ thuật quân sự chủ trì đã lưu ý cán bộ coi thi, với thiết bị
tinh vi nhằm gian lận trong thi cử thì mắt thường không nhìn thấy,
nhưng nếu chú ý quan sát, cán bộ coi thi có thể nhận diện được. Vì vậy,
trong mỗi buổi thi, nếu thấy TS có hành vi khác thường như: lẩm nhẩm,
xoay bút liên tục…, cán bộ coi thi cần tiến hành kiểm tra. Đáng chú ý,
dù được phổ biến quy chế thi nhiều lần nhưng ở nhiều cụm thi vẫn xảy ra
tình trạng TS vi phạm quy chế do mang điện thoại, sử dụng tài liệu tại
phòng thi. Trong đó, tỉnh Hà Giang có hai TS mang điện thoại vào phòng
thi, bị đình chỉ thi; các tỉnh Quảng Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Lâm
Đồng đều có một TS bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi.
Trong khi đó, tại Phú Yên, có một TS bị đình chỉ thi do sử dụng tài
liệu.
Trong môn thi buổi sáng 1-7, tại điểm thi Trường đại học Thái Bình 1,
thuộc cụm thi số 32 do Trường đại học Y Dược Thái Bình (tỉnh Thái
Bình) phụ trách, Hội đồng thi chưa kiểm soát tốt tình hình, để ba người
nhà TS thuê phòng trọ ở tầng một khu vực thi, trong khi đó ngay trên
tầng ba của tòa nhà là nơi các thí sinh đang dự thi môn Toán. Sau đó,
Hội đồng thi mới phát hiện ra sai sót và lực lượng an ninh phải cách ly
kiểm tra ba người nói trên nhưng không phát hiện điều bất thường. Tuy
nhiên, vấn đề vì sao trường sở tại cho người nhà thí sinh thuê phòng ở
không thông báo cho Hội đồng thi vẫn chưa được làm rõ. Ngoài ra, kết
thúc ngày thi đầu, một số địa phương có số TS bỏ thi nhiều như: Đác Lắc
668 TS, Thừa Thiên - Huế có 248 TS, Quảng Ninh 187 TS, Nghệ An 137 TS,
Kon Tum 37 TS, Yên Bái 30 TS, Lai Châu 28 TS, Hà Nam 21 TS…
Tại các địa phương, một vài sự cố vẫn xảy ra khiến nhiều TS không thể
dự thi hoặc dự thi khi sức khỏe không bảo đảm. Tại Nghệ An, trước ngày
thi, TS Lê Thị Oanh Oanh, Trường THPT Thanh Chương 1 không may bị tai
nạn gãy chân phải bó bột khi đi thi. Tại Đà Lạt (Lâm Đồng), các tình
nguyện viên đã đến phòng trọ giúp đỡ TS Trương Thị Hồng Xuân bị tai nạn
gãy chân trước đó kịp đến dự thi. Đặc biệt, TS khiếm thị Mai Văn Hiền
(học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Đà Nẵng) được ngồi riêng một
phòng thi tại điểm thi Trường cao đẳng Phương Đông.
Báo cáo của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2016 cho biết, có 63 TS
bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy chế (gồm 15 TS bị khiển trách, tám TS
bị cảnh cáo và 40 TS bị đình chỉ thi). Ngày thi đầu bảo đảm diễn ra an
toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Các trường hợp bất thường (thí sinh
khiếm thị, thí sinh không thể viết được, thí sinh thiếu giấy tờ…) đã
được các hội đồng thi xử lý theo quy chế và tạo điều kiện để các thí
sinh dự thi…
Hôm nay (2-7), buổi sáng thí sinh dự thi môn Ngữ văn, theo hình thức
tự luận, thời gian làm bài 180 phút; buổi chiều dự thi môn Vật lý, theo
hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.
Thí sinh làm thủ tục dự thi môn Toán tại Hội đồng thi Trường đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: DUY LINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét